Thí điểm xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn" ở các tỉnh phía Bắc

 8487 lượt xem
Để mở rộng phong trào xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương triển khai thí điểm xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn". 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong điều kiện ở phía Bắc, "Cánh đồng mẫu lớn" cần hướng tới các tiêu chí chủ yếu là có diện tích đủ lớn, được "dồn điền đổi thửa", cơ sở hạ tầng phù hợp để áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa đồng bộ; có doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông tham gia cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đặt hàng và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng khi nông dân có yêu cầu. 

Trên "Cánh đồng mẫu lớn", nhân dân được tổ chức lại, cùng nhau áp dụng giống mới, quy trình sản xuất mới phù hợp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; cùng nhau quản lý sản xuất, thực hiện các dịch vụ chung thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.
 
Từ “Cánh đồng mẫu lớn” sẽ dần hình thành những người nông dân mới biết gắn sản xuất với thị trường, ghi chép hạch toán hiệu quả sản xuất, sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng. 
 
Xây dựng kế hoạch thí điểm, trong đó ưu tiên cây lúa và các cây trồng có thị trường
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch thí điểm "Cánh đồng mẫu lớn" tại địa phương trong năm 2012 và các năm sau, trong đó ưu tiên cây lúa và các cây trồng có thị trường, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trên cơ sở nông dân tự nguyện và sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, khuyến nông, đảm bảo hài hòa quyền lợi nông dân, cũng như của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia.
 
Bên cạnh đó, tổ chức vận động nông dân "dồn điền, đổi thửa", cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi trên "Cánh đồng mẫu lớn". Tập hợp liên kết nông dân, tạo sự đồng thuận thực hiện "Cánh đồng mẫu lớn". Khuyến khích triển khai và quản lý các hoạt động dịch vụ do hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong các khâu làm đất, giống, vật tư nông nghiệp từ gieo trồng đến thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo chất lượng và hài hòa lợi ích giữa các bên.
 
Xây dựng các quy trình canh tác phù hợp trên cơ sở thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP)... hướng dẫn nông dân ghi chép và in ấn sổ tay ghi chép quá trình sản xuất để nông dân làm quen và từng bước biết quản lý, hạch toán sản xuất.
 
Ngoài ra, các địa phương cũng cần ưu tiên ngân sách địa phương hỗ trợ xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn" trên cơ sở áp dụng chính sách đã có của Trung ương và địa phương về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đất đai, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông, thông tin thị trường, đào tạo tập huấn; đồng thời xem xét ban hành các chính sách mới để triển khai thí điểm "Cánh đồng mẫu lớn" đạt kết quả tốt.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa đã được phát động từ tháng 3/2011 tại các tỉnh Nam Bộ. Chủ trương này đã được các địa phương, doanh nghiệp, nông dân hưởng ứng tích cực, bước đầu thu được kết quả quan trọng.  Vụ hè thu năm 2011 tại 13 tỉnh diện tích "Cánh đồng mẫu lớn" đạt 7.803 ha, 6.400 hộ nông dân tham gia.

Trong vụ Đông Xuân 2012 cũng có 20 tỉnh thành tham gia, diện tích đạt gần 19.000 ha. 

Lợi ích từ "Cánh đồng mẫu lớn" là nông dân được các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và tiêu thụ sản phẩm theo đặt hàng về chủng loại, số lượng, chất lượng. Thông qua thực hiện các dịch vụ làm đất, tưới nước, gieo cấy, thu hoạch, quản lý dịch hại và áp dụng cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất nên giảm chi phí nhân công, giảm số lần phun thuốc, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" là cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Việc xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn" cũng là một giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 
 
Ý kiến của bạn