Bộ Y tế tăng cường quản lý hành nghề y dược ngoài công lập

 8651 lượt xem
(BTĐKT) - Nhằm quản lý hành nghề y dược ngoài công lập, Bộ Y tế đã ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện việc hướng dẫn khám chữa bệnh cũng như công tác kiểm tra, thanh tra. Theo cơ quan này, xảy ra một số trường hợp cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập sai phạm như thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân trong đó phải kể tới việc số lượng thanh tra viên còn ít, chưa thể đi sâu, đi sát và kiểm tra thường xuyên. 

Ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như: Luật khám, chữa bệnh; Thông tư hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Đặc biệt, hiện nay, Bộ Y tế đang cùng Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế nói chung và lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh tư nhân nói riêng.

 

 Đồng thời, Bộ còn thực hiện việc phổ biến, hướng dẫn công tác cấp chứng chỉ hành nghề và quản lý hành nghề khám chữa bệnh. Đó là tổ chức 05 hội nghị, hội thảo phố biến và hướng dẫn triển khai Luật KBCB và các văn bản hướng dẫn trong toàn quốc; tổ chức 15 lớp tập huấn về cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, sử dụng phần mềm cấp chứng chỉ hành nghề cho Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các bộ, ngành khác; đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế và các Sở Y tế đều niêm yết hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử để hướng dẫn công khai hồ sơ, thủ tục và các văn bản hướng dẫn về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từng bước tiến đến thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cấp phép và cấp chứng chỉ qua mạng công nghệ thông tin. 

 

Chính những chủ trương, chính sách được tuyên truyền nên theo Bộ Y tế, các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị miễn, giảm viện phí cho 22.000 lượt người nghèo, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Hệ thống y tế tư nhân được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển, nhiều bệnh viện tư nhân đã ứng dụng các kỹ thuật cao trong điều trị, cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hơn, góp phần giảm tải bệnh viện công lập.  

 

Thanh tra trên toàn quốc

 

Cùng với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế còn tiến hành thanh tra các cơ sở y, dược ngoài công lập. Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, năm 2012 Thanh tra Bộ đã triển khai các Đoàn thanh tra về công tác hậu kiểm và tiếp nhận, thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GDP, GPP tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật, quy chế chuyên môn dược, quy định về quản lý giá thuốc, về hoạt động nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu làm thuốc, thuốc thành phẩm tại tỉnh Bắc Giang, Hà Nam, Lào Cai;… Tổng số tiền Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở hành nghề dược năm 2012 là 1.617.500.000 đồng.

 

Tính đến ngày 31/12/2012, theo báo cáo của 45/63 tỉnh, thành phố đã triển khai thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực hành nghề y ngoài công lập, đã thanh tra, kiểm tra 7.904 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, trong đó có 1.502 cơ sở vi phạm (bằng 19% tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra), đã xử lý vi phạm hành chính 922 cơ sở (chiếm 61,38% cơ sở vi phạm) với hình thức cảnh cáo 513 cơ sở (chiếm 34,15 % so với số cơ sở có vi phạm và bằng 6,49% so với tổng số cơ sở được thanh tra), phạt tiền 599 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 5.359.250.000 đồng. Đình chỉ hành nghề 43 cơ sở (chiếm 2,86% số cơ sở vi phạm).

 

Từ đầu năm 2013 đến nay, Thanh tra Bộ thành lập các Đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước về hành nghề y tư nhân tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Phước… Đoàn Thanh tra Bộ Y tế đã trực tiếp thanh tra, kiểm tra tại một số cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn gồm: Thành phố Hồ Chí Minh gồm 18 cơ sở, Hà Nội 08 cơ sở, Hải Phòng 03 cơ sở và Bình Phước 02 cơ sở. Trong đó tiến hành thanh tra 02 Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ tại TP HCM (BV tư nhân chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Ngọc Phú và Bệnh viện tư nhân chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Á-Âu). Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã xử phạt gần 6 tỷ đồng các cơ sở khám chữa bệnh vi phạm.

 

Theo ông Khuê, qua quá trình kiểm tra, hiện nay còn tồn tại một số cơ sở KBCB hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép. Lạm dụng cận lâm sàng (xét nghiệm, X quang...) nhằm thu lợi nhuận cao. Một số chủ đầu tư các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quá coi trọng lợi nhuận, coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân đã quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết,...  Để giải quyết tình trạng vi phạm của các cơ sở y dược ngoài công lập, ông Chính cho rằng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền phố biến giáo dục pháp luật đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định của pháp luật về hành nghề y tư nhân đối với các cơ sở hành nghề y tư nhân. Đặc biệt, đối với các Sở Y tế, cần phải kiên quyết, mạnh tay đối với các cơ sở y tế vi phạm hoặc chưa đủ điều kiện hoạt động. Sở Y tế yêu cầu các cơ sở không đảm bảo điều kiện theo các quy định của pháp luật về hành nghề y tư nhân phải ngừng hoạt động để khắc phục và chỉ được hoạt động trở lại khi đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có 157 bệnh viện tư nhân (trong đó có 151 bệnh viện vốn đầu tư trong nước và 06 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài), hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế (trong đó trong đó 30 Phòng khám đa khoa, 87 nhà hộ sinh, số còn lại là phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế, 30 phòng khám có vốn đầu tư nước ngoài, 29 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có người nước ngoài tham gia khám bệnh, chữa bệnh. 

 

Tổng số người hành nghề trong toàn quốc 249.852 người, trong đó bác sĩ 64.422; Y sĩ 54.478; điều dưỡng 88.019; kỹ thuật viên 15.185; hộ sinh 27.529; lương y 219. Năm 2012, các bệnh viện tư nhân đã cấp cứu, khám, chữa bệnh cho khoảng 6,6 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có trên 2 triệu lượt khám cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Thực hiện phẫu thuật cho khoảng 200.000 người bệnh.

 


 

 

Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra cơ sở y dược ngoài công lập.

 

 

 Châu Giang 

 

 

 

 

 
Ý kiến của bạn