Vinh danh và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ

 8572 lượt xem
UBND tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức Lễ vinh danh và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ. 

Tại Lễ vinh danh và khen thưởng, đồng chí Hà Kế San – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ khai mạc “Chương trình du lịch về cội nguồn và vinh danh hát Xoan Phú Thọ” đã báo cáo về quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ. Hát Xoan là dân ca hát thờ vua Hùng ra đời từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Trải qua suốt thời kỳ Bắc thuộc đến thời kỳ độc lập tự chủ, hát Xoan được các nhà nho (đặc biệt các nhà nho thời Hậu Lê) ghi chép lại khá đầy đủ và tồn tại đến ngày nay. Ở Phú Thọ có 4 phường Xoan gốc mang tên địa danh - nơi ra đời của Hát Xoan gồm: Kim Đái, Phù Đức, Thét thuộc xã Kim Đức và phường An Thái thuộc xã Phượng Lâu (TP Việt Trì). Từ đó Xoan lan tỏa ra 30 cửa đình thuộc 18 xã, phường của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc: Gồm 15 xã, phường thuộc tỉnh Phú Thọ và 3 xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, Hát Xoan Phú Thọ đã có lúc đứng trước nguy cơ bị mai một, biến đổi...  Trước nguy cơ mai một, năm 2009, Chính phủ đã đồng ý việc lập Hồ sơ di sản hát Xoan đề nghị UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tỉnh Phú Thọ phối hợp với Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa - Bộ VHTT&DL đã tiến hành khảo sát, tổ chức nhiều hội thảo trong nước và quốc tế để đánh giá hiện trạng hát Xoan. Sau quá trình nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị và xây dựng hồ sơ hát Xoan. Tháng 3/2010, hồ sơ hát Xoan chính thức được gửi lên UNESCO. Và ngày 24/11/2011, Ủy ban liên Chính phủ của tổ chức UNESCO họp tại Bali, Inđônesia đã chính thức công nhận Hát Xoan Phú thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.

 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể đã có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan.
 
Đồng chí khẳng định, để hát Xoan được công nhận như hôm nay, trước hết phải nói đến sự đóng góp của các thế hệ nghệ nhân Hát Xoan đã âm thầm truyền dạy, gìn giữ Hát Xoan trong cộng đồng; công lao đóng góp của các nhà nghiên cứu văn hóa, những người đã tâm huyết, vượt qua mọi khó khăn, vất vả để sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn các công trình hát Xoan và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, nhân dân các vùng Xoan, những người đóng vai trò chủ thể của di sản, trực tiếp bảo tồn, gìn giữ hát Xoan trong đời sống cộng đồng nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan. Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn hát Xoan và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo tồn di sản hát Xoan Phú Thọ nhằm đưa di sản hát Xoan Phú Thọ trở thành văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015.
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen cho các nghệ nhân đã có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan.
 
Tại lễ vinh danh, UBND tỉnh đã trao Kỷ niệm chương Hùng vương cho 7 cá nhân đã có nhiều thành tích góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ; tặng Bằng khen cho 12 tập thể và 59 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan. 
 
 
Ý kiến của bạn