Xây dựng cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao xuất khẩu, tiến tới thực hiện quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Đó là nội dung nổi bật của tọa đàm "Hợp tác và phát triển cây lúa gắn với xây dựng Cánh đồng mẫu lớn “ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp với huyện Vị Thủy tổ chức.
Hậu Giang có diện tích lúa trên 200.000ha, với sản lượng hàng năm đạt từ 1-1,1 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra của hạt lúa Hậu Giang thiếu ổn định; sự liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ lúa còn lỏng lẻo; hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất chưa hoàn chỉnh; quy mô, mức độ cơ giới, các khâu sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch còn thấp; hệ thống chế biến, bảo quản lúa chưa đáp ứng yêu cầu cả về quy mô và thiết bị công nghệ; sản xuất lúa chủ yếu theo hộ gia đình, quy mô nhỏ; tỷ lệ lúa tiêu thụ thông qua hợp đồng còn rất thấp; quy mô, thời gian thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn(CĐML)… Đó là những trăn trở được nhiều nhà nông nêu ra tại buổi tọa đàm.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh cho rằng, các nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn vốn phục vụ quá trình canh tác, cách thức làm ăn lớn, đảm bảo đầu ra, giá cả hạt lúa ổn định… để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người dân.
Theo ông Trần Công Chánh, để giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình, Nhà nước sẽ giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, xây dựng CĐML gắn với xây dựng Nông thôn mới. "Bốn nhà” cần phải tính lại, liên kết với nhau, hình thành mối quan hệ làm ăn mới, trong đó quan trọng nhất là phải giữ chữ tín.
Chủ tịch UBND lưu ý, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn cần gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh và chỉ nên thực hiện một vài điểm để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm rồi mới tiến hành nhân rộng,…
Theo định hướng, tỉnh sẽ phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích 32.000 ha, dọc hai bên kênh xáng Xà No để làm mô hình CĐML. Trước mắt sẽ lấy 500 ha ở phía Nam Xà No thuộc 2 huyện Vị Thủy và Châu Thành A để sản xuất lúa chất lượng cao và phía Bắc kênh Xà No đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, trạm bơm, tưới tiêu. Vụ hè thu 2012 thực hiện tại xã Vị Thanh và Vị Bình huyện Vị Thủy, sau đó sẽ mở rộng thêm tại huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: Tỉnh đã khởi động dự án CĐML nhưng bước đầu chỉ đi vào khâu giống và cơ giới hóa, thủy lợi, làm ăn liên kết. Từ vụ Đông Xuân 2011-2012, ngành nông nghiệp Hậu Giang tập cho nông dân làm quen dần với mô hình liên kết, hình thành các tổ nhóm liên kết, các kỹ thuật, tiêu chuẩn của VietGAP.
Hết năm 2011, có 100% số xã toàn tỉnh hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới và tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới tại 11 xã trong tỉnh.Theo kế hoạch, đến năm 2015, Hậu Giang có 11 xã NTM chiếm 20% số xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 sẽ có 28 xã chiếm 50% số xã đạt chuẩn NTM. Ở các xã NTM, đến nay, số hộ nghèo giảm khoảng 1/3. Bộ mặt nông thôn khởi sắc bằng sự đồng thuận đóng góp của toàn xã hội. Tình hình xã hội, môi trường, chợ nông thôn, giáo dục, y tế, thu nhập bình quân đầu người, thoát nghèo,... cũng đều chuyển biến.