Thành phố đề ra mục tiêu trong năm 2011 phải hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới (NTM), tại tất cả 143 xã. Nhưng đến nay, tiến độ triển khai quy hoạch xây dựng NTM tại nhiều địa phương rất chậm và khó có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Tiến độ quá chậm
Trong những tiêu chí, xây dựng quy hoạch NTM là vấn đề được đặt lên hàng đầu, phải đi trước một bước. Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố, hiện, tiến độ xây dựng quy hoạch NTM tại Hải Phòng rất chậm. Đến thời điểm này, chỉ có 8 xã điểm đang tích cực triển khai việc xây dựng quy hoạch. Trong đó, một số xã hoàn thành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Phù Ninh (Thủy Nguyên), Đoàn Xá (Kiến Thụy), An Hòa (An Dương)… Tuy nhiên, ngoài những xã làm điểm, nhiều địa phương còn lại dừng ở giai đoạn tìm kiếm đơn vị tư vấn và giao đơn vị này khảo sát, thu thập số liệu để lập quy hoạch. Bình quân mỗi huyện có 9-10 xã đang triển khai xây dựng quy hoạch. Trong đó, nhiều xã mới ký hợp đồng với đơn vị tư vấn và các đơn vị tư vấn chưa tiến hành khảo sát, thu thập số liệu để lập quy hoạch. Điển hình là các xã Kiến Quốc, Tú Sơn, Thụy Hương, Du Lễ, Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) vừa ký hợp đồng với đơn vị tư vấn.
Ông Đoàn Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, hiện, trên địa bàn huyện có 3 đơn vị vào làm công tác tư vấn xây dựng quy hoạch, mỗi đơn vị làm cho 5 địa phương. Tuy nhiên, tiến độ triển khai công việc này rất chậm do thiếu đơn vị tư vấn.
Thiếu kinh phí và nhân lực
Xã Kiến Quốc (Kiến Thụy) đến nay 4/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Khó khăn lớn nhất trong triển khai xây dựng quy hoạch là kinh phí hạn hẹp, cấp xã khó có tiềm lực để tự làm quy hoạch chung. Theo tính toán, bình quân một xã triển khai xây dựng quy hoạch phải dành kinh phí khoảng 300 triệu đồng, nhưng thành phố mới quyết định hỗ trợ mỗi xã 150 triệu đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của phần lớn các xã đến nay, nguồn kinh phí này cũng chưa về đến địa phương.
Ngoài khó khăn về kinh phí, việc xây dựng quy hoạch NTM chậm tiến độ do thiếu lực lượng cán bộ thực hiện. Thực tế, điều dễ nhận thấy ở các xã là cán bộ cơ sở rất lúng túng, chưa biết bắt đầu từ việc gì; cách thức triển khai chưa phù hợp, còn trông chờ vào cấp trên. Với cấp xã, trình độ cán bộ hạn chế, nhất là trong lĩnh vực chuyên ngành, trong khi các thành viên chức năng của huyện chưa vào cuộc, nên Ban chỉ đạo xã lúng túng về đánh giá thực trạng và xây dựng đề án, phải làm đi làm lại dẫn đến nản lòng. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng, lập đề án và quy hoạch xây dựng NTM.
Nhiều địa phương lúng túng trong quy hoạch xây dựng vùng sản xuất tập trung
khi các trang trại khó đạt tiêu chí mới
Lãnh đạo các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên bày tỏ băn khoăn, đối với những tiêu chí đã đạt có phải lập quy hoạch mới không? Và những tiêu chí chưa phù hợp phải lập quy hoạch theo thực tế của địa phương hay bằng mọi giá thực hiện quy hoạch đúng yêu cầu của tiêu chí?
Với những vướng mắc trên, rất khó hoàn thành công tác quy hoạch NTM trong năm nay vì theo trình tự, tối thiểu một đồ án phải mất 45 ngày, chưa kể những vấn đề phát sinh khác cần có thời gian chuẩn bị.