Tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới: Không dễ hoàn thành

 8531 lượt xem
Sau hơn 2 năm triển khai thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM), TP Hà Nội đã có 19 xã làm điểm. Một số xã đã hoàn thành hầu hết các tiêu chí như Thụy Hương, Song Phượng, Tây Tựu… Tuy nhiên, tiêu chí văn hóa (tiêu chí số 16) thì hầu hết các địa phương đều chưa đạt, thậm chí có nơi tỷ lệ làng văn hóa, khu dân cư văn hóa đạt quá thấp. 

 Xây dựng "làng văn hóa" khó khăn

Bắt đầu xây dựng NTM đã hơn 2 năm nhưng xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (mô hình điểm NTM của trung ương) mới có 1/7 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa. Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho biết, theo thông tư hướng dẫn của ngành văn hóa, để được công nhận làng văn hóa, người dân ở thôn, làng đó phải có đời sống kinh tế phát triển ổn định, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo thấp; có cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu cộng đồng; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, môi trường sạch sẽ… Cụ thể, với xã thuộc khu vực đồng bằng như Thụy Hương thì phải có từ 85% hộ gia đình trở lên có đời sống kinh tế ổn định, có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, dưới 5% hộ nghèo, không có hộ đói; trên 85% đường làng được đổ bê tông, trên 90% số hộ được dùng điện, 100% trẻ đến tuổi được đến trường, không có dịch bệnh, không có ngộ độc thực phẩm, không có trọng án hình sự, không có người mắc tệ nạn xã hội và người sinh con thứ ba… là điều không dễ hoàn thành trong một sớm một chiều. Năm 2011, trong tổng tỷ lệ sinh của xã là 129 trường hợp thì 21 trường hợp là con thứ ba (chiếm trên 20%).
 
Bắt tay vào xây dựng NTM đã hơn 2 năm nhưng xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (mô hình điểm NTM của trung ương) mới có 1/7 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa. 
 
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm chia sẻ, Đông Ngạc có 18/19 tiêu chí đã đạt và cơ bản đạt. Tuy nhiên, là xã ven đô, địa phương cũng gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí văn hóa. "Dân gốc của xã là 18.000 người và thêm 15.000 người vãng lai. Đặc biệt, trong các kỳ thi đại học, dân số biến động tăng lên thêm từ 4.000 đến 5.000 người nữa. Dân vãng lai chủ yếu thuê nhà trọ theo kiểu nay ở, mai đi, do đó, các tiêu chí sinh con thứ ba, phát sinh người nghiện mới… địa phương rất khó quản lý"- ông Chiến băn khoăn. Tại xã Tây Tựu (xã điểm của huyện Từ Liêm), ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã thừa nhận, do tỷ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn cao (năm 2011 là 57 trẻ, chiếm tỷ lệ 16%) nên địa phương mới có 1/4 làng, khu dân cư được công nhận làng văn hóa. Tương tự, xã Nhị Khê (xã điểm của huyện Thường Tín) cũng mới có 2/5 làng được công nhận làng văn hóa.
 
Linh hoạt trong thực hiện
 
Chưa được công nhận làng văn hóa, hoặc số làng được công nhận chưa đạt 70% tổng số làng đồng nghĩa với xã đó chưa hoàn thành tiêu chí số 16 về văn hóa. Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương phân trần, để giảm dần tỷ lệ sinh con thứ ba, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhưng kết quả giảm rất chậm vì tư tưởng này đã ăn sâu bám rễ vào suy nghĩ của người dân nhiều năm qua. Để thay đổi nhận thức, cần thời gian dài, trong khi thời gian xây dựng NTM của xã chỉ trong 2 năm. Chỉ một vài gia đình chưa thực hiện nghiêm là ảnh hưởng đến cả làng, xã. Ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín khẳng định, xây dựng NTM, nếu các địa phương không tích cực phấn đấu thì tiêu chí làng văn hóa sẽ khó đạt.
 
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, mặc dù thời gian triển khai xây dựng NTM chưa phải là dài song ở hầu hết các xã làm điểm, nhận thức của cán bộ, nhân dân về NTM đã được nâng cao. Nhiều tiêu chí xây dựng NTM cần nguồn kinh phí lớn mới có thể hoàn thành như xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất… Riêng tiêu chí về văn hóa, trọng tâm là xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, giảm tệ nạn xã hội và các trường hợp sinh con thứ ba… không cần nhiều kinh phí mà vẫn có thể thực hiện được. Để xây dựng làng văn hóa, các địa phương làm điểm cần chăm lo phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và tạo lập được các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Điều này không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt trong cách làm của mỗi địa phương mà hơn hết còn phải có sự tìm tòi cách tháo gỡ của các cấp, các ngành để giúp mỗi người dân ý thức được mình vừa là chủ thể đi đầu trong xây dựng vừa là chủ thể hưởng thụ các giá trị văn hóa do chính mình tạo dựng nên. Tuy nhiên, ông Vân cũng cho rằng, hoàn thành tiêu chí văn hóa theo quy chế rất khó thực hiện. Chương trình xây dựng NTM nên có sự nghiên cứu, điều chỉnh để "mềm" hóa tiêu chí này.
 
 
Ý kiến của bạn