Hội đồng thi đua khen thưởng TW họp phiên thứ 43

 9419 lượt xem
Phong trào thi đua cần hướng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó tập trung mạnh vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Công tác thi đua phải gắn với nhiệm vụ chính trị 

Ngày 29.8, tại Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã họp phiên thứ 43, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng.

Đánh giá về hoạt động của Hội đồng 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trần Thị Hà cho biết, Hội đồng và Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã bám sát phương hướng, nhiệm vụ đề ra; tập trung triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đồng thời duy trì nề nếp sinh hoạt định kỳ, đảm bảo thực hiện theo quy chế.

Các thành viên Hội đồng đã tích cực đôn đốc, kiểm tra, qua đó đã tác động tích cực đến phong trào thi đua và công tác khen thưởng của các Bộ, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương. Hội đồng đã họp và bỏ phiếu đối với 29 trường hợp đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng, gồm 23 Anh hùng Lao động và 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Căn cứ kết quả bỏ phiếu, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã trình Thủ tướng đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho 8 trường hợp (6 tập thể, 2 cá nhân) có số phiếu tín nhiệm cao.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua -Khen thưởng TW

Ngay từ những tháng đầu năm, nhiều phong trào thi đua của các Bộ, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương đã được phát động sôi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn liền với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”

Các phong trào thi đua đã góp phần cùng cả nước đạt được các chỉ tiêu kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, mà trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Công tác khen thưởng cũng có những bước chuyển biến rõ nét, đã bám sát về tiêu chuẩn, đối tượng, thủ tục hồ sơ theo quy định; chất lượng thẩm định hồ sơ khen thưởng được nâng lên. Việc khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, người lao động trực tiếp sản xuất đã được các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể quan tâm hơn.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến hiệu quả của công tác thi đua, việc thực hiện chỉ đạo điểm và kiểm tra phong trào thi đua tại các địa phương, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể anh hùng sau khi được suy tôn, vấn đề lễ hội và lễ tôn vinh quá nhiều, cũng như công tác thông tin tuyên truyền nêu địa chỉ đỏ, cá nhân điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho rằng, cần thắt chặt hơn nữa việc tặng thưởng danh hiệu Anh hùng và các phần thưởng từ khâu xét duyệt đến khi bỏ phiếu; đồng thời, nâng tiêu chuẩn xét tặng huân chương, danh hiệu Anh hùng lên, quản lý chặt chẽ các phong trào thi đua và tặng thưởng.

Từ nay đến cuối năm, tập trung vào khen thưởng người lao động trực tiếp, tôn vinh đúng người có đóng góp cụ thể, xuất sắc; tăng cường khen thưởng theo chuyên đề; thực hiện quy định tỷ lệ phần trăm những người lãnh đạo được khen thưởng, tránh việc toàn khen cán bộ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, địa chỉ đỏ.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực trách nhiệm của các thành viên Hội đồng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội đồng tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, phong trào thi đua vừa qua được tổ chức rộng khắp, sôi nổi, thiết thực, đã bám sát nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương, theo các mục tiêu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự… Công tác thi đua đã đóng góp thiết thực vào thành tựu kinh tế, xã hội của đất nước. Gắn với đó, công tác khen thưởng đã có chất lượng tốt hơn.

Công tác Thi đua phải thiết thực và đi vào trọng tâm

Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến cuối năm, tiếp tục duy trì tốt các phong trào thi đua của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó tập trung vào thực hiện nhiệm vụ năm 2011 và năm đầu của kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các Bộ, ngành có kế hoạch thi đua theo trọng tâm lớn là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội như Nghị quyết 11 đã đề ra. Các phong trào thi đua cần được cụ thể hóa, bám sát phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thủ tướng cũng yêu cầu phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cần đi vào chống lãng phí một cách thiết thực ở các cơ quan, đơn vị, bởi hiện tượng chi tiêu lãng phí ở các nơi này là rất lớn. Bên cạnh đó, việc khen thưởng trong hệ thống bộ máy Nhà nước cần phải chặt chẽ thêm, cần rà soát lại quy định khen thưởng, đưa thêm các tiêu chí, để làm sao lựa chọn tuyên dương những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng cho cả tập thể và cá nhân.

Thủ tướng cho rằng, cần định hướng lại tiêu chí khen thưởng người lao động, khen thưởng đột xuất, cụ thể hóa như thế nào và quy chế ra sao, làm thế nào để khen thưởng được kịp thời. Việc khen thưởng lãnh đạo doanh nghiệp phải chặt chẽ, thật sự tiêu biểu.

Xã hội hóa hoạt động tôn vinh là cần thiết, nhưng phải có những tiêu chí phù hợp, việc dự lễ hội tôn vinh phải có quy định cụ thể. 

Thủ tướng cũng đề nghị xây dựng đề án đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng làm công tác thi đua phải gắn với nhiệm vụ chính trị, công tác khen thưởng phải chặt chẽ hơn, phù hợp hơn, đồng thời nghiên cứu những điểm chưa hợp lý để chuẩn bị sửa đổi Luật Thi đua-Khen thưởng.

Tại phiên họp, Hội đồng cũng kiện toàn nhân sự với 18 thành viên, do Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng.

Để góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phong trào thi đua yêu nước trong những tháng cuối năm tiếp tục hướng vào việc phát huy sức mạnh của các hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, đồng tâm hiệp lực của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và của toàn xã hội để thực hiện tốt Chỉ thị 725/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo để tạo sự chuyển biến tích cực của phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” làm cho phong trào thi đua phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, gắn liền với địa bàn nông thôn, tạo bước đột phá đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, hướng công tác thi đua khen thưởng vào việc thiết thực thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 
 
Ý kiến của bạn