Cà Mau: Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững

 432 lượt xem
Giai đoạn 5 năm (2015 - 2020), Cà Mau là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận, đánh giá cao. 

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo hàng năm được đưa vào Nghị quyết Tỉnh ủy; Nghị quyết HĐND tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thông qua đó nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người lao động, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng với ngân sách nhà nước, Sở đã phối hợp huy động nhiều nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo như: Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; vận động quỹ an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển về kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, về y tế, giáo dục…

    Các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh Cà Mau luôn thu hút nhiều lao động

Bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực phấn đấu, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân nên mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trang thiết bị dạy nghề được đầu tư; chương trình, nội dung đào tạo được cập nhật, đổi mới; các chính sách hỗ trợ, đào tạo người lao động đạt 104,79% kế hoạch. Hàng năm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và truyền nghề cho từ 35.000 đến gần 38.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thực hiện được tăng dần, ước đến cuối năm 2020 đạt 50%, đồng thời đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao của giai đoạn 2016 - 2020. Trung bình hàng năm tạo việc làm mới cho 39.000 lao động, trong đó đưa gần 800 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước; góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp giảm dưới 2,5%.

Hệ thống chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn; người nghèo tiếp cận được đầy đủ các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, tiếp cận thông tin… góp phần hỗ trợ người nghèo cải thiện một phần về điều kiện cuộc sống; một số chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ như chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận thông tin, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi… góp phần rất lớn cho công tác giảm nghèo theo hướng bền vững. Kết quả, sau 5 năm tỷ lệ giảm nghèo từ 9,94% (năm 2015) xuống còn 2,32% (cuối năm 2019). Ước thực hiện đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,87% (không bao gồm hộ nghèo chính sách BTXH) và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,7% (không bao gồm hộ cận nghèo chính sách BTXH); hiện nay tỉnh Cà Mau không còn hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Ngoài ra, với tinh thần trách nhiệm cao, trước nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, Sở, ngành đã đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch công tác để lãnh đạo công chức, viên chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, chủ động tham mưu, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ các chính sách về tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giáo dục đào tạo, tiền điện cho hộ nghèo; chăm sóc người cao tuổi, cứu trợ đột xuất…đều được triển khai thực hiện đồng bộ. Tổ chức nuôi dưỡng trên 800 đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội và trợ cấp thường xuyên trên 44.000 đối tượng tại cộng đồng. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả thông qua các chương trình, kế hoạch, dự án từ tỉnh đến cơ sở. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo, Sở đã ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách tài chính công; hiện đại hoá hành chính... làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Công tác quy hoạch, sắp xếp bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, trong đó quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức được thực hiện đẩy đủ, kịp thời. Sở cử nhiều lượt công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với kết quả đạt được, Cà Mau đã thực hiện vượt các chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo theo Kế hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau chia sẻ: Tình hình ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn), thiên tai, dịch bệnh ngày càng tác động mạnh đến công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo; gây khó khăn cho một số doanh nghiệp trong tỉnh phải tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất; số người lao động thất nghiệp ngày càng tăng cao, tiếp tục tạo sức ép lớn đối với công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhưng phần lớn là dạy nghề ngắn hạn; trình độ trung cấp và cao đẳng nghề còn thấp, chỉ đáp ứng lao động giản đơn cho phát triển nông thôn, doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Nguồn lực xã hội hóa đầu tư giáo dục nghề nghiệp, việc làm còn rất hạn chế, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Sức cạnh tranh việc làm của lao động còn hạn chế, chậm thích ứng với nhu cầu thị trường lao động ngoài nước. Công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới dự báo sẽ tăng cao, còn tình trạng tái nghèo, nghèo phát sinh; một bộ phận hộ nghèo còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng, ý chí và quyết tâm vươn lên thoát nghèo chưa cao...

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh cần tập trung huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo, tăng cường sự kết nối về đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%; mỗi năm tạo việc làm mới bình quân khoảng 40.000 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 2%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm bình quân 0.5%/năm./.

                                                                                                                                                                                                                      Lan Linh

 
Ý kiến của bạn