1091 lượt xem
Quảng Xương là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hóa có 29 xã và 1 thị trấn, dân số 188.400 người; diện tích tự nhiên 17.422 ha, đường bờ biển dài gần 12,8km, nằm giữa 3 đầu tàu kinh tế của tỉnh: Thành phố Thanh Hóa, Khu kinh tế Nghi Sơn và thành phố du lịch Sầm Sơn. 

 Địa hình được chia làm hai vùng rõ rệt: đồng bằng phía tây chủ yếu sản xuất nông nghiệp và vùng ven biển phía đông người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp và khai thác ven bờ. Năm 2010, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, Nông - lâm - thuỷ sản: 40%; Công nghiệp - xây dựng 27,2%; Dịch vụ - thương mại 32,8%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12,2 triệu đồng/năm, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 24,8% dân số; Bình quân tiêu chí toàn huyện chỉ đạt 6,13 tiêu chí/xã.  

Với mục tiêu xây dựng huyện Quảng Xương có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. 

Từ đó, UBND huyện xác định xây dựng Nông thôn mới là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để thực hiện thành công cần một bộ máy chỉ đạo, tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả từ huyện đến xã đến thôn.

Năm 2010 huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng Nông thôn mới do đồng chí Bí thư huyện uỷ làm Trưởng ban. Căn cứ trên các lĩnh vực phụ trách, các thành viên Ban Chỉ đạo được giao nhiệm vụ cụ thể trong việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức các cuộc hội nghị giao ban định kỳ theo kế hoạch, giao ban đột xuất khi cần thiết, để nắm bắt, theo dõi sát sao tình hình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện, kịp thời đưa ra các chính sách, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình. Hằng năm, căn cứ tình hình thực tế, Ban Chỉ đạo huyện tiến hành kiện toàn lại để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ.

Cuối năm 2015, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 3282/QĐ – BCĐ thành lập Văn phòng Điều phối Nông thôn mới trực tiếp giúp việc cho Ban Chỉ đạo huyện. Văn phòng điều phối có quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên và được kiện toàn lại hàng năm; Các đoàn, tổ công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực HĐND – UBND phụ trách cũng được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả.

Nhằm thống nhất trong công tác điều hành, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo xã, thị trấn do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND xã làm phó ban và được kiện toàn hằng năm, đảm bảo công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó Ban phát triển thôn cũng được thành lập, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả rất tích cực trong việc vận động nhân dân chung tay xây dựng Nông thôn mới.

Từ Ban hành các chủ trương, cơ chế khuyến khích và văn bản hướng dẫn thực hiện

Từ tình hình thực tế trên địa bàn huyện, Huyện ủy Quảng Xương đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề phục vụ công tác xây dựng Nông thôn mới: Đổi điền dồn thửa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nông thôn mới;  tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao ý thức, trách nhiệm  công dân trong thời kỳ CNH – HĐH xây dựng Nông thôn mới; Tăng cường lãnh đạo, chỉnh trang xây dựng Nông thôn mới; hay Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện khóa 25, nhiệm kỳ 2015 - 2020 phấn đấu huyện Quảng Xương đạt chuẩn huyện Nông thôn mới vào năm 2018..... Đồng thời, HĐND huyện cụ thể hóa và ban hành nhiều Nghị quyết, chủ yếu tập trung vào khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho các xã, như: Nghị quyết hỗ trợ kinh phí mua giống lúa xây dựng vùng lúa năng suất, chất lượng hiệu quả cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; hỗ trợ kinh phí phát triển ớt xuất khẩu vụ đông, hỗ trợ giá giống lợn ngoại hướng nạc và lai tạo giống bò BBB; hỗ trợ đóng mới tàu khai thác thủy sản trên 90CV... Nghị quyết hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng: đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn......Bên cạnh đó để động viên, khuyến khích tinh thần cũng như tạo không khí thi đua xây dựng Nông thôn mới HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ cho các xã về đích Nông thôn mới  trong các năm 2013, 2014 với mức hỗ trợ 300 triệu đồng/ xã; các năm 2015, 2016 là 250 triệu đồng/xã...

Các cơ chế hỗ trợ được triển khai thực hiện đã góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các xã tích cực đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng được lộ trình cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện.

Đến tuyên truyền, vận động

 Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình năm 2010, công tác tuyên truyền đã được cấp uỷ, chính quyền huyện lên kế hoạch từng năm và triển khai toàn diện với nội dung đa dạng, phong phú, dưới nhiều hình thức khác nhau. 

Ban tuyên giáo huyện uỷ, Uỷ ban MTTQ huyện, các tổ chức đoàn thể đã xây dựng chương trình hành động theo các lĩnh vực được phân công phụ trách, vận động hội viên chung tay xây dựng Nông thôn mới thông qua các mô hình: “ Trồng hoa, cây cảnh thay cỏ dại ven đường”, “Cựu chiến binh phối hợp tham gia chỉnh trang nhà văn hóa thôn và xây dựng tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa thôn”, “Thu gom, xử lý vỏ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo vệ sinh đồng ruộng và chất lượng an toàn thực phẩm”, “Môi trường không rác thải tại một số công trình công cộng “dòng sông, bờ biển, di tích””, “ Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế”, “Xanh, sạch, đẹp khuôn viên cơ quan, đơn vị, trường học”, “ Cùng chung tay xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh đó ,phòng văn hoá, trung tâm văn hoá, Đài truyền thanh huyện đã có nhiều bài viết, dành thời lượng đưa tin về xây dựng Nông thôn mới. Các xã, thị trấn treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền dọc theo các trục đường giao thông liên xã, nhà văn hóa thôn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân góp công, góp sức, chung tay xây dựng Nông thôn mới.

Thông qua công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã từng bước hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cơ chế, chính sách của tỉnh về xây dựng Nông thôn mới. Nhân dân đã thấm nhuần chủ trương: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân hưởng thụ, người dân là chủ thể.

Phấn đấu cán đích

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện với sự chỉ đạo hướng dẫn sát sao của Ban Chỉ đạo, các phòng, ban, đoàn thể ở huyện, sự tích cực, sự nỗ lực phấn đấu cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã, chương trình xây dựng Nông thôn mới của Huyện Quảng Xương đã đạt được những kết quả quan trọng.

Ban Chỉ đạo huyện xác định lập quy hoạch là nội dung phải được triển khai thực hiện trước một bước để làm căn cứ thực hiện các nội dung khác. Qua thực hiện dân chủ, công khai “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” và sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn, hết năm 2012 tất cả các xã đã hoàn thành quy hoạch được UBND huyện phê duyệt; ban hành quy chế quản lý và thực hiện công khai bản đồ quy hoạch theo quy định. 

Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch được huyện quan tâm, chỉ đạo. Giai đoạn 2012 - 2018 có 14 xã có quy hoạch cần điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các nội dung cần điều chỉnh chủ yếu tập trung ở vị trí xây dựng một số hạng mục công trình xây dựng cơ bản, chuyển đổi một số vị trí đất quy hoạch sang vùng phát triển trang trại, quy hoạch lại hệ thống kênh mương, thủy lợi do kết quả của công tác mở rộng đường và đổi điền dồn thửa......

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 14,3%, tăng 2,5% so với giai đoạn 2005 - 2010; Tỷ trọng ngành Nông - lâm - thủy sản năm 2017 chiếm 28,5% giảm 0,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 36,8%, tăng 4% so với năm 2016; dịch vụ - thương mại chiếm 34,7%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2010.Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,8% năm 2010 xuống còn 4,9% năm 2017.

Sản xuất Nông - lâm - thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả: Tập trung chỉ đạo quy hoạch và phát triển vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích trên 6000ha, năng suất lúa bình quân tăng từ 60tạ/ha năm 2010 lên 65tạ/ha năm 2017; thực hiện tốt công tác đổi điền, dồn thửa; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực chỉ đạo đưa các loại giống lúa có năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị cao như thuốc lào, ớt xuất khẩu, cây cói....

Ngành chăn nuôi được tập trung chỉ đạo theo hướng chuyển mạnh từ chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang mô hình trang trại, gia trại và sản xuất hàng hóa. Đến nay toàn huyện có 114 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó có 45 trang trại đạt tiêu chí của tỉnh, tổng đàn gia súc 116,5 nghìn con; tổng đàn gia cầm đạt 1,2 triệu con.

Kinh tế thủy sản tiếp tục phát triển cả về khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến. Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả diện tích nuôi trồng nước mặn, lợ; chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, mở rộng diện tích nuôi thả nước ngọt lên 1.317 ha.Từng bước hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đưa thủy sản thành sản phẩm chủ lực của các địa phương trong phát triển kinh tế. Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển ngành nghề chế biến hải sản. Khuyến khích, hỗ trợ nhân dân đóng mới tàu có công suất lớn, trong 7 năm đã đóng mới được 27 tàu có công suất trên 90CV; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 22.730 tấn, tăng 26,3% so với giai đoạn 2005 - 2010. 

Bên cạnh đó phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: dệt may, giày da, chế biến thủy sản, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, các ngành tiểu, thủ công nghiệp ... góp phần tăng giá trị sản xuất hàng hóa, giải quyết vấn đề việc làm, cải thiện đời sống của người lao động nông thôn.

Với quyết tâm làm tốt công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Từ đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tranh thủ tốt thời cơ huy động hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là từ cấp quyền sử dụng đất, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Từ năm 2010 đến nay toàn huyện đã làm mới, nâng cấp 305,3 km đường giao thông; hơn 150km kênh mương, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 22 công sở, 27 nhà hội trường, 23 công trình trạm y tế, nhà điều trị bệnh viện đa khoa huyện; 16 công trình chợ, 55 nhà văn hóa thôn. Kiên cố hóa được 43 công trình trường học với 221 phòng học và 72 nhà hiệu bộ. Hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình cấp huyện như sân vận động, trung tâm hội nghị, nhà thi đấu thể dục thể thao, công viên cây xanh, nhà truyền thống... Xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình điện, các công trình cấp nước sinh hoạt tại 10 xã. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của huyện đã từng bước được khang trang, hiện đại.

 

Trung tâm Hội nghị huyện Quảng Xương

 

UBND huyện chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, công tác giáo dục đào tạo được quan tâm và có bước phát triển tốt. Huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường đạt chuẩn trên địa bàn đến nay đạt 82,41% tăng 43,21% so với năm 2010. Với việc duy trì đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở ở 100% các xã, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 86,7%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,1%, 29/29 xã đạt tiêu chí giáo dục.

 

 

Nhà truyền thống của huyện

 

Các hoạt động văn hóa  – thông tin tiếp tục được đẩy mạnh, các chỉ tiêu văn hóa- xã hội đều đạt và vượt. Từ không có đơn vị nào đạt chuẩn đến nay toàn huyện đã có 29/29 xã đạt danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị, gia đình đạt danh hiệu văn hóa đạt 75,5%. Công tác khôi phục, phát huy giá trị truyền thống được đẩy mạnh, nhiều công trình di tích lịch sử, văn hoá: đền thờ Trần Nhật Duật, nhà truyền thống huyện, khu di tích Cây đa làng si xã Quảng Chính.....  được trùng tu tôn tạo.

Công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em được quan tâm đúng mức. Đến nay toàn huyện 100% các xã có trạm y tế đạt chuẩn giai đoạn 2, tỷ lệ người dân nông thôn tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đến tháng 6 năm 2018 đạt 85,7% tăng 51,2% so với năm 2010. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và các chính sách an sinh xã hội.Tập trung chỉ đạo giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Trung bình mỗi năm huyện đã giải quyết việc làm cho 3.900 lao động, trong đó 1 bộ phận xuất khẩu nước ngoài mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhà tạm, nhà dột nát cơ bản được xóa bỏ. 

Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng: Đến nay hơn 70% chất thải rắn, chất thải y tế được thu gom và xử lý theo quy định, tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đều đạt tiêu chuẩn môi trường, 100% các hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh trong đó 60,7% sử dụng nước sạch từ các nguồn.  Năm 2011 mới chỉ có 2 xã có đội thu gom rác sinh hoạt, đến nay có 100% số xã, thị trấn có đội thu gom rác. Môi trường nông thôn đã từng bước được xanh, sạch, đẹp.

Có được kết quả nêu trên là nhờ hệ thống chính trị, chính trị - xã hội vững mạnh, làm tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Các xã trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn về an ninh, trật tự. Nhiều xã đã có cách làm hay trong công tác an ninh trật tự được Bộ Công an khen thưởng như xã Quảng Lưu lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các trục đường xã, liên thôn xóm, tại các ngã 3, ngã tư.....Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững;  huyện, xã đã xây dựng, triển khai và chỉ đạo quyết liệt các phương án, kế hoạch phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ trên địa bàn; do đó hoạt động tội phạm được kiềm chế, các vi phạm pháp luật được xử lý nghiêm. 

Nhờ đó với xuất phát điểm của huyện Quảng Xương đạt 6,13 tiêu chí/xã. Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, đầu năm 2018, huyện Quảng Xương có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã hoàn thành chương trình lên 29/29 xã. Hiện tại, huyện đã hoàn thành 8/9 tiêu chí, còn lại tiêu chí số 1 về quy hoạch chưa đạt.

Hiện tại huyện Quảng Xương đang tích cực hoàn thiện, phấn đấu đủ điều kiện đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào cuối năm 2018. Phấn đấu đến năm 2020 huyện có 10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới  nâng cao, 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

 Lê Ngọc Lân

 
Ý kiến của bạn