TRIỆU ĐẠI QUYẾT TÂM CÁN ĐÍCH NÔNG THÔN MỚI

 1152 lượt xem
Xã Triệu Đại là xã đồng bằng, nằm về phía Đông Bắc của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cách trung tâm huyện lỵ 10km, trung tâm thành phố Đông Hà 20 km với diện tích tự nhiên 910,56ha, dân số có gần 6.300 nhân khẩu với 1.259 hộ; có 3 km đường quốc lộ 49c đi qua địa phận và sông Vĩnh Định chảy qua địa bàn xã. Điều kiện thời tiết ở đây hết sức khắc nghiệt, luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió Tây Nam vào mùa hè, chịu ảnh hưởng lủ nặng nề và bị chia cắt vào mùa mưa. 

Triệu Đại là một xã thuần nông, bắt đầu tiến hành xây dựng nông thôn mới vào năm 2011 trong điều kiện có xuất phát điểm thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, độc canh cây lúa, sản phẩm nông nghiệp chưa mang tính hàng hóa và ổn định lâu dài. Chất lượng hàng nông sản chưa cao, tính cạnh tranh thấp, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong kinh tế còn cao, sản xuất tiểu thủ công nghiệp kinh doanh dịch vụ còn manh mún, có tới 63% lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang thương mại dịch vụ còn nhiều nan giải.

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của UBND tỉnh và Nghị quyết số 04 ngày 10/5/2011 của Huyện ủy về xây dựng nông thôn mới huyện Triệu Phong giai đoạn 2011 - 2015; trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, xã Triệu Đại được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo xã Triệu Đại về đích nông thôn mới năm 2016. Từ khi tiếp nhận chủ trương xây dựng nông thôn mới của các cấp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng, đầu tư về mọi mặt để Triệu Đại sớm về đích xây dựng nông thôn mới. Trước hết, UBND xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về xây dựng nông thôn mới, xem đây là công tác trọng tâm của địa phương. Các ban, ngành, đoàn thể cũng đã cụ thể hóa chương trình hoạt động, phù hợp với tình hình thực tế của xã; lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới vào chương trình, kế hoạch, các cuộc họp dân, đặc biệt là trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Thông qua tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là qua hệ thống đài truyền thanh xã; không chỉ từ thực tế hoạt động mà đến phong trào xây dựng nông thôn mới, truyền thanh cơ sở càng khẳng định tính ưu việt của nó so với các công cụ truyền thông khác tại các vùng nông thôn. Bắt đầu từ những chiếc loa công cộng, truyền thanh cơ sở đã tạo ra mối liên hệ trực tiếp, mật thiết với người dân, là phương tiện truyền thông hữu ích trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Làm thế nào để nói cho dân nghe, dân hiểu, nhìn nhận được tính xã hội, nhân văn sâu sắc của phong trào và đồng tình với quan điểm, họ chính là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới thì lúc đó, truyền thanh cơ sở là công cụ hoạt động thường xuyên, liên tục và hiệu quả cao. Những thông tin về 19 tiêu chí, những bản tin ngắn gọn, rạch ròi về cơ chế, chính sách đầu tư của nhà nước cũng như công khai các khoản đóng góp của nhân dân đã làm cho hầu hết người dân đều phấn khởi, đồng thuận hưởng ứng. 

UBND xã Triệu Đại khuyến khích người dân duy trì và phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể xã Triệu Đại đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để nâng cấp trang thiết bị, máy móc phục vụ phát triển sản xuất, đổi mới phương thức kinh doanh, xây dựng nhà ở, cho vay hộ nghèo, cận nghèo; tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn về chăn nuôi, thú y, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, điện dân dụng, sửa chữa cơ khí, trồng cây cảnh… 

Với quyết tâm cao và bằng việc làm cụ thể, Đảng bộ và nhân dân xã đã đồng lòng, chung sức vượt qua mọi khó khăn, vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đánh giá tổng kết và tiếp tục triển khai thực hiện, từng bước hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới. Với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc hết mình của các chi bộ, cán bộ thôn, các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn, nên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dần từng bước, Xã đã hoàn thành việc xóa nhà tạm vào năm 2012, số hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định 80%; năm 2013 xã đã hoàn thành xây dựng chợ Thuận với tổng kinh phí 4,8 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và nâng cao thu nhập của người dân; năm 2014, 7/7 thôn được công nhận làng văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới… 

Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, số hộ nghèo giảm xuống còn 59 hộ, chiếm 4,6% số hộ trong toàn xã. Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên, nhờ công tác tuyên truyền, vận động xã Triệu Đại đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, thu hút được nhiều nguồn lực từ nhân dân, con em và các nhà hảo tâm trên mọi miền quê hương, đất nước; sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn… nhiều người dân tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc, tiền của để xây dựng đường giao thông và các công trình khác trên địa bàn, ngoài ra đã huy động sự đóng góp hàng ngàn ngày công để chỉnh trang nông thôn, dọn dẹp vệ sinh môi trường, các di tích lịch sử, các công trình công cộng, đường làng, ngỏ xóm xanh sạch đẹp.

Tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới những năm qua của Triệu Đại hơn 105 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 48,2 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 19,65 tỷ đồng, ngân sách huyện 13,87 tỷ đồng, ngân sách xã 3,65 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 14,35 tỷ đồng, vốn tín dụng 1 tỷ đồng và nguồn khác 4,45 tỷ đồng. Cuối năm 2016, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Triệu Phong thẩm định xã Triệu Đại đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, được sự đầu tư của nhà nước và các dự án, sự đóng góp của dân, đến nay toàn xã đã nhựa hóa và bê tông hóa 17,4 km đường trục xã và đường liên xã, đạt 100%; bê tông hóa được 13,25 km/15,59 km đường trục thôn; bê tông hóa 8,7 km đường ngõ xóm, đạt 79,52%; bê tông hóa đường trục chính nội đồng 39,32 km, đạt 100%; kiên cố hóa được 34,5 km kênh mương, đạt 89,4%. Thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê”, đến nay cùng với nguồn vốn cấp trên giao, nhân dân ở xã đã đóng góp và xây dựng được 4,2 km điện đường. Hệ thống trường học trên địa bàn được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, cả ba cấp học đều đạt chuẩn quốc gia. Từ một xã có nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đến nay bộ mặt nông thôn xã có nhiều khởi sắc, điển hình về nông nghiệp đã san ủi cải tạo 250 ha quy hoạch bờ vùng xây dựng cánh đồng mẫu lớn, toàn xã có 17 mô hình trang trại, gia trại và 3 mô hình cánh đồng lớn Tổng số lao động trong toàn xã 2.784 người; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 91,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 45,25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn so với tổng số lao động 64,28%. Toàn xã có 8 hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp với 2.784 lao động, trong đó xã viên đại diện hộ 1.312 người; vốn điều lệ 934,6 triệu đồng. Mạng lưới y tế xã không ngừng được mở rộng, cơ sở vật chất y tế được xây dựng ngày càng tốt hơn, trạm y tế đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 73,11%. Toàn bộ 7 thôn trong xã đã phát động xây dựng làng không có tội phạm và tự quản về an ninh chính trị và được công nhận đạt chuẩn về an ninh trật tự. Năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 195 tỷ đồng (năm 2015 là 160 tỷ đồng); giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 5,7 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 16,9 tỷ đồng; giá trị thương mại – dịch vụ ước đạt 74,9 tỷ đồng thu nhập đầu người đạt 31 triệu đồng/năm.

Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng ủy, UBND, các đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới,  xã Triệu Đại được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Năm 2013, 2014 và 2016 xã Triệu Đại được UBND tỉnh Quảng Trị tặng Cờ đơn vị xuất sắc.

Minh Vũ

 

 
Ý kiến của bạn