Khoa Điều trị hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương:Người thân của bệnh nhân máu khó đông

 8677 lượt xem
(BTĐKT) - Từ lâu nay, những bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân hemophilia (máu khó đông) không có thói quen “phong bì” cho các y, bác sĩ của khoa Điều trị hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ngược lại, họ còn được các y, bác sĩ của khoa giúp đỡ, hỗ trợ nhiều về vật chất cũng như được quan tâm, chăm sóc rất tận tình. 

Ths.BS Nguyễn Thị Mai, trưởng khoa Điều trị hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Tổng thư ký Hội Rối loạn đông máu di truyền Việt Nam cho biết: Những người bệnh điều trị ở khoa thường phải điều trị lâu dài. Vì vậy, cuộc sống chỉ là chuyện kiếm tiền chữa bệnh nên khó có thể giàu. Nhìn những người đã khổ vì bệnh tật lại bị nghèo đi bởi bệnh tật thì cán bộ, y bác sĩ chúng tôi cảm thấy hết sức thương tâm. Vì vậy, không có chuyện y, bác sĩ hay cán bộ nhân viên tại khoa nhận phong bì của người bệnh chứ chưa nói gì đến việc vòi vĩnh phong bì. Thậm chí, có nhiều trường hợp bác sĩ còn cho bệnh nhân tiền hoặc đi xin tài trợ viện phí cho người bệnh. Bởi vậy, câu chuyện y, bác sĩ “nói không với phong bì” trở thành điều hết sức bình thường.

Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, chị Bùi Ngọc Mai, người nhà của bệnh nhân trong Khoa kể: Do bị chảy máu trong khớp nên chân của em họ tôi sưng lên, cơ, khớp bị tổn thương và việc vận động đi lại rất khó khăn. Em phải nằm điều trị ở Khoa cả tháng trời. Tôi mới ra trông em được 1 tuần nhưng “tuyệt nhiên” không thấy bệnh nhân nào phải đưa tiền bồi dưỡng cho các y, bác sĩ ở đây. Trong khi đó các bác sĩ lại rất nhiệt tình và thân thiện, thường xuyên thăm hỏi, động viên, chia sẻ với bệnh nhân. Vì vậy, dù phải nằm viện điều trị lâu dài nhưng em họ tôi vẫn cảm thấy vui vẻ, lạc quan. 

       Nhiều trường hợp bác sĩ “phong bì” lại cho bệnh nhân. Ví như có những hoàn cảnh khó khăn đến Khoa điều trị, nghe họ trình bày không có tiền chữa bệnh, chúng tôi đã linh động chữa trị cho họ ngay rồi tiền viện phí… tính sau. “Có những trường hợp đến Khoa điều trị, bác sĩ chỉ định đến bệnh viện khác hội chẩn. Bệnh nhân nhăn nhó kêu không có tiền. Lúc ấy, chúng tôi lại cho họ mượn tiền. Nhiều người lo được tiền chủ động đến trả, nhưng có những người do hoàn cảnh khó khăn nên cũng bảo “em chưa có tiền trả bác sĩ” thì cũng biết thế. Gặp những hoàn cảnh nào khó khăn thì nhân viên trong Khoa lại cùng đi tìm xem có nguồn tài trợ nào không để xin cho họ trang trải tiền viện phí” - bác sĩ Mai chia sẻ.

       Cho đến nay, bác sĩ Mai không nhớ chính xác Khoa Điều trị hemophilia đã hỗ trợ cho bao nhiêu trường hợp. Chị chỉ biết rằng, tất cả cán bộ, nhân viên hễ có dịp giúp đỡ được bệnh nhân dù việc to hay việc nhỏ cũng đều sẵn lòng. Bởi vậy, mặc dù không có món quà cảm ơn là những chiếc phong bì nhưng mỗi khi bệnh nhân về quê lên lại tìm đến các y, bác sỹ gửi chút quà quê, chỉ là củ khoai, củ sắn, ít trái cây… nhưng mọi người lại thấy ấm lòng. 

      Có những trường hợp bệnh nhân gắn bó với bệnh viện từ khi chỉ 4 - 5 tuổi cho đến khi lớn lên, lấy vợ, sinh con; có những trường hợp chúng tôi quản lý theo phả hệ nên chỉ cần nói tên, tuổi, quê quán là biết ngay thuộc gia đình nào. Đặc trưng công việc của các bác sĩ ở đây là quen hết cả… họ hàng người bệnh vì căn bệnh này cũng rất đặc biệt: Bệnh mang tính di truyền, có những gia đình cả chục người, qua mấy thế hệ đều có người mắc. Những đặc trưng này cũng khiến mối quan hệ gắn bó giữa bác sĩ-người bệnh trở nên khăng khít. 

      Trò chuyện với chúng tôi, điều khiến bác sĩ Mai trăn trở nhiều nhất là chi phí điều trị căn bệnh này rất cao. Đây là căn bệnh có chi phí cao nhất trong tất cả các loại bệnh vì người bệnh phải điều trị suốt đời. Trung bình mỗi lọ thuốc có giá 2 triệu đồng - tùy theo thể trạng, cân nặng mà số lượng thuốc khác nhau. Người mắc bệnh này chưa nghèo nhưng sau khi điều trị, dùng thuốc sẽ trở nên nghèo đi. Bệnh nhân nếu xin được chứng nhận hộ nghèo sẽ giảm được nhiều chi phí, chỉ phải mất 5% viện phí. Thế nhưng để xin được chứng nhận hộ nghèo với họ cũng rất khó khăn… Để giảm gánh nặng chữa trị cho bệnh nhân hemophilia, trước mắt cần sự chung tay góp sức của cộng đồng. Về lâu dài cần triển khai chiến dịch sàng lọc để giảm dần số ca mắc.

      Trong khi ngành y tế đang phát động nhân viên trong toàn ngành “Nói không với phong bì” thì câu chuyện về họ - những y, bác sĩ của khoa Điều trị hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương như một điểm sáng cần nhân rộng…

 

 

Bệnh nhân của khoa Điều trị máu khó đông coi y, bác sỹ như người trong nhà.

Tuệ Nhi

 
Ý kiến của bạn