Triển khai tầm soát viêm gan vi rút C miễn phí và mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS

 8544 lượt xem
(BTĐKT) – Đối với người nhiễm HIV/AIDS để có phác đồ điều trị phù hợp thì việc triển khai tầm soát viêm gan vi rút C là hoạt động rất cần thiết. 

 Từ ngày 1/12 đến ngày 15/12/2014, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tổ chức triển khai tầm soát viêm gan vi rút C miễn phí tại 2 địa điểm: 

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho: Việc triển khai tầm soát viêm gan vi rút C là hoạt động cần thiết đối với sức khỏe của mỗi người; đặc biệt là đối với người nhiễm HIV/AIDS để có phác đồ điều trị phù hợp. Với các trang thiết bị hiện đại, hoạt động này sẽ được tổ chức miễn phí đối với tất cả mọi người có nhu cầu xét nghiệm phát hiện sớm viêm gan C để được điều trị kịp thời.

 

Lấy máu tầm soát viêm gan vi rút C.

 

Được biết, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là tuyến cao nhất khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng về các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới; đồng thời đào tạo nhân lực y tế, chỉ đạo tuyến, phòng chống dịch bệnh và nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại phục vụ người bệnh chuyên khoa truyền nhiễm và nhiệt đới.

 

Nhân dịp này, Bệnh viện đã tổ chức lễ mít tinh nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12/2014) với chủ đề "Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS" tại Hà Nội.

 

 Quang cảnh lễ mít tinh.

 

Trong hơn 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận và được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới. Tuy nhiên tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỗi năm, nước ta vẫn có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện. HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Chính vì vậy, năm 2014, Việt Nam đã chọn chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” để thẳng thắn nhìn vào sự thật về thực trạng phân biệt, đối xử đối với người nhiễm HIV vẫn còn đang rất nặng nề tại Việt Nam; đồng thời khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này…

 

Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tính đến ngày 30/9/2014, cả nước hiện có 224.223 trường hợp báo cáo hiện nhiễm HIV (trong đó số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 69.617). Hiện đã có 80,3% số xã, phường, thị trấn và 98,9% số quận, huyện đã báo cáo có người nhiễm HIV. Dịch HIV ở Việt Nam bao gồm nhiều hình thái dịch khác nhau trên toàn quốc và vẫn đang tập trung chủ yếu ở ba nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao: Người nghiện chích ma túy, quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm. 

 

Năm 2014, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được một số thành tựu như: Chương trình Methadone đã được triển khai tại 38 tỉnh, thành phố với 122 cơ sở điều trị methadone và điều trị cho 22 nghìn bệnh nhân. Trong năm 2014, toàn quốc đã có 400.000 lượt người được tư vấn xét nghiệm HIV, trong đó có hơn 11 nghìn lượt trường hợp HIV dương tính; hơn 1.000 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm khẳng định HIV từ 0-18 tháng tuổi. Bên cạnh đó, hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi cũng được tăng cường với hơn 10 triệu lượt người được tuyên truyền; tiếp cận và truyền thông thay đổi hành vi cho hơn 2 triệu lượt người nghiện chích ma túy, hơn 500 nghìn lượt phụ nữ bán dâm và hơn 40.000 lượt người có quan hệ tình dục đồng giới nam...

 

Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đang xảy ra ở tất cả các nước trên toàn thế giới. Phân biệt đối xử đã làm hạn chế một số quyền cơ bản của con người như quyền được chăm sóc sức khỏe, được học hành, lao động và mưu cầu hạnh phúc. Phân biệt đối xử đã làm cho những người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS trở thành nhóm người sống ẩn trong xã hội, giấu diếm bệnh tật và làm tăng nguy cơ lan truyền HIV cho người khác. Để chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS trước hết mỗi người cần phải loại bỏ các quan niệm sai lầm về căn bệnh này; tự loại bỏ những sợ hãi không đáng có và mở rộng lòng yêu thương, bao dung của mỗi người.

 

Gia Linh

 

 
Ý kiến của bạn