Phụ nữ thời mới

 7074 lượt xem
Những ngày này, đi đến đâu tôi cũng thấy cái khí thế vốn đã rất mạnh mẽ của chị em nay lại càng sục sôi hơn chào để mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3). 

Vẫn là ngày ấy, vẫn những con người ấy, nhưng năm nay tôi thấy không khí này không giống mọi năm. Cái không khí mới mẻ ấy đang được tạo nên bởi những người phụ nữ Lai Châu mới…

 
Không những đảm việc nhà, phụ nữ Lai Châu còn tích cực tham gia công tác xã hội. Trong ảnh: Phụ nữ xã Mường Mô (huyện Mường Tè) góp ngày công làm lớp học tạm cho Trường Tiểu học Mường Mô.
 
Không phải nói quá nhưng Nghị quyết số 11- NQ/TƯcủa Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước đã mang đến cho phái đẹp những thay đổi thật đáng khâm phục. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, các cấp hội phụ nữ đã đồng loạt triển khai những nhiệm vụ thiết thực, cụ thể mà trọng tâm là phong trào Phụ nữ Việt Nam học tập, rèn luyện theo các phẩm chất đạo đức: tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang. Ở Lai Châu, phong trào này đã và đang giúp phụ nữ đẹp hơn, giỏi giang hơn và đáng yêu, đáng quý hơn.
 
Phụ nữ bản Cang Mường (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) trao đổi kinh nghiệm thêu hoa văn trang trí các sản phẩm thổ cẩm.
 
Nếu ai đó cho rằng phụ nữ Lai Châu còn rụt rè, tự ti thì tôi lại nghĩ ngược lại. Những cô gái Hà Nhì, Mông, Thái duyên dáng, uyển chuyển bước đi trên sân khấu của những cuộc thi phụ nữ giỏi giang, duyên dáng cấp tỉnh, cấp huyện chẳng phải là minh chứng cho điều đó sao. Các chị vẫn mang trên mình những bộ trang phục của ngàn đời; vẫn đội những chiếc mũ (nón) truyền thống; vẫn hát, vẫn múa bằng văn hoá của riêng dân tộc mình. Chất giọng vẫn còn lơ lớ, ngọngnghịu nhưng thật sắc sảo và thông minh, đó chẳng phải là sự tự tin ư?
 
Hiện nay, không chỉ cấp tỉnh, mà ngay ở cơ sở, tỷ lệ phụ nữ làm bí thư chi bộ, lãnh đạo các ngành ngày càng tăng bởi họ đã vượt qua định kiến về giới và khẳng định được mình. Trên báo chí bây giờ ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ dám nghĩ, dám làm, xây dựng được những mô hình kinh tế, thậm chí là doanh nghiệp mạnh. Họ đang  làm giàu chính đáng cho gia đình và tạo ra cơ hội việc làm cho rất nhiều người. Trên diễn đàn chính trị ở tỉnh ta, cơ quan quyền lực cao nhất của bộ máy Nhà nước cấp tỉnh cũng đang do một lãnh đạo nữ điều hành. Nếu không có sự tự tin, không có bản lĩnh chắc họ đã không làm được điều đó.
 
Tôi đã từng được gặp, được ngưỡng mộ những người phụ nữ có tới gần 30 năm trong nghề dạy học ở tận vùng sâu, vùng khó khăn. Hay những nữ y tá, bác sỹ, dù một mình ở bản lẻ, đơn chiếc đến vùng cao, tuy bữa cơm có thể là cá khô, muối lạc nhưng vẫn kiên quyết bám trụ với nghề, với cái nghiệp mà họ đã chọn. Hoặc những nữ chiến sỹ công an, dù không trực tiếp chiến đấu với tội phạm nhưng trên những mặt trận không tiếng súng của những cám dỗ đời thường vẫn mang hàng chục triệu đồng nhặt được trả lại cho người không may.
 
Rất nhiều, rất nhiều những tấm gương tự nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để học tập, rèn luyện nâng cao trình độ bản thân, chấp hành nghiêm những chủ trương, đường lối của Đảng dù hoàn cảnh đôi khi buộc họ phải cân nhắc thiệt hơn… Đó là những người có lòng tự trọng và tôi biết nếu liệt kê hết những người trong số họ là việc làm không tưởng.
 
Mặt trái của kinh tế thị trường ở đâu đó đang làm mai một đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nhưng ở Lai Châu ta chẳng khó khăn để gặp một người phụ nữ trung hậu. Một nữ cán bộ dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt huyết, năng nổ đến từng nhà để vận động nhân dân đóng góp tiền của, ủng hộ đồng bào thiên tai, hay những lớp dạy may, thêu, tập đàn, tập múa do chính những người phụ nữ đã lên chức bà truyền dạy miễn phí. Đó là lòng trung hậu. Cũng bởi tấm lòng này, đức tính ấy mà hạnh phúc gia đình đươc giữ vững trước những tệ nạn xã hội. Đức tính trung hậu của phụ nữ Lai Châu còn thể hiện trong nhiều hành động như vận động con cháu tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đó là đức tính trung hậu của phụ nữ Lai Châu trong thời kỳ mới.
 
Nhìn những ngôi nhà sạch sẽ, gọn gàng; những bộ váy áo mới của các bé; những đàn lợn con nào cũng béo lẳn béo tròn… có thể khẳng định các mẹ, các chị của tỉnh nhà rất mực đảm đang. Đối với những phụ nữ nông thôn tôi đã từng gặp, đức tính đảm đang của họ luôn thể hiện từ việc làm nhỏ nhất. Đó là sự chăm lo hết mực cho gia đình, sự hăng say lao động. Một chị dân tộc Mông vừa địu con đi nương, vừa bện dây, xe sợi. Những gùi ngô cao hơn cả đầu người của những cô gái vùng cao hay khung cửi vẫn kẽo kẹt lúc đêm khuya của các cô gái Thái, Lự, Lào khi nhiều người đã chìm vào giấc ngủ đã thay cho lời khẳng định về sự tảo tần, chịu thương chịu khó của họ. Với những phụ nữ là công chức, đức tính đảm đang không chỉ được thể hiện qua việc đảm đương việc nhà mà còn là chăm lo việc nước. Các chị luôn là những tấm gương về sự tận tuỵ, tận tình với công việc ở nơi công sở. Còn đối với gia đình họ lại là những người vợ đảm, mẹ hiền.
 
Bà Sần Thị Mí - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận định: “Cho dù ở đâu đó, những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam bị mặt trái của nền kinh tế thị trường che khuất thì ở Lai Châu, chúng tôi tự tin rằng phong trào rèn luyện theo các đức tính của người phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh côn nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước hoàn toàn có thể thành công bởi phụ nữ Lai Châu vốn rất tảo tần trong công việc, chịu thương chịu khó, biết chăm lo, vun vén cho gia đình. Tuy còn đôi chút rụt rè vốn có của phụ nữ vùng cao nhưng lòng tự trọng thì không bao giờ suy giảm”.
 
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, mỗi cá nhân đều phải tự rèn luyện, thay đổi, tu dưỡng bản thân để phù hợp với thời kỳ đó. Với phụ nữ Lai Châu hiện đại, sự rèn luyện đó chính là tập trung vào các đức tính tốt đẹp vốn có và nâng nó lên cho hợp với thời đại.
 
 
Ý kiến của bạn