Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

 7307 lượt xem
Hà Nội muốn đạt được mục tiêu 40% số xã đạt NTM vào năm 2015 thì việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông (KN) có vai trò quyết định. Các mô hình do KN xây dựng cho hiệu quả kinh tế cao đang là tiền đề quan trọng để các địa phương thực hiện 19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Các chương trình, mô hình KN luôn tạo được tính mới, khác biệt và đột phá trong sản xuất nông nghiệp. 

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (TTKN), chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) là yếu tố then chốt để nâng cao giá trị thu nhập. Việc đào tạo, tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân, chủ trang trại thông qua hệ thống KN từ thành phố xuống huyện, xã đang tạo ra hiệu quả cao trong sản xuất. Năm 2011, TTKN đã mở 500 lớp tập huấn với trên 40.000 lượt người tham gia. Tham gia tập huấn, nông dân và cán bộ KN cơ sở được tiếp cận kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch hại, hướng tới sản xuất những sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.

 
Thu hoạch cá thuộc mô hình nuôi thủy sản bán thâm canh an toàn sinh học ở huyện Thanh Trì (Hà Nội).
 
Cùng với chuyển giao KHKT, năm qua, TTKN Hà Nội đã triển khai 38 dạng mô hình trên địa bàn 21 quận, huyện, thu hút 26.481 hộ tham gia. Nhiều mô hình được TTKN xây dựng và nhân rộng đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ví dụ như mô hình nuôi thủy sản bán thâm canh an toàn sinh học được triển khai tại 3 huyện Thanh Oai, Thường Tín, Đông Anh với quy mô 67ha cho hiệu quả cao. Cá đạt trọng lượng bình quân 600-700g/con, tỷ lệ sống khoảng 80%, năng suất bình quân 10.000kg/ha, lợi nhuận 70-80 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, TTKN đang đẩy mạnh sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi. Hiện Trại sản xuất giống thủy sản và dịch vụ Thanh Trì, Trạm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật Chương Mỹ cung cấp một lượng lớn giống cây ăn quả, giống cá các loại cho các trang trại trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Đối với trồng lúa, TTKN hướng dẫn bà con thực hiện tốt các biện pháp canh tác mới như gieo sạ, ứng dụng cơ giới hóa, thâm canh cải tiến SRI... đã giảm chi phí, tăng sản lượng gấp 3-4 lần so với sản xuất thường. Mô hình thâm canh bí xanh, khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu cho giá trị 100-120 triệu đồng/ha.
 
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc TTKN Hà Nội cho biết, năm 2012, TTKN sẽ tập trung xây dựng các mô hình sản xuất lúa, cây ăn quả, hoa cây cảnh, thủy sản theo hướng chất lượng và hiệu quả cao. Mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa và gieo sạ sẽ được đặc biệt quan tâm. Từ thành công của những mô hình điểm do TTKN xây dựng, nhiều huyện đã đưa vào áp dụng đại trà. Vụ xuân 2012, 100% diện tích đất lúa của xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức đã gieo sạ. Với huyện Thạch Thất, nhận thấy giá trị từ mô hình điểm, năm 2012 địa phương đã đầu từ hàng tỷ đồng mua máy làm đất, máy gặt đập… thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Tại huyện Sóc Sơn, từ mô hình điểm xã Mai Đình, đến nay, toàn huyện đẩy mạnh dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa, gieo sạ vào sản xuất. Đồng thời thực hiện luân canh thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình do KN xây dựng. Các mô hình KN xây dựng đang được nhân rộng ở các địa phương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và hội nhập với thị trường trong nước, quốc tế. Hiện TTKN phối kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để tạo liên kết dọc bền vững mở rộng quy mô sản xuất và ổn định đầu ra cho sản phẩm tại vùng cây cảnh Thường Tín, vùng hoa lan Hoài Đức, vùng chăn nuôi bò sữa Ba Vì, vùng chuyển đổi sản xuất theo hướng trang trại chăn nuôi - thủy sản ở Ứng Hòa...
 
 
Ý kiến của bạn