Người Việt dùng thuốc Việt: Còn chặng đường dài

 7202 lượt xem
(BTĐKT) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đã được phát động hơn 1 năm. Tuy nhiên để việc dùng thuốc Việt trở thành thói quen của người dân cần cả chặng đường dài. 

Tăng cường sản xuất thuốc nội chất lượng tốt

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, hệ thống các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước tương đối phong phú, cả nước có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó có khoảng 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược, ngoài ra có trên 300 cơ sở sản xuất thuốc đông dược (bao gồm các tổ hợp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh cá thể tham gia sản xuất thuốc y học cổ truyền). 

 

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, công nghệ sản xuất thuốc ngày một nâng cao, đặc biệt là từ khi có sự hiện diện của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hoạt động. Các đơn vị trong nước đã nhập khẩu thiết bị hiện đại, mua dây chuyền công nghệ cũng như tăng cường sản xuất nhượng quyền các sản phẩm công nghệ cao. Vì vậy, giá trị tiền thuốc sản xuất tại Việt Nam tăng mạnh qua các năm đáp ứng đến 50% trị giá tiền thuốc sử dụng. 

 

Tuy nhiên, đối với nền công nghiệp sản xuất nguyên liệu hóa dược hiện nay, Việt Nam mới có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp, sản lượng thiết kế khoảng 200 tấn Amoxycillin và 100 tấn Ampicillin mỗi năm. Thực tế, nhiều bệnh nhân Việt vẫn “sính” sử dụng thuốc ngoại. Điều đó khiến cho ngành dược trong nước phát triển chưa đúng với khả năng của mình. Theo nhiều chủ cửa hàng thuốc hiện nay, khi bệnh nhân đến mua thuốc đa phần hỏi về thuốc ngoại mặc dù mới giá cao hơn rất nhiều so với thuốc nội.

 

“Với bệnh nhân bị ho kéo dài khoảng 1 tuần, khi đến mua thuốc có đưa đơn toàn thuốc ngoại nhưng cửa hàng tôi không có đầy đủ. Vì thế, tôi tư vấn mua loại thuốc nội với hàm lượng chất như thuốc ngoại đó, giá thành giảm đi tới 60%. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân không tin tưởng vào thuốc nội và phải tìm bằng được loại thuốc ngoại đó. Với toa thuốc đó, dùng thuốc nội chỉ mất chừng 100.000 đồng cho 5 ngày sử dụng nhưng thuốc ngoại lên tới gần 600.000 đồng”, chị Nguyễn Thúy Hằng, chủ cửa hàng thuốc trên phố Ngọc Khánh, Hà Nội tâm sự.

 

Vì thế, cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” nhằm góp phần thúc đẩy việc tăng cường sản xuất các loại thuốc có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu điều trị của bệnh nhân trong nước. Từ đó, ngành y tế của nước ta sẽ không bị lệ thuộc vào nguồn thuốc nhập khẩu từ nước ngoài với giá trị kinh tế cao và khó kiểm soát chất lượng.

 

 

Cần tuyên truyền để người dân dùng thuốc nội.

 

Đồng thuận của bác sĩ và nhà thuốc

 

Bà Lâm Thị Minh Phúc - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Dân tộc Hà Nội, nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, các sản phẩm dược trong nước hiện nay rất đa dạng phong phú, kiểu dáng mẫu mã đẹp, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt không thua các thuốc ngoại cùng chủng loại nhưng giá cả lại thấp hơn rất nhiều - đó là ưu thế của thuốc nội. Cơ hội cho các doanh nghiệp dược qua cuộc vận động này là như nhau nhưng doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội để bật lên khẳng định tên tuổi thương hiệu hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đó có sản phẩm tốt hay không. Việc áp dụng công nghệ, khoa học tiên tiến, nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh về giá thành mang tính quyết định.

 

Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp dược trong nước truyền thông, quảng cáo về sản phẩm của mình chưa mang lại hiệu quả cao cho nên người dân ít “quan tâm” tới thuốc nội. Bên cạnh đó là vai trò của y bác sĩ kê đơn thuốc. Đó là những người có tác động rất lớn tới việc dùng thuốc nội. Sau cuộc vận động của Bộ Y tế, nhiều địa phương đã có những chương trình thúc đẩy thuốc nội phát triển.

 

Đơn cử như tại TP HCM, lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện chương trình bình ổn giá các loại thuốc tây sản xuất trong nước, triển khai đến từng phòng khám, từng bác sĩ của bệnh viện. Tiêu chí của việc bình toa thuốc là nhằm đánh giá lại việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân có hợp lý cả về giá bán lẫn chất lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân hay không. Cách làm này cũng sẽ giúp ban giám đốc nắm bắt được tiến độ triển khai việc đưa thuốc bình ổn vào các toa thuốc. Trong trường hợp những loại thuốc sản xuất trong nước giá rẻ, chất lượng tốt mà không đưa vào toa thay thế dần thuốc ngoại thì bác sĩ đó sẽ bị xử lý. 

 

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ngành y tế của tỉnh này cũng đã hưởng ứng cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt. Từ khi có cuộc vận động, tại các bệnh viện lớn của tỉnh gồm Bà Rịa, Lê Lợi cũng như các cơ sở Y tế các tuyến huyện, việc khám chữa bệnh, kê đơn thuốc cho các bệnh nhân được các y, bác sỹ ưu tiên những loại thuốc nội có chất lượng tương đương thuốc ngoại. Ở bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu, việc sử dụng thuốc nội đã chiếm tỷ lệ hơn 50%, đặc biệt là trong việc cấp thuốc cho các bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế.

 

Để thúc đẩy chương trình Người Việt dùng thuốc Việt có hiệu quả, ngành y tế đã đưa ra hàng loạt các giải pháp trong đó tập trung vào cơ sở y tế, thầy thuốc và các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất. Theo đó, người đứng đầu cơ sở y tế xây dựng kế hoạch và tiêu chí phấn đấu để  chỉ đạo Hội đồng thuốc & điều trị đơn vị tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu điều trị hiệu quả. Đối với bác sỹ khám bệnh, kê đơn thuốc và điều trị: Có trách nhiệm tư vấn, kê đơn thuốc và điều trị cho người bệnh bằng thuốc sản xuất tại Việt Nam, hạn chế lạm dụng kê đơn thuốc nhập khẩu đắt tiền. 

 

Còn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc phải đầu tư, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất thuốc theo các tiêu chuẩn về “Thực hành tốt – GPs” bảo đảm chất lượng tốt, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn... Hi vọng với các biện pháp đưa ra, trong thời gian tới, việc sử dụng thuốc Việt sẽ được người bệnh ưu tiên hơn.

 

Châu Giang

 

 
Ý kiến của bạn