Tân cảng Sài Gòn - điểm sáng phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh

 816 lượt xem
 

 Chặng đường 32 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn không ngừng đổi mới, sáng tạo,khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; trở thành tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu Việt Nam, điểm sáng về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Tổng Công ty

Từ một doanh nghiệp nhỏ, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, đầu cầu tập kết lực lượng, phương tiện, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa chi viện cho các đơn vị trên vùng biển, đảo phía Nam và vận tải quân sự Bắc - Nam, đến nay, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã trở thành một doanh nghiệp có uy tín, hoạt động đa ngành, nghề, một điển hình cho doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng chủ động hội nhập và kinh doanh hiệu quả. Tổng công ty đã từng bước xây dựng nên hệ thống 28 cơ sở hạ tầng cảng biển, kho bãi trên khắp các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có các cảng lớn nhất Việt Nam như Tân Cảng Cát Lái, cụm 3 cảng nước sâu tại Cái Mép và cảng container quốc tế Hải Phòng - cảng nước sâu đầu tiên tại khu vực miền Bắc, đảm bảo cho hoạt động kinh tế xuất nhập khẩu của quốc gia.

    Cảng container quốc tế Hải Phòng - cảng nước sâu đầu tiên tại khu vực miền Bắc

Từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội trong nước, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt cho dịch vụ khai thác cảng, logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển. Tổng Công ty đã chủ động, kịp thời xây dựng các kịch bản, phương án điều hành sản xuất ứng phó với các cấp độ dịch Covid-19; nhanh chóng khởi động chế độ kết nối thông tin online, họp trực tuyến với khách hàng, hãng tàu. Đồng thời, triển khai tối đa việc làm thủ tục giao nhận hàng hóa và thanh toán qua mạng, triển khai chữ ký số, đồng bộ với việc áp dụng các gói chính sách hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với từng khách hàng, hãng tàu, góp phần duy trì ổn định đơn vị, đảm bảo sản xuất, kinh doanh thông suốt, an toàn, không gián đoạn. Để giải phóng hàng hóa qua các cảng nhanh chóng, Tổng Công ty đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành khai thác cảng; tối ưu hóa cầu, bến đón các tàu container theo lịch dài hạn và các tàu trễ lịch, hạn chế việc tàu chờ cầu; đồng thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác.

Nhờ đó, năm 2020, Tổng Công ty đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh, về đích sớm, trước 10 ngày; tiếp tục khẳng định vị thế là nhà khai thác cảng container số1 Việt Nam với 62% thị phần xuất nhập khẩu container cả nước. Sản lượng container thông qua các cảng thuộc hệ thống Tân cảng Sài Gòn đạt 9,55 triệu Teu, tăng 8,5% so với năm 2019, tăng 3,1% kế hoạch năm 2020. Năng suất lao động tăng 12,1%, thu nhập bình quân tăng 7,9%, doanh thu tăng 3,9%; lợi nhuận đạt 3.655 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nộp ngân sách nhà nước 1.612 tỷ đồng, tăng 56%.

          Năm 2020, Tổng Công ty xếp hạng 19 trong các cụm cảng container có sản lượng thông quan lớn nhất thế giới (vượt 1 bậc so với năm 2019); Top “100 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2020”; Top 5 doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam và được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Năm 2020, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đạt giải Thương hiệu Quốc gia lần thứ 6 liên tiếp

Đi đôi với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Tổng Công ty thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tham gia phục vụ các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; tổ chức hoa tiêu, lai dắt tàu; bảo đảm cầu, bến, phương tiện cho các tàu quân sự xếp dỡ hàng hóa; tham gia hoạt động đối ngoại quốc phòng; thi công các công trình khu vực biên giới, hải đảo…

          Tổng công ty xác định nhiệm vụ quân sự, quốc phòng không chỉ là nhiệm vụ chính trị trung tâm, mà còn là điều kiện quyết định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Hệ thống cảng quân sự, căn cứ hậu cần, kỹ thuật của Tổng Công ty tại các địa bàn kinh tế, quốc phòng chiến lược đều có tính lưỡng dụng, phục vụ tốt phát triển kinh tế trong thời bình, thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có tình huống. Nổi bật là mô hình “Trung tâm âu tàu, làng chài - điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển” hoạt động rất hiệu quả và thiết thực, kịp thời cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước ngọt; sửa chữa, khắc phục sự cố máy móc cho ngư dân; bảo vệ, giúp đỡ ngư dân trên các vùng biển trọng điểm, chiến lược xa bờ, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thềm lục địa Việt Nam. Qua đó, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

          Cùng với đó, Tổng Công ty thực hiện có hiệu quả phong trào “Quân cảng Sài Gòn chung sức xây dựng nông thôn mới; chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trợ cấp phụng dưỡng hằng tháng, chúc thọ, tặng quà cho 186 Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công; giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội, củng cố, tăng cường, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn.

          Phát huy kết quả đã đạt được, tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công tầm nhìn, sứ mệnh: trở thành Tập đoàn kinh tế quốc phòng - an ninh hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics… Đồng thời, là điểm sáng về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đảng đã đề ra.

                                                                                                                                                                                             Diệu Anh

 
Ý kiến của bạn