Hiệu quả từ cánh đồng mẫu lớn

 8584 lượt xem
Vụ đông xuân 2011-2012, Kiên Giang triển khai thực hiện thí điểm 5 mô hình cánh đồng mẫu lớn, với diện tích hơn 1.300 ha ở các huyện: Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao và thành phố Rạch Giá. Hiện các trà lúa đang bước vào thu hoạch và theo nhận định của ngành nông nghiệp thì nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn vui lại càng vui vì năng suất lúa tăng, chất lượng hạt lúa được cải thiện trong khi giá thành sản xuất giảm đi đáng kể. 

Trên cánh đồng lúa 260 hecta sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tiêu chuẩn VietGAP của hợp tác xã Thạnh Tiến, xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng là những cây lúa khỏe mạnh, không bị ngã đổ dù trĩu oằn bông. Những hạt lúa căng tròn, vàng óng báo hiệu một vụ mùa bội thu. Không giấu được niềm vui của mình, ông Lê Hoàng Thống, chủ nhiệm HTX Thạnh Tiến phấn khởi nói: “Cánh đồng mẫu lớn đã giúp cho nông dân chúng tôi làm giàu trên mảnh đất đã gắn bó với đời mình. Là một nông dân tiên tiến, ham học hỏi và luôn ứng dụng những khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thế nhưng khi thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ông Thống mới nhận ra rằng đây mới thật sự là cách làm hiệu quả nhất”.

Mục tiêu của mô hình cánh đồng mẫu lớn phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong sản xuất lúa nên được người dân đồng tình ủng hộ. Ông Trần Văn Kim, nông dân ấp 3A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp chia sẻ: “Thực hiện cánh đồng mẫu lớn không chỉ giúp nông dân khắc phục được khó khăn trong khâu bơm tưới, thu hoạch mà còn mang đến cho nông dân nhiều lợi ích khác. Do tập quán canh tác của nông dân cứ thấy sâu rầy là xịt thuốc nên dẫn đến tình trạng kháng thuốc, làm năng suất lúa sụt giảm trong khi giá thành sản xuất đội lên. Vào cánh đồng mẫu lớn, chúng tôi xuống giống đồng loạt, tập trung và chỉ sử dụng một loại giống; khâu cơ giới hóa trong sản xuất được thực hiện một cách đồng bộ và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, nhân nuôi và sử dụng nấm xanh để quản lý sâu rầy... nên chi phí sản xuất giảm đi đáng kể”.
 
 Xây dựng mô hình sản xuất theo hướng cánh đồng mẫu lớn là con đường ngắn nhất để gia tăng chất lượng lúa gạo, tiến tới hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn thông qua mối liên kết “4 nhà”. Kỹ sư Lê Văn Huyên, cán bộ điều phối chương trình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo hướng VietGAP cho biết: “Qua thực tế thực hiện 5 cánh đồng mẫu lớn ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao và thành phố Rạch Giá đã cho thấy hiệu quả mang lại từ việc thực hiện mô hình này khá lớn. Chi phí sản xuất giảm đáng kể chỉ còn 22 triệu đồng/ha, thay vì 25 triệu đồng/ha như trước đây góp phần giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận. Ngoài ra, năng suất bình quân dự kiến đạt từ 6,6 - 8 tấn/ha, tăng từ 0,5-1 tấn/ha so với vụ đông xuân năm ngoái”.
 
Mô hình cánh đồng mẫu lớn thành công bước đầu đã cho thấy đây là hướng đi mới cho nhà nông, phù hợp với xu thế hiện đại hoá nông nghiệp, tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn trên cùng một diện tích đất. Việc nhân rộng mô hình này sẽ góp phần xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao và đồng nhất, giúp tăng sức cạnh tranh của hạt gạo Kiên Giang trên thị trường xuất khẩu./.
 
 
Ý kiến của bạn