Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú

 8506 lượt xem
Kể từ ngày 2-4-2012, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 07/2012/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành, thay thế Thông tư 22/2008/TT-BGDĐT. 

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

Thông tư 07 quy định cụ thể các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân như: Đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú từ 6 năm trở lên tính đến năm đề nghị; tiếp tục đạt thành tích cao sau khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú với một trong các hình thức khen thưởng hoặc danh hiệu sau đây: Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc trở lên; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.
 
Đồng thời, có tài năng sư phạm xuất sắc, có uy tín lớn và ảnh hưởng trong ngành và trong xã hội, là nhà giáo đầu đàn tiêu biểu được đồng nghiệp thừa nhận, là nhà giáo mẫu mực được học trò và nhân dân kính trọng, có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học.
 
Cụ thể là giảng dạy đạt chất lượng và hiệu quả cao, có nhiều học sinh giỏi, sinh viên giỏi, có đóng góp phát hiện và bồi dưỡng học sinh, sinh viên tài năng, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Đồng thời, có sáng kiến, giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng rộng rãi trong công tác giảng dạy, giáo dục hoặc quản lý giáo dục được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp Nhà nước xếp loại, tính từ sau năm được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
 
Một trong các tiêu chuẩn nữa là phải có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên. Đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
 
Điểm nổi bật của Thông tư 07 là đã lượng hóa điều kiện về sáng kiến, giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học... để đạt danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Cụ thể, đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên phải có ít nhất 3 sáng kiến hoặc 3 giải pháp hoặc chủ trì 2 đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng giáo dục được Hội đồng khoa học ngành giáo dục cấp tỉnh (đối với đơn vị trực thuộc sở giáo dục và đào tạo), Hội đồng khoa học cấp sở, cơ quan chủ quản cấp trên (đối với đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh) nghiệm thu, xếp loại tốt (loại A)...
 
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú
 
Điểm mới trong tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú tại Thông tư 07 là đã quy định cụ thể về tài năng sư phạm, có công lớn trong sự nghiệp giáo dục, giảng dạy đạt chất lượng tốt, hiệu quả cao, có nhiều học sinh giỏi, sinh viên giỏi; có cải tiến hoặc sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng đạt hiệu quả trong công tác giảng dạy, giáo dục hoặc quản lý giáo dục được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá, xếp loại.
 
Cụ thể, đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non: Có ít nhất 1 sáng kiến, cải tiến, giải pháp; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong việc nuôi dạy các cháu được Hội đồng khoa học ngành giáo dục cấp tỉnh đánh giá, xếp loại khá (loại B) trở lên; Giúp đỡ, bồi dưỡng được ít nhất 2 giáo viên trở thành giáo viện dạy giỏi của trường và ít nhất 1 lần được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên...
 
Đối với giáo viên trong các trường tiểu học: Có ít nhất 2 cải tiến hoặc 2 sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng trong giảng dạy, giáo dục học sinh, được Hội đồng khoa học ngành giáo dục cấp tỉnh đánh giá, xếp loại khá (loại B) trở lên; Có nhiều thành tích giúp đỡ đồng nghiệp phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi, đã bồi dưỡng được ít nhất 3 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi của trường, của địa phương và ít nhất 1 lần được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trở lên...
 
Đối với giáo viên trong các trường trung học cơ sở; trung học phổ thông; trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm dạy nghề: Có ít nhất 2 cải tiến hoặc 2 sáng kiến kinh nghiệm áp dụng trong giảng dạy, trong quản lý được Hội đồng khoa học ngành giáo dục cấp tỉnh đánh giá, xếp loại khá (loại B) trở lên…
 
Đối với giảng viên các đại học, trường đại học, học viện: Chủ biên 1 giáo trình hoặc tham gia biên soạn ít nhất 2 giáo trình được đưa vào giảng dạy và đã được xuất bản hoặc là tác giả của 2 sách chuyên khảo; có ít nhất 5 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước; chủ trì 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh hoặc nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp nhà nước đánh giá, xếp loại khá (loại B)...
 
Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú được xét tặng và công bố hai năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
 
Thông tư 07 có hiệu lực thi hành từ ngày 2-4-2012.
 
 
Ý kiến của bạn