Xây dựng nông thôn mới: Cần tạo sự chuyển biến mạnh

 9088 lượt xem
Năm 2012, được Tỉnh ủy xác định là năm hướng về cơ sở, vì vậy, Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm với hy vọng tạo ra những bước phát triển mới ở khu vực nông thôn. 

Hoàn thành 3 tiêu chí ở các xã điểm trong năm 2012

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, thời gian qua, Chương trình đã thực hiện đúng kế hoạch theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh đề ra. Ban chỉ đạo các cấp được kiện toàn và phân công nhiệm vụ theo yêu cầu; công tác xây dựng đề án, đồ án quy hoạch được triển khai đồng loạt và đảm bảo kế hoạch; công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi của đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp từng bước nâng lên. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cao, diện mạo nông thôn của tỉnh từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều quan tâm, tích cực tham gia thực hiện. Tại các địa phương, công tác triển khai chương trình có bước đột phá, đi trước một bước trong khi Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể như: Thực hiện lập đồ án quy hoạch, xây dựng đề án… Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có nhiều sáng tạo đã tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội tham gia thực hiện chương trình. Các xã xây dựng nông thôn mới có sự chuyển biến rõ nét, các tiêu chí đạt được ngày một tăng, nhận thức của người dân nông thôn đã thay đổi trong việc góp công sức, tiền, vật liệu xây dựng và hiến đất để xây dựng các công trình nông thôn mới. Năm 2012, tỉnh phấn đấu tại 35 xã hoàn thành ít nhất 3 tiêu chí, các xã còn lại hoàn thành ít nhất 2 tiêu chí. Song song với việc thực hiện 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cần ưu tiên đầu tư theo 5 lĩnh vực trọng tâm gồm: Tạo bước đột phá trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân nông thôn; tập trung cho chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đẩy mạnh xây dựng giao thông nông thôn, trong năm 2012 phấn đấu 50% số xã xây dựng xong đường liên thôn và 100% số xã xây dựng xong đường ngõ xóm. Tập trung xây dựng, nâng cấp hệ thống trường mầm non, nhà ở bán trú cho học sinh và nhà công vụ cho giáo viên cơ bản hoàn thành trong năm 2012.
 
Giải quyết khó khăn về vốn
 
Lào Cai là tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế, trong khi nhu cầu về nguồn lực để tổ chức thực hiện chương trình là rất lớn. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong chủ động bố trí và huy động vốn để có đủ nguồn lực thực hiện chương trình. Năm 2011, tổng vốn đầu tư từ ngân sách của tỉnh trực tiếp quản lý trên 2.500 tỷ đồng, riêng bố trí đầu tư cho các tiêu chí xây dựng nông thôn mới chiếm hơn 900 tỷ đồng, đạt 34,5% nhu cầu vốn đầu tư ngân sách của đề án giai đoạn 2011 - 2015. Kế hoạch vốn năm 2011 tỉnh bố trí cân đối cho đề án xây dựng nông thôn mới là khá cao so với nhu cầu của đề án, nhưng chủ yếu là các dự án chuyển tiếp nằm trên địa bàn 144 xã vùng nông thôn. Tỷ lệ vốn bố trí cho đề án của năm 2011 chưa tương ứng với các hạng mục đề ra, nguyên nhân là do năm 2011, Đề án xây dựng nông thôn mới cũng như các cơ chế, chính sách liên quan chưa được duyệt. Các huyện, thành phố chưa lập được kế hoạch đầu tư chi tiết đến từng danh mục cụ thể theo từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nên việc bố trí vốn chưa thực sự chủ động theo mục tiêu đề án, chưa dành riêng được nguồn lực đáng kể tập trung thực hiện một số mục tiêu ưu tiên của đề án, nhất là đầu tư hạ tầng về giao thông, giáo dục.
 
    Người dân xã Bản Cầm (Bảo Thắng) làm đường giao thông nông thôn.
 
Tổng vốn dự kiến bố trí cho xây dựng nông thôn mới năm 2012 trên 1.500 tỷ đồng, trong đó, bố trí đầu tư mới từ vốn ngân sách là 733 tỷ đồng, đạt 87% nhu cầu vốn ngân sách của Đề án 2 năm 2011 - 2012. Kế hoạch vốn năm 2012 ngoài việc tiếp tục phải bố trí trả nợ các công trình hoàn thành, chuyển tiếp từ các năm trước sang với số vốn bố trí chiếm phần lớn, tỉnh đã chủ động bố trí riêng nguồn lực một số nguồn vốn từ ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ có mục tiêu, doanh nghiệp ủng hộ... để bố trí các danh mục đầu tư mới theo Đề án xây dựng nông thôn mới. Trong đó đặc biệt quan tâm đến 2 nội dung trọng tâm là làm đường giao thông nông thôn và xây dựng lớp học mầm non, công vụ cho giáo viên, dự kiến bố trí khoảng 360 tỷ đồng. Số vốn bố trí đầu tư mới tuy chưa thể đáp ứng được so với nhu cầu đầu tư của đề án, song đã thể hiện sự chủ động, quyết tâm cao của tỉnh trong việc cân đối các nguồn lực do tỉnh quản lý. Do vậy, việc quản lý, sử dụng lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới để đạt được mục tiêu đề ra cần được tất cả các cấp, các ngành phối hợp và tổ chức thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả.
 
Để giải quyết những khó khăn trên, việc triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư, cơ chế lồng ghép, thực hiện vốn đầu tư theo Chương trình xây dựng nông thôn mới cần được các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc, đúng trình tự thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh. Dự kiến, Trung ương sẽ giao kế hoạch vốn đầu tư cho các địa phương 3 năm 2013 - 2015. Do vậy, các huyện, thành phố cần tập trung khẩn trương thực hiện rà soát đề xuất danh mục chuẩn bị đầu tư cho cả giai đoạn 2012 - 2015.
 
 
Ý kiến của bạn