Luật sư của những trẻ em bị xâm hại và bạo hành

 444 lượt xem
Năm nay đã 64 tuổi nhưng luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh vẫn đi lại như con thoi giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Không ngại nắng mưa, đường xa, bất chấp vụ án "hóc búa" đến mấy, chị vẫn ra sức bảo vệ trẻ em. Chỉ cần có tin báo ở đâu có xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em là chị cùng các đồng sự lên đường ngay. 

Từ khi Chi hội Luật sư được thành lập (năm 2014) và được bầu làm Chi hội trưởng, chị đã cùng với các cộng sự tình nguyện tham gia công tác bảo vệ trẻ em hoàn toàn miễn phí, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc, trong đó, 22 vụ đã xét xử thành công, 19 vụ đang tiếp tục được xem xét (chủ yếu là các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em).

                                             Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ

Thông qua đường dây nóng 18009069, chị đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 48 trường hợp là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành; chủ động phối hợp với Hội LHPN thành phố, Hội LHPN tại địa phương bảo vệ cho trẻ em, phụ nữ, nhiều trường hợp đã được chị can thiệp và hỗ trợ tâm lý sau khi đưa đi giám định pháp y; thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện, động viên; hiện nay có 2 vụ đã được xem xét lại và khởi tố. Trong thời gian qua, chị đã giúp đỡ 25 trường hợp là các trẻ em bị lạm dụng, bị sàm sỡ và bị bạo hành (tư vấn, điều tra đến khi kết thúc phiên tòa); 50 trường hợp trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi làm giấy khai sinh; phối hợp với Hội LHPN quận, huyện, phường, xã giúp đỡ 54 trường hợp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Hàng năm, chị dành thời gian đến thăm, hỗ trợ và trò chuyện cùng thiếu nhi ở các mái ấm (hiện nay có 32 em thiếu nhi đang được Chi hội của chị thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ).

Bên cạnh đó, chị đã kêu gọi các bậc phụ huynh quan tâm, theo dõi con em mình nhiều hơn, đặc biệt hướng dẫn các phụ huynh nghiêm túc thực hiện 4 quyền của trẻ em được quy định trong Luật trẻ em năm 2016 và dạy trẻ nhớ 3 nguyên tắc vàng khi gặp người lạ.

Bản thân chị đã thực hiện được khoảng 61 phiên tòa giả định tại các trường THCS, tiểu học về bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống ma túy, phòng, chống tai nạn giao thông… cho khoảng 15.000 học sinh, giúp các em phòng, tránh tệ nạn xã hội. Tại các khu dân cư, khu nhà trọ, khu công nghiệp, chị đã phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền pháp luật miễn phí cho khoảng 5.000 công nhân lao động và phụ nữ.

Chị đã chủ động phối hợp với các phóng viên mảng pháp luật - gia đình ở các báo để lan tỏa thông tin về hoạt động của Chi hội. Chia sẻ, khẳng định quan điểm của Hội bảo vệ quyền trẻ em về các vấn đề pháp luật liên quan đến trẻ em trên báo đài. Xây dựng mối quan hệ đặc biệt mật thiết cùng Báo Phụ nữ Thành phố - cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là một đầu mối tiếp nhận rất nhiều thông tin liên quan đến phụ nữ và trẻ em qua Đường dây khẩn (0913.159.315). Riêng năm 2017, khi Luật trẻ em vừa ra đời và chuẩn bị có hiệu lực thi hành, hai đơn vị đã tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ trẻ em từ mái ấm gia đình”, qua đó đã nhận được rất nhiều ý kiến, hiến kế giúp thực thi Luật. Năm 2018, từ 16 ca tư vấn, can thiệp của chị và các luật sư trong chi Hội, các phóng viên đã đề xuất Báo Phụ nữ Thành phố xây dựng và tổ chức thành công chuyên mục “Đừng để các vụ xâm hại trẻ em bị chìm xuồng” (đạt giải B - Giải báo chí Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018).

Trong thời gian qua, chị cũng tích cực tìm tòi, nghiên cứu về luật của một số quốc gia trên thế giới và đề xuất phương án thiến hóa học đối với những đối tượng xâm hại trẻ em trình lên Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù phương án này còn nhiều tranh cãi và chưa được thông qua nhưng những việc làm đó đã thể hiện những nỗ lực và tâm huyết của chị trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em.

Ngoài các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, chị tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội chăm lo cho trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Khi giúp đỡ các gia đình có trẻ em bị xâm hại, các vụ án được đưa ra ánh sáng và xét xử thành công, chị đã chuyển toàn bộ quà tặng cảm ơn của các gia đình vào quỹ xã hội từ thiện của Hội LHPN Thành phố hoặc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố, có vụ việc sau khi giải quyết xong, gia đình đã đóng góp ủng hộ quỹ với số tiền hơn 70 triệu đồng, nhờ đó mà quỹ có kinh phí tổ chức nhiều chuyến công tác xã hội từ thiện chăm lo trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị đã cùng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố đóng góp kinh phí trao tặng 07 căn nhà tình thương cho huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Long An với tổng số tiền là 280 triệu đồng; hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà vệ sinh cho các trường mẫu giáo tỉnh Đăk Lăk; trao 40 suất học bổng với tổng kinh phí 40 triệu đồng cho các em học sinh nghèo hiếu học của Trường Lê Hữu Trác, huyện Cư M’Gar tỉnh Đăk Lăk và trao tặng cho khoảng 5.000 chị em phụ nữ và các em học sinh huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh với tổng kinh phí 48 triệu đồng, hỗ trợ mái ấm tình thương, sân chơi cho trẻ em ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai với tổng số tiền là 20 triệu đồng.

Hưởng ứng Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN Việt Nam phát động và triển khai thực hiện, cá nhân chị đã ủng hộ 20 triệu đồng để thực hiện chương trình.

Với những cống hiến của mình, chị đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh.

                                                                                                                                                                                                Thanh Lan

 
Ý kiến của bạn