Đánh thức tiềm năng của mảnh đất Nguyên Bình

 130 lượt xem
Trên đỉnh Phja Đén quanh năm mây mù bao phủ, doanh nhân Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kolia, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã dành nhiều tâm sức gây dựng nên một trung tâm sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái, giúp bà con người dân tộc nơi đây an cư lạc nghiệp. 

    Vùng đất Nguyên Bình hoang vu xưa kia nay đang cựa mình sống dậy, bừng sáng bởi sắc màu rực rỡ của những đồi hoa ly, tuy lip, lay ơn, màu xanh trù phú của những nương chè trải dài, hút tầm mắt… Lần đầu tiên tại huyện miền núi này xuất hiện mô hình nông nghiệp sạch được triển khai một cách bài bản, nghiêm túc, có chuyên gia nước ngoài về khảo sát, hướng dẫn bà con canh tác theo quy trình kỹ thuật. Nước và điện cũng theo chân Công ty Kolia về với bản, thắp lên niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn. Đó là biết bao tâm huyết của doanh nhân Hoàng Mạnh Ngọc trong suốt hơn 10 năm qua.
    Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ đều là nông dân quanh năm lam lũ với ruộng đồng mà không đủ ăn, Hoàng Mạnh Ngọc đã sớm nuôi trong mình mong ước được thoát khỏi đói nghèo để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn giống mình. 
    Luôn ấp ủ ước mơ phát triển nông nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh thường xuyên mày mò tìm đọc các tài liệu liên quan đến nông nghiệp sạch, rồi mời các chuyên gia Trung Quốc và Đài Loan đến tìm hiểu, khảo sát các điều kiện tự nhiên của huyện Nguyên Bình.
    Qua đó, anh nhận thấy, đất Phja Đén khá màu mỡ vì chưa từng canh tác. Ngoài ra, điều kiện sương mù, độ ẩm cao, chênh lệch ngày đêm lớn là một trong những yếu tố rất thích hợp với phát triển cây chè Ô long - một loại chè đang được ưa chuộng trên thế giới. Kể từ đó, anh càng củng cố thêm quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp, đầu tiên là tập trung vào phát triển cây chè. 
 
Du khách trải nghiệm hoạt động hái chè tại Khu du lịch Kolia
    Năm 2011, anh cùng một số bạn bè thành lập Công ty TNHH Kolia. Những năm đầu khởi nghiệp là những tháng ngày gian nan anh không bao giờ quên. Khi ấy, với anh, vốn liếng trong tay có giá trị nhất chỉ là niềm tin có thể khai thác được tiềm năng kinh tế ở Nguyên Bình để làm giàu, điều mà trước đó chưa ai dám thực hiện.
    Tự tay anh cùng mọi người dẫn nước từ đầu nguồn về, lắp các trạm điện hạ thế, khai phá, vỡ đất để mở đường, trồng rau tự cung cấp, ươm từng giống cây trong những chiếc lán nhỏ để trồng thử nghiệm, thu gom những mẻ phân hữu cơ của các hộ dân dưới bản để bón cho cây.
    Sau nhiều năm xây dựng thành công mô hình khép kín, anh đầu tư thêm khu nuôi bò, thỏ, ngựa để có nguồn phân ủ dồi dào. Vừa trồng chè, anh Ngọc vừa xây xưởng chế biến, chỗ ở cho công nhân, để chè hái về được chế biến ngay. Trong thời gian đó, anh cũng đào thêm ao nuôi cá và trữ nước suối dẫn về.
    Sau khoảng thời gian trồng chè thử nghiệm thành công, anh bắt đầu phổ biến và kêu gọi người dân trồng chè hữu cơ. Mỗi một vụ chè, anh kiên trì đồng hành cùng người dân bằng cách mời các chuyên gia đến tập huấn về cách thức trồng trọt, cung cấp giống, chuyển giao công nghệ hiện đại và tìm thị trường bao tiêu đầu ra ổn định cho người dân yên tâm sản xuất. 
    Đến nay, diện tích trồng chè của Kolia ngày càng được mở rộng. Hiện, công ty đang trồng 10 loại chè nổi tiếng của thế giới. Các sản phẩm chè của Kolia đã thâm nhập được vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Anh, châu Âu, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
    Sau khi thành công bước đầu với mô hình trồng chè, Công ty TNHH Kolia còn mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái Phja Đén, biến nơi đây thành điểm đến du lịch thiên nhiên lý tưởng cho các du khách ưa chuộng nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng và thưởng thức những loại trà hảo hạng của thế giới được trồng từ đất Nguyên Bình như Ô long và Đông Phương mỹ nhân.
 
Doanh nhân Hoàng Mạnh Ngọc trao quà Tết cho các hộ gia đình người dân tộc thiểu số khó khăn
    Khu sinh thái Kolia hiện đang tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động hợp đồng, hơn 100 lao động thời vụ và liên kết trồng trà hữu cơ với hơn 300 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết là người Dao, Tày, Nùng. Hằng ngày, đồng bào dân tộc thiểu số lao động sản xuất tại đồi chè, ruộng vườn, trồng cây dược liệu; tham gia đón tiếp, hướng dẫn khách du lịch. Chi phí trả cho mỗi lao động không dưới 5 triệu đồng/tháng.
    Anh Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi trả công bà con rất xứng đáng. Điều quan trọng là không chỉ cải thiện đời sống, bà con còn được tiếp cận với kiến thức, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc khoa học, ý thức đối với lao động sản xuất, đổi mới được nâng cao.”
    Với lòng quyết tâm muốn làm giàu cho quê hương bằng chính tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm của mình, Hoàng Mạnh Ngọc đang ngày càng chứng tỏ được sự đúng đắn khi dám đầu tư vào một lĩnh vực mới mẻ và gian khổ như nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái. 
    Ý chí mạnh mẽ và quyết đoán ấy cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, những chính sách khuyến khích kịp thời và hợp lý của Đảng và Nhà nước cũng như sự tin tưởng của bà con nơi đây sẽ là nguồn động lực giúp anh tiếp tục thành công trên con đường mình đã chọn.
                                                                                                                                                                            Hữu Tuấn
 

 
Ý kiến của bạn