Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 6698 lượt xem
(BTĐKT) - Ngày 18/5 là “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam”, đây là quyết định do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh khoa học và công nghệ là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp. 

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCN) không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu KHCN, tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ KHCN. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) của Đảng về phát triển KHCN đã nhấn mạnh phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Khoa học và công nghệ là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp.

 

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hoạt động KHCN thời gian tới cần tập trung vào một số định hướng trọng tâm sau: 

 

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước. 

 

Tập trung nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới để bổ sung, hoàn thiện đường lối chính sách, đưa đất nước phát triển nhanh - bền vững và xây dựng Đảng ta vững mạnh, giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và thể chế kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, dân chủ xã hội chủ nghĩa đòi hỏi và phát triển ngày càng cao.

 

Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo ra năng suất và nhiều giá trị gia tăng cao, khẩn trương thay thế các ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. 

 

Thứ hai, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Phát triển mạnh và hiệu quả khoa học xã hội và nhân văn. Xây dựng và triển khai chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như toán học, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển. Chú trọng phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao, một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ. Hình thành một số viện khoa học công nghệ và đại học nghiên cứu theo mô hình tiên tiến trên thế giới. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

 

Thứ ba, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ. Thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả nghiên cứu, phục vụ nhu cầu của quốc gia, doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực và địa phương. Phát huy có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Áp dụng cơ chế Quỹ và cơ chế khoán chi để nâng cao hiệu quả các Đề tài khoa học công nghệ.

 

Thứ tư, khẩn trương ban hành và cụ thể hóa các chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, quan tâm chăm lo các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng. Có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài hợp tác tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

 

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung - cầu sản phẩm khoa học và công nghệ mới...

 

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ theo hướng mở rộng hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia, hợp tác nghiên cứu chung với đối tác chiến lược, các nước tiên tiến; tăng cường hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện khoa học công nghệ Việt Nam tại các địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn, công nghệ cao… 

 

 

 Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ Khoa học và Công nghệ. 

 

Hoài Thanh

 
Ý kiến của bạn