Hà Nội: Tích cực truyền thông để giảm số lượng người nhiễm HIV/AIDS

 8188 lượt xem
(BTĐKT) - Để giảm số người nhiễm HIV/AIDS, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về chủ đề này. Trong đó nhấn mạnh vào việc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (LTMC). 

Theo ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, Trung tâm thực hiện “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” nhằm huy động sự tham gia của Đảng bộ các cấp, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và nâng cao nhận thức của nhân dân trong hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Mục tiêu đảm bảo cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tiếp cận sớm các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng số phụ nữ mang thai được tư vấn, làm xét nghiệm HIV, quay lại nhận kết quả xét nghiệm HIV trong thời gian mang thai lên trên 60%; 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được quản lý, chăm sóc và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; 100% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV và được cung cấp sữa thay thế.

Hà Nội tổ chức truyền thông và phòng chống HIV/AIDS.

Chương trình đã được thực hiện với hàng loạt các hoạt động truyền thông trực tiếp và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cụ thể, Trung tâm phối hợp với Trung tâm của 29 quận, huyện và Thành phố tổ chức nói chuyện, đến thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm về dự phòng LTMC; tập huấn cho cán bộ y tế, truyền thông trực tiếp cho phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ. Phát sóng các video clip trên truyền hình; sản xuất và phát sóng 15 phóng sự, tọa đàm trên truyền hình; phát sóng trên đài phát thanh Thành phố và đài phát thanh truyền hình của các quận, huyện, xã, phường.

 

Bên cạnh đó, Trung tâm còn có các hình thức khác như: Cấp phát 14.460 tờ rơi, tranh gấp; treo 50 áp phích, 60 pano; phân phát 822 sách, 1.240 băng video...

 

Chương  trình đã truyền thông cho 1.815.654 phụ nữ từ 15 – 49 tuổi. Số phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm 17.659 người. Số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là 13.917 người. Số phụ nữ nhiễm HIV được phát hiện là 10 người. 7 trẻ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

 

Cùng với chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, giảm số lượng người nhiễm HIV mới trên toàn thành phố cũng được Trung tâm coi trọng. Ông Tuấn cho biết, để hướng tới không có người nhiễm mới HIV cần phải tích cực, cố gắng giảm người nhiễm HIV một cách thấp nhất. Để đạt được mục tiêu này cần có sự phấn đấu liên tục qua các năm, công tác giáo dục, tuyên truyền cần tích cực hơn nữa; đặc biệt là đối với các nhóm có nguy cơ cao như người sử dụng ma túy, nhóm hành nghề mại dâm, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông cho các nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi HIV như thanh niên, dân nhập cư vào Hà Nội để họ hiểu biết về kiến thức HIV và thể hiện hành vi an toàn trong vấn đề phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, cần tích cực chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; tạo điều kiện cho người nhiễm HIV gặp khó khăn vay vốn sản xuất tạo sinh kế.

 

Vì thế, hàng loạt các hoạt động cũng đang được Trung tâm triển khai như hội nghị chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS nhằm hướng tới mục tiêu: “Không có ca nhiễm mới; không có phân biệt đối xử; không có tử vong do AIDS”. Triển khai các hoạt động tăng cường chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV ở các phòng khám ngoại trú và các cơ sở điều trị nội trú, như ở bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện chăm sóc và điều trị bênh nhân HIV/AIDS. Tăng cường chương trình can thiệp giảm tác hại, như các chương trình 100% bao cao su, chương trình phân phát bơm kim tiêm sạch cho những người nghiện ma túy bằng con đường tiêm chích, cũng như triển khai các chương trình xét nghiệm tự nguyện...

 

Tính đến thời điểm này, trên toàn địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 24.342 người đang bị nhiễm HIV (trong đó 3.800 người đã tử vong do AIDS). Chỉ riêng trong sáu tháng đầu năm 2013, Hà Nội đã có thêm 306 người bị nhiễm HIV.

 

Số lượng người bị nhiễm HIV chủ yếu tập trung ở các quận nội thành như: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình… Ngược lại, ở các huyện xa trung tâm Hà Nội như: Thạch Thất, Thanh Oai, Quốc Oai…, có tỷ lệ người mắc thấp. Đặc biệt, trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn có gần 2.000 người bị nhiễm HIV không rõ địa phương.

 

Theo kết quả xét nghiệm vừa được trung tâm Phòng chống HIV/AIDS công bố mới đây, từ năm 2012 đến giữa 2013, Đống Đa là quận có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất, với 2.852 người. Quận Đống Đa cũng đang có tỷ lệ người nhiễm HIV mới bị phát hiện nhiều nhất, với 35 trường hợp trong sáu tháng đầu năm 2013.

 

Đứng thứ 2 trong danh sách này là quận Hai Bà Trưng với 2.276 người, trong đó có 34 trường hợp mới bị phát hiện trong năm 2013. Đứng thứ 3 là quận Ba Đình với hơn 2.000 trường hợp mắc phải căn bệnh thế kỷ này.

 

Huyện Thạch Thất đang là khu vực có tỷ lệ nhiễm HIV thấp nhất, chỉ với 82 trường hợp, trong đó có chỉ 3 trường hợp mới bị phát hiện năm 2013. Cùng có tỷ lệ tương đối thấp, với 353 trường hợp, trong 6 tháng đầu năm, huyện Ứng Hòa chỉ phát sinh 1 trường hợp mới bị phát hiện nhiễm HIV.

 

Dựa vào kết quả trên cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn Thủ đô là 284/100.000 người dân. Toàn bộ 29 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều có người nhiễm HIV, 536 trong tổng số 577 xã, phường, thị trấn (92,8%) có số liệu báo cáo người nhiễm HIV.

 

Đáng lưu ý, trong tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn Hà Nội, nam giới vẫn chiếm tỷ lệ cao, với 81,5%. Các trường hợp phát hiện nhiễm tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 25 - 49 tuổi.

 

Hải Đăng

 

 
Ý kiến của bạn