Ninh Bình xây dựng nông thôn mới: Khó khăn, bất cập

 9075 lượt xem
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang được các địa phương trong tỉnh Ninh Bình triển khai tích cực, theo lộ trình và bước đi cụ thể. Giai đoạn 2011-2015 có 25 xã trong tổng số 120 xã của tỉnh triển khai làm trước và đến năm 2020 có 50% số xã thực hiện xây dựng NTM. 

Thực hiện lộ trình này, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và Ban quản lý cấp xã đã được thành lập. Các xã đã tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn để làm căn cứ cho việc xúc tiến lập quy hoạch chung cùng đề án xây dựng NTM.

 
Đường giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng
trong quá trình xây dựng NTM
 
 Đối chiếu với Bộ tiêu chí do Chính phủ ban hành có xã đã đạt, hoặc xấp xỉ đạt 10-12 tiêu chí. Tuy nhiên, qua báo cáo của các xã được chọn làm trước cho thấy: Các tiêu chí (TC) đã đạt hoặc xấp xỉ đạt chủ yếu là: Hệ thống tổ chức chính trị (TC 18), an ninh trật tự (TC 19), hình thức tổ chức sản xuất (TC 13), giáo dục (TC 14), y tế (TC 15), văn hóa (TC 16), điện (TC 4), trường học (TC 5), cơ sở vật chất văn hóa (TC 6)… Những tiêu chí có tính chất quan trọng, quyết định đến sự thay đổi của “bộ mặt” nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người nông dân như: Quy hoạch (TC 1), giao thông (TC 2), thủy lợi (TC 3), thu nhập (TC 10), hộ nghèo (TC 11), cơ cấu lao động (TC 12), môi trường (TC 17)… Ít xã đạt được, thậm chí còn rất xa vời so với Bộ tiêu chí.
 
Thực tế nông thôn Việt Nam hình thành một cách tự phát và phát triển không theo quy hoạch hoặc định hướng nào. Kết cấu hạ tầng nông thôn (đường, trường, trạm, trại…) trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ngành, nên ít nhiều đã được đầu tư xây dựng, song so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được. Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, giảm nghèo trong nông thôn cũng đã được chú trọng, nhưng vẫn chưa được như mong muốn… Đây chính là những khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng NTM của các xã, trong đó bao trùm lên là vấn đề vốn, cơ chế và tổ chức thực hiện.
 
Theo phản ánh của các xã thì có những TC tỏ ra bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế của các vùng nông thôn và cần được Trung ương điều chỉnh bổ sung. Đơn cử như TC số 7 (chợ), không nhất thiết địa phương nào cũng phải có. Bởi thực tế đã có nhiều chợ được xây dựng khá khang trang ở một số xã nhưng lại không phát huy được tác dụng. Một khó khăn, bất cập nữa là còn bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu chưa đúng về xây dựng NTM, nên công tác thông tin, tuyên truyền phải được tăng cường với nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng đến việc thông tin, tuyên truyền về cơ cấu vốn đầu tư cho xây dựng NTM, để người dân hiểu và tự giác, tự nguyện tham gia chương trình.
 
Xây dựng NTM là chương trình lớn, rộng, lâu dài nên cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó người nông dân là chủ thể được hưởng lợi từ chương trình. Đa dạng hóa các nguồn vốn và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình dự án đã và đang thực hiện trên địa bàn; xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất là những nội dung phải được ưu tiên thực hiện trước trong quá trình xây dựng NTM ở mỗi địa phương.
 
 
Ý kiến của bạn