BTĐKT - Du lịch Sóc Trăng đang có bước phát triển đột phá, trở thành điểm đến thân thiện cho du khách gần xa bởi hương vị ẩm thực độc đáo, danh lam thắng cảnh hữu tình và sự chân tình mến khách của cả 3 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa.
Ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: Là tỉnh có hơn 30% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, do đó các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer. Hiện Sóc Trăng có 44 di tích lịch sử - văn hóa (LSVH) được xếp hạng, trong đó có 08 di tích cấp quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh. Các di tích bao gồm: 26 di tích lịch sử cách mạng, 10 di tích kiến trúc nghệ thuật, 03 di tích lưu niệm danh nhân, 03 di tích chứng tích chiến tranh, 01 di tích lưu niệm Anh hùng liệt sĩ và 01 di tích thắng cảnh; 4 điểm du lịch cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng còn có 4 loại hình di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Đây chính là thế mạnh để tạo nên những điểm khác biệt khi xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Sóc Trăng.
Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã phát huy tốt giá trị truyền thống của các lễ hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu sinh hoạt, văn hóa tâm linh của xã hội, góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống của dân tộc. Lễ hội ở Sóc Trăng được coi là bức tranh đẹp trong toàn cảnh không gia văn hóa đa sắc màu của tỉnh có 03 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa cùng chung sống. Ở đây, lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu của các chủ thể mà còn là một sản phẩm văn hóa – du lịch đặc biệt hấp dẫn. Các lễ hội vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn những giá trị cổ truyền đặc sắc, ít bị lai tạp và chưa có có dấu hiệu của việc thương mại hóa hoặc lợi dụng lễ hội để tiến hành các hoạt động mê tín dị đoan nhằm trục lợi. Điều đó tạo nên sự hấp dẫn lôi cuốn với những người tham dự, nhất là du khách nước ngoài. Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Phạm Văn Đâu cho biết.
Việc đầu tư, xây dựng, tôn tạo các khu di tích lịch sử, các điểm đến du lịch đã được tỉnh chú trọng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Khách du lịch đã bắt đầu trở lại với Sóc Trăng
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, từ tháng 5/2020, lượng khách du lịch đã bắt đầu trở lại với Sóc Trăng. Mặc dù chưa đông nhưng đây cũng là một tín hiệu đáng mừng với ngành Du lịch. Để gỡ khó cho ngành Du lịch, Sở Vă hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh đã kêu gọi một số công ty du lịch, một số khách sạn, nhà hàng… có chương trình giảm giá cho du khách khi đến tham quan và lưu trú tại Sóc Trăng. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, gắn với việc đảm bảo an toàn cho du khách trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19…
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch đang được đầu tư, đổi mới và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỉnh luôn duy trì tham gia các sự kiện du lịch, tăng cường gặp gỡ, tư vấn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Kết quả, hiện tại có hơn 40 công ty lữ hành ở khu vực miền Bắc và 21 công ty lữ hành khu vực miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh đã bán tour đưa khách về Sóc Trăng. Trong đó, tour được nhiều du khách lựa chọn là “Cần Thơ- Sóc Trăng- Côn Đảo”.
Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Ngã Năm đã đăng ký giảm 20% cho khách hàng khi đăng ký sử dụng các dịch vụ và nhận được sự ủng hộ của du khách
Tỉnh cũng đẩy mạnh ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành; liên kết cụm phía Tây sông Hậu; liên kết cụm Bán đảo Cà Mau; liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); thành phố Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa; phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và huyện Cù Lao Dung, kết hợp vườn cây ăn trái huyện Kế Sách…
Đồng thời, việc xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch phục vụ du khách đến tham quan đã được tỉnh Sóc Trăng chú trọng, như: Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế đăng ký cho khách du lịch xem đua ghe Ngo, lễ Cúng Trăng, Lễ thả Đèn nước; dịch vụ xe điện phục vụ đưa khách tham quan thành phố Sóc Trăng; dịch vụ cho khách chèo xuồng tại chợ nổi Ngã Năm; …
Từ những kết quả đã đạt được, tỉnh Sóc Trăng ngày càng thu hút được nhiều du khách đến tham quan, tăng doanh thu cho ngân sách tỉnh. Năm 2019, tổng lượng khách đến Sóc Trăng là 2.400.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 90.000 lượt và tổng doanh thu đạt 1.020 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng khách lưu trú qua đêm cũng không ngừng tăng lên. Năm 2019 là 450.000 lượt, trong đó khách lưu trú quốc tế là 35.000 lượt, trong khi năm 2016 chỉ có 235.100 lượt, trong đó khách lưu trú quốc tế là 19.100 lượt.
"Những tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng có thể nói đây cũng là một khoảng thời gian để những người làm du lịch xem lại những vấn đề còn tồn đọng, còn chưa tốt để có kế hoạch thực hiện, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón khách vào 6 tháng cuối năm" - Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nhờ vậy, lĩnh vực du lịch, trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan du lịch đến Sóc Trăng ước đạt 449.000 lượt, đạt 22,8% kế hoạch năm, giảm 28,8% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 8.300 lượt, đạt 14,8% kế hoạch năm, giảm 35,6% so với cùng kỳ.
Theo ông Phạm Văn Đâu, du lịch Sóc Trăng đang có bước phát triển đột phá, trở thành điểm đến thân thiện cho du khách gần xa bởi hương vị ẩm thực độc đáo, danh lam thắng cảnh hữu tình và sự chân tình mến khách của cả 3 dân tộc Kinh – Khmer - Hoa.
Thời gian tới, cùng với việc triển khai thực hiện, đưa vào khai thác, phát triển du lịch cộng đồng, ngành Du lịch kỳ vọng cùng với du lịch tâm linh, hình thức du lịch miệt vườn sẽ góp phần thu hút du khách đến với Sóc Trăng nhiều hơn trong thời gian tới.
Hương Minh