BTĐKT – Bằng những kinh nghiệm dày dặn trong giao tiếp với người nước ngoài, nữ hướng dẫn viên du lịch quốc tế trẻ tuổi Đào Thị Phương Anh (Hà Nội) đã tình nguyện đăng ký trở thành phiên dịch viên xung kích tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự Sơn Tây, TP Hà Nội. Cô đã trở thành “chiến binh” dũng cảm, có đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của thành phố.
Năm nay 31 tuổi, Phương Anh đã có thâm niên 7 năm trong nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Với cô, việc tiếp xúc, giao tiếp với người nước ngoài là công việc thường xuyên. Vì vậy, khi nhìn thấy thông báo của Sở Ngoại vụ Hà Nội nói rằng, tại một số khu cách ly và bệnh viện của thành phố đang rất cần những phiên dịch viên cho người nước ngoài, cô đã không ngần ngại đăng ký tham gia.
Phiên dịch viên tình nguyện Đào Thị Phương Anh
Phương Anh chia sẻ: “Người thân và ngay cả bạn bè khi biết tin tôi xung phong vào khu cách ly, đều tỏ ra ái ngại. Chính bản thân tôi cũng đã nghĩ đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và một số những khó khăn mà mình có thể sẽ phải đối mặt khi ở trong khu cách ly… Tuy nhiên, tôi chỉ nghĩ đơn giản là vì ý thức cộng đồng, góp phần công sức nhỏ bé của mình để phòng, chống dịch bệnh nên xung phong lên đường.”
Phương Anh được phân công làm phiên dịch viên tại khu cách ly trường quân sự Sơn Tây. Tại đây, có các công dân đến từ các nước Đức, Anh, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Vì đa số họ đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh tốt nên cô thường xuyên sử dụng tiếng Anh để giải thích rõ ràng về tình huống mà họ đang gặp phải; đồng thời truyền đạt những hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của cán bộ y tế đến họ; các quy định của khu cách ly mà họ cần phải chấp hành cũng như giúp đỡ họ bày tỏ những yêu cầu, nguyện vọng tại khu vực cách ly. Do đó, các đối tượng người nước ngoài thực hiện cách ly tại đây đều đánh giá cao cách Việt Nam phòng dịch và vui vẻ hợp tác.
Gavin Wheeldon đang thực hiện các ấn phẩm tuyên truyền ngợi ca cách phòng, chống dịch của Việt Nam
Phương Anh kể, có một bạn trẻ tên là Gavin Wheeldon (người Anh), bay đến Việt Nam nhưng vô tình trên chuyến bay ấy có người bị nhiễm Covid-19, nên anh phải cách ly 14 ngày ở Trường Quân sự Sơn Tây theo quy định. Ban đầu, anh ấy tỏ ra khá bất ngờ và có chút sợ hãi vì chưa từng biết cách ly là gì. Song, dần dần với sự giải thích của bạn bè và phiên dịch viên, anh đã hiểu ra. Thậm chí, trong thời gian cách ly, với mong muốn người nước ngoài có cái nhìn tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, Gavin đã viết bài cảm ơn Việt Nam và ca ngợi Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời chia sẻ trên các diễn đàn nước ngoài và nhận được nhiều phản ứng tích cực. “Có hôm, Gavin thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ với đồng chí Phó Chỉ huy khu cách ly, tôi cũng tham gia trợ giúp phiên dịch. Tôi thấy ý nghĩa lắm” – Phương Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng có đối tượng đòi hỏi mang tính cá nhân, không phù hợp với điều kiện tại khu cách ly tập trung, Phương Anh phải phối hợp với cán bộ, chiến sĩ giải thích để họ hiểu và chia sẻ.
Đến nay, dù 14 ngày làm phiên dịch viên tại khu cách ly Trường Quân sự Sơn Tây đã kết thúc, Đào Thị Phương Anh đã được trở về nhà sum họp bên gia đình và người thân. Nhưng với cô gái trẻ ấy, những ngày làm nhiệm vụ trong khu cách ly vẫn là quãng thời gian ý nghĩa, đáng nhớ nhất. Cô đã được chứng kiến tận mắt những vất vả, khó khăn của những người trên tuyến đầu chống dịch. Đó là những chú bộ đội sớm hôm vất vả, những y, bác sĩ tận tình chăm sóc, theo dõi sức khỏe, đảm bảo đời sống cho hàng trăm người trong khu cách ly… Để thấy rằng, quyết định của cô thật sự là một việc làm ý nghĩa, đáng trân trọng, đã đóng góp được một phần công sức cùng cả nước đẩy lùi bệnh dịch Covid-19.
Phương Anh cho biết, hiện nay, cô đang tham gia kêu gọi, vận động mọi người không sử dụng tiền mặt trong thời kỳ dịch bệnh. Cô cho rằng, tiền mặt là vật thể trung gian truyền nhiễm bệnh do qua tay quá nhiều người và không thể truy nguyên nguồn gốc là đã qua tay những ai. Hơn nữa do thói quen liếm tay đếm tiền và cất tiền mặt trong người nên tiền mặt cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng khả năng lây lan bệnh.
Chia sẻ về những việc bạn trẻ nên làm trong thời kỳ dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Phương Anh cho rằng: Việc mà chúng ta có thể làm được cho đến bây giờ đó chính là theo dõi các chương trình tin tức về dịch bệnh, không chia sẻ những tin đồn nhảm và ở yên trong nhà khi đất nước cần.
Theo đại diện của Sở Ngọai vụ Hà Nội, ngay từ những ngày giữa tháng 3, khi thành phố bắt đầu triển khai chính sách cách ly tập trung trong 14 ngày đối với toàn bộ đối tượng trở về Việt Nam từ vùng dịch, việc tuyên truyền cho người nước ngoài về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 luôn được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung quan tâm chỉ đạo.
Thấu hiểu, sự bất đồng về ngôn ngữ sẽ là một trong những trở ngại, dễ gây ra sự căng thẳng cho những đối tượng cách ly tập trung là người nước ngoài; cũng như tạo thêm khó khăn, áp lực cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ, nhân viên y tế và người phục vụ làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung, Sở Ngoại vụ Hà Nội đã nỗ lực tìm kiếm những phiên dịch viên tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở cách ly trên địa bàn. Tuy nhiên, thật không dễ dàng bởi rất nhiều người đã từ chối tham gia với nhiều lý do khác nhau.
“Tinh thần tình nguyện tham gia trên tuyến đầu chống dịch của các phiên dịch viên như Phương Anh thật đáng trân trọng. Trận chiến chống dịch Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, nhưng chắc chắn sự hy sinh thầm lặng của họ đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ để cùng cả nước chiến thắng đại dịch.” – Đại diện Sở Ngoại vụ khẳng định.
Ngọc Anh