Trong sự nghiệp “trồng người” cũng như trong việc chăm sóc gia đình đều phải có cái “tâm” - đó là quan niệm, cũng là bí quyết để cô giáo Nguyễn Thị Hà – giáo viên ngữ văn (Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp tỉnh Lai Châu) trở thành người phụ nữ “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”…
Vững tay chèo trên “dòng sông tri thức”
Nhớ lại “duyên nợ” đưa cô gái 17 tuổi đến với mảnh đất Lai Châu, cô Hà không khỏi bồi hồi. Cô bảo: “Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hưng Yên. Tuổi ấu thơ của tôi gắn với sự lam lũ của người mẹ tảo tần nuôi 4 con nhỏ để bố yên tâm đóng quân ở cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ cũ). Sau những chuyến đi biền biệt, thi thoảng bố về và kể rất nhiều đến mảnh đất mà bố đã gắn bó. Có lẽ đó cũng là động lực để tôi có đủ nhiệt huyết xung phong tham gia phong trào thanh niên tình nguyện ở Lai Châu năm 1978, dù khi đó, bố tôi đã nghỉ hưu và trở lại quê nhà”.
Cô Hà soạn giáo án điện tử chuẩn bị cho tiết giảng văn.
Khi kể đến đó, ánh mắt của cô sáng lên, hoạt bát như vẫn còn ở tuổi đôi mươi khiến chúng tôi có thể mường tượng được cảnh cô giáo trẻ cùng với đoàn thanh niên tình nguyện đi bộ từ xã Pa Tần lên huyện Sìn Hồ, rồi lại từ Sìn Hồ đi xuống bản Vàng Bon (xã Ma Quai). Những con đường mòn thủa ấy với hàng trăm con dĩn, vắt quăng mình văng theo nhịp bước chân không làm họ nản lòng. Đến bản, các cô được sắp xếp ở cùng với bà con, sáng chiều lên nương, tối tối chong đèn dầu dạy cả bản học. Đối với cô giáo Hà, tuy khoảng thời gian đó không dài, nhưng là những kỷ niệm đẹp trong đời dạy học bởi tình cảm ấm áp của người dân. Quý cô giáo, họ mang qua nhà từng bó rau, đọt măng rừng mới hái. Các em nhỏ tuy vất vả từ bé nhưng ánh mắt đen láy và niềm say mê học chữ đã giữ chân cô ở lại với bản nhỏ.
Thủa ấy, cô Hà quan niệm “phải có tri thức thì mới dạy cho tốt” nên ngoài việc dạy học, cô giáo trẻ còn cặm cụi ôn thi. 1 năm sau, cô đã thi đậu Trường 10 +3 Sơn La và tiếp tục học thêm 3 năm để đến năm 1981, cô trở lại huyện Phong Thổ cũ, trở thành giáo viên dạy văn ở Trường cấp 1 +2 thị trấn. Năm 1996, cô được điều chuyển về tỉnh Điện Biên và dạy ở Trường PTCS Mường Thanh. Năm 2005, sau khi tỉnh chia tách, cô lại cùng chồng đến với tỉnh mới và dạy ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hướng nghiệp tỉnh cho đến nay. 31 năm dạy học, cô luôn là cán bộ “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, được Bộ Giáo dục – Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen, là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh… Song đối với cô, danh hiệu, thành tích, giấy khen lớn nhất trong “nghề chèo đò” tri thức chính là sự trưởng thành của lớp thế hệ được cô dìu dắt. Họ từ những cậu bé, cô bé ngày nào cắp sách đến trường, nay đã có người là công an, giáo viên, kỹ sư nông nghiệp, y tá… và trở về thăm cô giáo cũ của mình.
“Thiên chức” của người phụ nữ hiện đại
Nhìn cảnh cô Hà nhanh nhẹn chuẩn bị bữa ăn cuối tuần cho cả gia đình mới thấy việc thực hiện “thiên chức” là niềm hạnh phúc của mỗi người phụ nữ. Chẳng thế mà các đồng nghiệp của cô Hà đều gọi cô là “người phụ nữ hiện đại”. Họ bảo: “chuẩn” của người phụ nữ hiện đại phải là người vừa chăm sóc tốt cho gia đình, vừa làm tốt công việc xã hội và biết cập nhật thông tin nhanh chóng như cô Hà”.
Quả vậy, chỉ cần nhìn “tổ ấm” thân thương, đã phần nào biết được sự đảm đang, tháo vát của cô trong suốt những năm qua. Sau khi lập gia đình năm 1983, ngoài công việc ở trường, thời gian rảnh rỗi cô đều dành để tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình và dạy các con học. Vì thế mà hai con gái của cô đều là học sinh khá, giỏi toàn diện các môn học trong những năm phổ thông. Hoàng Diệu Anh, con gái đầu của cô là giáo viên dạy toán của Trường Phổ thông DTNT tỉnh, hiện đang theo học cao học ở Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Hoàng Huyền Anh, con gái út của cô là học sinh giỏi quốc gia môn văn, được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm I, hiện là giáo viên văn ở Trường Lê Quý Đôn. Cô luôn dạy các con rằng làm nghề giáo phải có cái tâm trong sáng, phải biết hướng nghiệp cho học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường vì con đường học vấn là con đường giúp các em học sinh miền núi trở thành người có ích cho xã hội...
Vẫn quen nếp cũ, dù nhà chuyển đến đâu thì cô Hà cũng cải tạo đất, trồng vườn rau xanh mướt; đàn gà, ngan, ngỗng lúc nào cũng trên 50 con. Cô bảo: cuối giờ chiều, ngoài việc tham gia thể thao ở trường, về nhà chăm sóc cho các loại cây, con trong gia đình cũng là một niềm vui, khiến mình yêu mái ấm của mình hơn. Còn chồng cô – thầy giáo Hoàng Đức Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo thì luôn cười thật tươi khi nhắc đến “nội tướng” của gia đình: “Niềm tự hào lớn nhất trong đời tôi là luôn có một cô giáo ủng hộ, dành mọi thời gian chăm sóc gia đình nhỏ của mình”.