“Khi gợi ý phong bì là bác sĩ tự ràng buộc mình bởi hợp đồng kinh tế vô hình”

 9682 lượt xem
(BTĐKT) - Trong khi người dân trở nên thiếu thiện cảm, mất niềm tin với ngành y tế vì những câu chuyện liên quan đến việc “vòi vĩnh” phong bì trong khám, chữa bệnh; hoặc có “phong bì” thì sẽ phục vụ nhanh chóng, nhiệt tình hơn… thì ở đây, tôi vẫn có may mắn khi gặp được những y, bác sĩ tận tình chăm sóc người bệnh mà không mưu cầu lợi ích cho riêng mình. 

Bệnh nhân Nguyễn Thị Đức, 64 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội kể cho tôi nghe về thái độ phục vụ của các y, bác sĩ tại khoa Nội, Trung tâm Y tế Lao động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bằng giọng đầy cảm kích. Bà chia sẻ, bản thân bà mắc nhiều bệnh như đau đầu, cột sống, đốt sống cổ… Khi đến đó khám, điều trị thì được bác sĩ Phạm Đình Tuần, bác sĩ Nhung cùng các y tá… đón tiếp rất nhẹ nhàng, ân cần. “Vì thế, tôi nhanh chóng xóa đi được khoảng cách xa lạ ban đầu và tìm thấy được niềm tin ở các y, bác sĩ”.

Đặc biệt, khi được hỏi về chuyện “phong bì” bồi dưỡng cho y, bác sĩ bà Đức lại càng tỏ rõ sự biết ơn vì “y tá, bác sĩ ở đây phục vụ rất tận tình nhưng lại từ chối phong bì của tôi”. Bà cho biết, chị gái của bà bị ung thư vú mà không thể thực hiện phẫu thuật do bị hen nặng. Nghĩ rằng đưa chị gái đến để “thử vận may” thôi, không ngờ  “Sau một thời gian điều trị, chị gái tôi đang từ tình trạng khối u vú rất to, kèm theo suy tĩnh mạch, hen, xẹp phổi đã hồi phục sức khỏe, khối u đã nhỏ đi. Suốt thời gian điều trị tại đó, bác sĩ Tuần cùng các cô y tá luôn thăm hỏi, động viên để chị ấy có niềm tin vào phác đồ điều trị cũng như có niềm lạc quan vào cuộc sống”. 

 

Điều làm tôi ngạc nhiên và khâm phục nhiều hơn đó là khi kết thúc đợt điều trị thứ nhất, chúng tôi đã “phong bì” cho bác sĩ để cảm ơn - một lời cảm ơn rất chân thành nhưng bác sĩ Tuần đã từ chối. Bác sĩ bảo “hoàn cảnh cô khó khăn nên cháu không lấy, chữa bệnh cho cô vừa  là nhiệm vụ vừa là vinh dự của khoa” - cô Đức cảm động. 

 

Chia sẻ về vấn nạn “phong bì trong bệnh viện”, bác sĩ Phạm Đình Tuần, Trung tâm Y tế Lao động cho rằng: Thực ra việc người bệnh biếu quà cho bác sĩ đã xuất phát từ văn hóa truyền thống "uống nước nhớ nguồn", “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt ta. Hành động này không có gì xấu khi sự cảm ơn xuất phát từ tấm lòng biết ơn chân thành của người bệnh sau khi được chữa khỏi sự đớn đau, mệt mỏi. Còn khi người bác sĩ tự đặt ra yêu cầu hay gợi ý về “phong bì” trước khi chữa bệnh thì họ đã tự ràng buộc mình bởi một “hợp đồng kinh tế” vô hình. Điều này chính là “con dao 2 lưỡi”, sẽ có lúc nó quay lại làm hại chính mình.

 

Không tự nhận mình là một người hoàn toàn từ chối tất cả những món quà cảm ơn của người bệnh, nhưng bác sĩ Tuần quan niệm rõ: Mọi người nghĩ rằng cứ phải có “phong bì” mới được điều trị tốt, còn không có thì sẽ không được quan tâm. Thế nên tôi đã chứng minh không vì điều này để làm việc. Những bệnh nhân nào muốn “phong bì” hầu hết tôi đều không nhận và hứa sẽ điều trị chu đáo cho họ. Còn có thể sau khi họ khỏi bệnh, thực sự cảm thấy biết ơn bác sĩ, điều dưỡng của khoa và có chút quà thì chúng tôi cũng khó lòng từ chối để họ đỡ áy náy. Tuy nhiên, những người có hoàn cảnh khó khăn chúng tôi cũng không nỡ lòng nhận…

 

Mang theo những quan niệm trong suốt quá trình hành nghề, anh đã tận tình làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc. Song song đó, anh cũng miệt mài, say mê đi theo con đường nghiên cứu ra những bài thuốc đặc biệt và mang lại hiệu quả rõ rệt khiến nhiều người bệnh vô cùng biết ơn… Anh là người được Trung tâm tin tưởng giao cho nhiệm vụ vừa làm cộng sự đắc lực, vừa học hỏi những kiến thức y học của Tiến sỹ bác sỹ Hoàng Xuân Ba. Sau một thời gian, phương pháp điều trị theo cơ chế năng lượng tế bào thần kinh của nhóm bác sĩ Ba đã được bác sĩ Tuần áp dụng tại Trung tâm và đem lại nhiều kết quả bất ngờ. 

 

Giải thích về  cơ chế điều trị này, bác sĩ Tuần cho biết: Cách điều trị ở đây là dùng thảo dược đã được chiết  xuất thành tinh chất, các chất dinh dưỡng phù hợp và kết hợp tiêm truyền các thuốc: Glutathion, Alpha Lipoic Acid, Dimethyl sulphoxide... để giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể, điều chỉnh lại hiệu điện thế của màng tế bào và chuyển hóa năng lượng trong ty thể. Các chế phẩm này không trực tiếp tiêu diệt khối u mà giúp màng tế bào ổn định, không bị kích thích, điều hòa hoạt động chuyển hóa và tổng hợp năng lượng của tế bào, đào thải gốc tự do, ngăn chặn quá trình dị sản của các tế bào, nhờ đó bệnh nhân có thể sống thêm và chất lượng cuộc sống tốt hơn… Ưu điểm của phương pháp chữa bệnh này còn giúp giảm các triệu chứng đau đớn cho bệnh nhân ung thư, từ đó giảm những tổn hại về tinh thần, thể xác, trí tuệ, giảm chất lượng cuộc sống. 

 

Đánh giá về phương pháp điều trị này, bác sĩ chuyên khoa II Hà Việt Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Lao động cho rằng: Bác sĩ Tuần đã tiếp thu, áp dụng khá thành công phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư hoặc mắc một số bệnh mạn tính từ TS.BS Hoàng Xuân Ba, tại Trung tâm Y tế lao động (TS.BS Hoàng Xuân Ba tốt nghiệp bác sĩ và TS Y khoa tại Cộng hòa Liên bang Nga, có thời gian nghiên cứu và làm việc tại Hoa Kỳ về bệnh ung thư, miễn dịch). Tôi ủng hộ việc này. Bản chất của phương pháp này là kết hợp hai nền Y học phương Đông và phương Tây (Y học Cổ truyền Dân tộc với Y học hiện đại), đúng với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của Bộ Y tế… Hiện nay, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân mắc ung thư, bệnh mạn tính đến khám và điều trị theo phương pháp này, nhiều người trong số họ đã từng được điều trị tại Trung Quốc, Singapo.

 

Tất nhiên không phải phương pháp nào cũng đạt hiệu quả 100% như mong muốn và phương pháp này nhiều khi lại trở thành "cứu cánh", "lối thoát" cho cả thầy thuốc và bệnh nhân. So với các phương pháp điều trị khác thì đây là phương pháp điều trị ít tốn kém. Nếu chi phí điều trị ở Trung Quốc, Singapo tốn chục triệu đồng mỗi ngày thì phương pháp này chi phí rẻ hơn khá nhiều. 

 

Chia tay bác sĩ Tuần, trong tôi đọng lại mãi hình ảnh của người thầy thuốc luôn hết lòng vì người bệnh. Mặc dù anh có nhắn nhủ “Đừng đưa tôi lên mặt báo” nhưng tôi vẫn thôi thúc viết nên những dòng chữ này bởi xúc động trước tâm sự của anh “Về y đức và chuyên môn tôi luôn làm hết mình vì người bệnh. Còn sự thành công không có bí quyết gì cả. Bất cứ ai thành công cũng cần đủ 4 yếu tố: Tố chất, năng lực, lòng đam mê và cả sự may mắn". 

 

Tuệ Nhi

 

 

Bác sĩ Tuần (thứ 2 bên phải sang) đi buồng cùng TS. Hoàng Xuân Ba và GS.TS. Jean Paul Dyslepere, Trưởng khoa bệnh Nội tiết và chuyển hóa đại học Gent-Bỉ. 

 

 
Ý kiến của bạn