Bác sĩ nhận được ít thông tin về thuốc nội

 7623 lượt xem
(BTĐKT) - Ngoài lý do về các khoản "hoa hồng" mà các bác sĩ nhận được khi kê đơn thuốc ngoại còn do chính các bác sĩ cũng thiếu thông tin về các công ty, các loại thuốc trong nước.
“Thông tin về thuốc Việt Nam chúng tôi nhận được không nhiều, rất mù mờ”. 

Đó là chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. TS. Dũng cho biết, hầu hết thông tin mà chúng tôi nhận được chỉ là do nơi nào sản xuất, chứng minh tương đương sinh học, nhưng nhiều loại thuốc của mình cũng chưa làm được điều này. Muốn chúng tôi sử dụng sản phẩm thì các công ty sản xuất phải công bố thông tin về nguyên liệu sản xuất, thành phần, các chỉ số kỹ thuật, độ hòa tan…".

 

Thực tế có những loại thuốc như thuốc ho của Việt Nam ở khoa chúng tôi vẫn kê đơn cho người bệnh vì giá rất rẻ mà điều trị có hiệu quả. Trong khi đó, thuốc ho nhập ngoại có giá cao gấp khoảng 4 lần. Rõ ràng thuốc nội rẻ mà hiệu quả thì không có lý do gì lại không dùng-TS. Dũng khẳng định.

Trong khi các công ty dược của Việt Nam còn yếu trong việc tuyên truyền, quảng bá, marketing sản phẩm đến với các bác sĩ, người tiêu dùng thì các công ty chuyên nhập khẩu thuốc lại dùng đủ mọi cách để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Chính vì thế, một số loại "thuốc ngoại" có chất lượng chỉ tương đương thuốc nội mà giá lại cao gấp nhiều lần nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

 

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc ngoại trong điều trị ở bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương chiếm gần 90% và tuyến tỉnh là hơn 66%. Ở tuyến huyện tỉ lệ thấp nhất cũng chiếm gần 40% là thuốc ngoại.

 

Tuy nhiên thực tế, có những loại thuốc của Hàn Quốc hay Ấn Độ, Bangladesh chất lượng cũng chỉ tương đương thuốc Việt Nam nhưng giá lại cao hơn gấp nhiều lần… TS Nguyễn Tiến Dũng phân tích, chúng ta cần biết, quy trình sản xuất thuốc sáng chế (phát minh) do công ty nào đó nghĩ ra từ đầu đến cuối. Sau thời gian khoảng 15-20 năm hết bản quyền thì các công ty khác được sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, nhưng đó là dạng thuốc generic-chỉ theo quy trình chứ không phải là thuốc gốc. Lúc này, các thuốc generic chỉ giữ các hoạt chất cơ bản, có tác dụng trị bệnh, chất lượng tương đương còn các chỉ tiêu khác không thể bằng được thuốc gốc (chỉ tiêu độ hòa tan, khó uống hơn…). 

 

Hiểu được nhiều thuốc sản xuất theo công nghệ generic để chúng ta biết rằng còn một số bất cập trên thị trường thuốc hiện nay. Thuốc của Việt Nam cũng được sản xuất theo dạng nhập nguyên liệu rồi đóng gói và là thuốc generic như thuốc của một số nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh nhưng lại bị "lép vế" khi cạnh tranh với những thuốc này. 

 

Về công nghệ, chất lượng thuốc thì "thuốc nội" và những loại "thuốc ngoại” generic không có gì khác nhau. Hơn thế, giá thuốc nội lại mềm hơn rất nhiều so với giá của những loại thuốc ngoại này. Thế nhưng, người tiêu dùng (bao gồm cả bác sĩ kê đơn và người dân) vẫn "say sưa" với những thuốc này.

 

Đối với bác sĩ khi kê đơn thì thuốc nội hay ngoại không quan trọng mà quan trọng là cần xem xét thuốc có nguồn gốc ở đâu? Nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn gì? Nếu đạt tiêu chuẩn về nhà máy thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP) thì chúng ta có thể yên tâm về chất lượng. Tất nhiên có nhiều loại tiêu chuẩn GMP ở châu Âu, hay Mỹ, Tổ chức Y tế thế giới… và tiêu chuẩn của Việt Nam không thể bằng được tiêu chuẩn của Mỹ nhưng cứ đạt tiêu chuẩn GMP cũng là tốt rồi.

 

 

Các bác sĩ ít biết thông tin về thuốc nội.

 

Tuệ Nhi

 

 
Ý kiến của bạn