Cục Tần số vô tuyến điện – Đơn vị Anh hùng của Bộ Thông tin và Truyền thông

 8279 lượt xem
(BTĐKT) - Sóng vô tuyến điện được ứng dụng rất rộng rãi trong đời sống kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, đặc biệt là các lĩnh vực viễn thông, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải, khoa học, công nghiệp và y tế. Vì vậy, phổ tần số vô tuyến điện được hầu hết các nước trên thế giới coi là nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và quý giá. 

Nhà nước Việt Nam đã nhận thức rất sớm tầm quan trọng của công tác quản lý tần số và thông tin vô tuyến điện. Từ năm 1959, Chính phủ đã có các Nghị định 344/TTg về quản lý máy phát vô tuyến điện và Nghị định 345/TTg về quản lý tần số vô tuyến điện. Trên cơ sở đó, tổ chức quản lý tần số vô tuyến điện cũng đã sớm hình thành và hoạt động phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Từ trước năm 1978, công tác quản lý tần số được giao cho Đài C19 thuộc Cục Điện chính, từ năm 1978 là Vụ Điện chính. Tháng 10/1982, Trung tâm Tần số vô tuyến điện thuộc Tổng cục Bưu điện được thành lập. Giữa năm 1985, Trung tâm tần số vô tuyến điện được tách ra thành 2 bộ phận là Phòng Quản lý Tần số thuộc Vụ Điện chính và Đài Kiểm soát thuộc Công ty Điện báo Bưu điện Hà Nội. Tháng 5/ 1989, Trung tâm Quốc gia Kiểm soát tần số vô tuyến điện thuộc Tổng cục Bưu điện được thành lập và đến năm 1991, đổi tên thành Trung tâm Quốc gia quản lý tần số trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện. Những tổ chức tiền thân này của Cục Tần số vô tuyến điện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo cho sự hoạt động có hiệu quả của các hệ thống thông tin vô tuyến, phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng qua các thời kỳ.

 

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, thông tin vô tuyến điện trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã có sự phát triển rất mạnh mẽ. Việc hệ thống thông tin di động tế bào thế hệ thứ hai được triển khai rộng rãi trên thế giới và bắt đầu đưa vào sử dụng ở Việt nam đã đặt ra nhiều vấn đề mới về quản lý tần số vô tuyến điện. Yêu cầu cần có về một tổ chức quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện đủ lớn mạnh và hiện đại nhằm đảm bảo việc sử dụng phổ tần có hiệu quả đã trở nên cấp thiết. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 8/6/1993, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã ra Quyết định số 494/QĐ-TCBĐ  thành lập Cục Tần số vô tuyến điện. Cục Tần số vô tuyến điện thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về tần

số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và phát sóng phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước.

Sự thành lập Cục Tần số vô tuyến điện thể hiện sự đổi mới tư duy về quản lý tấn số, phù hợp với xu thế chung của quốc tế, đồng thời là sự chuẩn bị tích cực đón đầu trước sự bùng nổ của thông tin vô tuyến điện trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI ở Việt nam, góp phần tích cực cho việc mở cửa thị trường viễn thông và hội nhập quốc tế.

 

Năm 2007, Cục Tần số vô tuyến điện đã được nâng cấp từ Cục hạng II lên Cục hạng I và ngày 04/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 88/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Tần số vô tuyến điện, đó là sự thể hiện tầm nhìn và sự đánh giá của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông về tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 

Từ khi thành lập đến nay, Cục Tần số vô tuyến điện đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý tần số, đóng góp to lớn vào thành tích chung của Ngành Thông tin và Truyền thông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. 

 

Cục đã đổi mới tư duy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện, đặc biệt là thông tin di động, phát thanh truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải, …

 

Cục đã đổi mới quy trình và công nghệ quản lý, phân bổ, ấn định tần số hợp lý, đáp ứng yêu cầu sử dụng tần số của các tổ chức, cá nhân. Kiểm soát, kiểm tra có hiệu quả, hạn chế và xử lý thành công các can nhiễu giữa các dịch vụ. Kết quả các hệ thống thông tin vô tuyến ở Việt Nam hoạt động với độ thông suốt và an toàn cao.                                                                              

Cục luôn chủ động, sáng tạo, kiên trì và bản lĩnh trong hợp tác và phối hợp tần số quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh. Kết quả giành được vị trí quỹ đạo để phóng thành công vệ tinh vinasat 1, vinasat 2 và sẵn sàng các vị trí quỹ đạo khác để thực hiện các dự án vệ tinh của Việt Nam trong tương lai; bảo vệ quyền phủ sóng vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

 

Cục cũng là đơn vị đã tham gia trực tiếp và phối hợp với cơ quan an ninh, quốc phòng trong các hoạt động đảm bảo quốc phòng và an ninh như: Đảm bảo phân bổ đủ tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; bảo vệ các hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh không bị can nhiễu; tham gia phá nhiều vụ trọng án sử dụng công nghệ cao làm thiệt hại lớn về kinh tế và trật tự an toàn xã hội.

 

Cục cũng là cơ quan đi đầu trong đơn giản hóa tục hành chính, ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động quản lý, điều hành và tác nghiệp. 

 

Cục chủ động đề xuất xây dựng chính sách phí và lệ phí sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, tạo nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý tần số vô tuyến điện trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời đóng góp trực tiếp cho nguồn thu ngân sách gần 1.500 tỷ đồng trong 10 năm trở lại đây.

Cục cũng là đơn vị có tổ chức Đảng 10 năm liên tục đạt trong sạch vững mạnh; các tổ chức Đoàn thể vững mạnh.

 

Với những thành tích tiêu biểu, Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2008 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, năm 2013, đơn vị đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp to lớn của đơn vị vào thành tích chung của Ngành Thông tin và Truyền thông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

 

Bích Phượng

 
Ý kiến của bạn