Nữ thẩm phán gương mẫu, trách nhiệm, giữ vững cán cân công lý

 397 lượt xem
Hơn 10 năm gắn bó với ngành Tòa án, trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng ở vị trí nào, chị Nguyễn Thị Thùy Hương, Thẩm phán trung cấp, Phó Chánh án, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ luôn nỗ lực, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giải quyết công tâm, ứng xử chuẩn mực, phù hợp với từng vụ việc cụ thể để đưa ra những phán quyết thuyết phục lòng người, thấu tình đạt lý. 

 
Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương (đứng giữa) luôn công tâm trong từng vụ án
Thời gian đầu công tác tại TAND tỉnh Phú Thọ từ năm 2008, chị làm việc tại Phòng Giám đốc kiểm tra của Tòa án. Với nhiệt huyết tuổi trẻ và niềm đam mê nghề, trong quá trình công tác, chị luôn cần mẫn với công việc được giao, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận. 
Với những nỗ lực trong công tác, năm 2009, chị được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán sơ cấp và công tác tại TAND TP Việt Trì. Đến năm 2013, chị tiếp tục được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án TAND TP Việt Trì và đến tháng 4/2017 chị được điều động lên làm Chánh tòa Kinh tế TAND tỉnh Phú Thọ rồi Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ. 
    Ở cương vị thẩm phán, chị Hương đã giải quyết, xét xử hàng nghìn vụ án. Trước mỗi vụ án, chị luôn chú trọng nghiên cứu hồ sơ, sắp xếp khoa học, nắm chắc chứng cứ, tài liệu để đưa ra những phán quyết khách quan, công bằng. Có năng lực chuyên môn tốt, chị Hương thường được giao xét xử các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Trước mỗi phiên tòa, chị luôn nhớ lời Bác dạy ngành Tòa án “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. 
 
Nhiều vụ án chị phụ trách đều là những vụ trọng án
    Trong số những vụ trọng án từng xét xử, vụ án để lại ấn tượng sâu sắc nhất với chị là vụ án đánh bạc nghìn tỷ. Chia sẻ về vụ án này, chị Hương cho biết: Năm 2018, được sự tín nhiệm và tin tưởng của lãnh đạo TAND, chị được phân công Chủ tọa vụ án Phan Văn Vĩnh cùng đồng phạm bị xét xử về 6 tội danh, gồm: “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 Đây là vụ án mà theo chị Hương đánh giá là vụ án lớn, quy mô rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, có liên quan đến một số quốc gia. Các bị cáo sử dụng thủ đoạn tinh vi, công nghệ cao để phạm tội nhằm che giấu sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Vụ án có thời gian điều tra là 1 năm với số lượng điều tra viên 120 người và số kiểm sát viên tham gia kiểm sát điều tra là 4 người. 
Trong quá trình điều tra, kết quả làm rõ có 25 đại lý cấp 1; 5.877 đại lý cấp 2 thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc; 42.955.718 tài khoản của các cá nhân tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc; có hơn 42 triệu tài khoản mở tại 33 ngân hàng trong toàn quốc, mỗi cá nhân dùng 2 - 6 tài khoản; bình quân có khoảng 25 - 30 triệu người Việt Nam tham gia đánh bạc trên mạng Internet. Thành phần tham gia đánh bạc đa dạng như cán bộ, đảng viên, giáo viên… liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, ngành, lĩnh vực. 
“Đây là vấn đề cần được đặt ra để các cơ quan chức năng có trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa. Số tiền thu lời bất chính chứng minh được là 9.853 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 7/2020 thu hồi được 1.900 tỷ.”- chị Hương cho biết.
Cũng theo chị Hương, tại giai đoạn 1 xét xử, số lượng người tham gia tố tụng lên tới hơn 300 người. Trong đó, có 92 bị cáo; 33 người bào chữa … Đặc biệt, có 2 bị cáo là Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa khi phạm tội đang giữ chức vụ cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật. 
Vụ án thu hút đông đảo các cơ quan thông tin, truyền thông đến đưa tin, sự theo dõi, quan tâm đặc biệt của quần chúng nhân dân. Vấn đề khó khăn không chỉ với số lượng hồ sơ khổng lồ (khoảng 2 tấn) mà vụ án liên quan đến công nghệ, đến các tướng lĩnh trong ngành bảo vệ pháp luật, những người đã từng trực tiếp chỉ đạo phòng, chống tội phạm, điều tra nhiều đại án; nhiều bị cáo có mối quan hệ nhạy cảm, có trình độ rất cao về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin… 
Nhiều tài liệu thu thập được tại các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát và các Tổng cục khác của Bộ Công an… có liên quan đến vụ án. Trong đó có những tài liệu có giá trị chứng cứ nhưng hầu hết các tài liệu này là tài liệu “Mật” không thể công khai. 
Theo đánh giá của Thẩm phán Hương khi đó, một trong những vấn đề khó khăn phức tạp nữa là toàn bộ hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc, hoạt động thanh toán, chuyển tiền thua, thắng bạc đều qua hệ thống mạng, qua máy chủ được kết nối qua các đường truyền của hệ thống nhà mạng và qua hệ thống ngân hàng trên phạm vi toàn quốc. Việc đánh giá tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử hết sức khó khăn, đòi hỏi các thành viên Hội đồng xét xử phải học hỏi, nghiên cứu về công nghệ thông tin, cơ chế vận hành game bài, nguyên tắc hoạt động của cổng trung gian thanh toán, cách thức đánh bạc trực tuyến, cách thức đổi đồng tiền ảo Rik… Từ đó, hiểu rõ nhất bản chất tội phạm để có sự phân hóa rõ vị trí, vai trò của từng bị cáo. 
Với một vụ án có quy mô lớn và phức tạp như vậy, trên cương vị là Chủ tọa, theo Thẩm phán Hương ngoài các kỹ năng nghiên cứu tổng hợp, xây dựng hồ sơ thì kỹ năng tổ chức, điều hành phiên tòa đúng tinh thần cải cách tư pháp đóng vai trò rất quan trọng; trong quá trình xét xử, cần phải có phương pháp điều khiển phiên tòa, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng, bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan, tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ hợp pháp của họ.
Tại phiên tòa xét xử vụ án, Chị cùng Hội đồng xét xử đã thực hiện triệt để nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”. 
“Quá trình xét hỏi, tranh luận được thực hiện khách quan, minh bạch, công bằng, không bỏ sót bất kỳ vấn đề pháp lý hoặc tình tiết, chứng cứ nào. Qua đó, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và sự thật khách quan có liên quan đến vụ án. Phán quyết của Hội đồng xét xử dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, không bó hẹp trong phạm vi cáo trạng truy tố và được quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ.” - chị Hương cho biết.
Bên cạnh việc làm tốt công tác chuyên môn, giữ vị trí lãnh đạo, chị Hương luôn quan tâm, giúp đỡ những thẩm phán trẻ. Chị luôn nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo tận tâm về quy định của pháp luật cũng như phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả. Nhờ đó, đồng nghiệp trẻ của chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, noi gương chị, phấn đấu trở thành thẩm phán giỏi.
Với những thành tích đã đạt được và sự nỗ lực, phấn đấu của mình, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương là tấm gương tiêu biểu của TAND tỉnh Phú Thọ. Tin rằng với tinh thần nhiệt huyết, tình yêu công việc của mình, Thẩm phán Hương sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao dù ở bất cứ cương vị công tác nào.
                                                                                                                                                                            Quang Minh


 

 
Ý kiến của bạn