Thi đua xây dựng điểm đến lý tưởng cho người khuyết tật

 742 lượt xem
 

Trong giai đoạn 2015 - 2020, thực hiện lời dạy của Bác "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua...", Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức phát động thi đua trong toàn thể đơn vị theo quý, 6 tháng, năm và chuyên đề với mục tiêu, nội dung tiêu chí thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn và học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng xây dựng môi trường thi đua lành mạnh, gắn danh hiệu thi đua với quyền lợi của các đối tượng tham gia thi đua; xét tặng các danh hiệu thi đua hàng tháng, quý, năm công khai, minh bạch, bình đẳng, nghiêm túc.

Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An có chức năng, nhiệm vụ: Khám bệnh, điều trị, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ tự kỷ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi và đối tượng khác có nhu cầu; chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề đối với người khuyết tật; điều dưỡng người có công với cách mạng; phục hồi sức khỏe người cao tuổi; cung cấp các dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện có: 90. Trong đó: công chức: 02, viên chức: 72, người lao động: 16. Trình độ đào tạo: Sau đại học: 06 (6,6%), Đại học: 33 (36,6%), Cao đẳng 06 (6,6%), Trung cấp 32 (35,5%), sơ cấp, CN kỹ thuật, lao động phổ thông: 13 (14,3%). Trung tâm có 01 chi bộ đảng, 01 tổ chức công đoàn, 01 tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

                                       Trẻ em học nghề ở Trung tâm

Ông Trần Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thuỵ An cho biết: Ngay từ đầu mỗi năm, Giám đốc Trung tâm và Ban chấp hành Công đoàn phối hợp tổ chức phát động phong trào thi đua, ký kết giao ước thi đua tại Hội nghị cán bộ công chức, viên chức. Theo đó, có 100% phòng/khoa xây dựng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua, xác định chủ đề, mục tiêu, nội dung tiêu chí thi đua phù hợp với khả năng, điều kiện, hoàn cảnh; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, giữ gìn cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp; nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Trong 05 năm qua, ngoài việc phát động phong trào thi đua thường xuyên, Trung tâm còn tổ chức phát động nhiều đợt thi đua chuyên đề đã được toàn thể công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng như: phong trào thi đua xây dựng Trung tâm trở thành điểm đến lý tưởng cho người khuyết tật chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An (27/7/1976 - 27/7/2016); thi đua thực hiện phục hồi chức năng toàn diện; thi đua học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi đua xây dựng môi trường làm việc thân thiện; thi đua xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp hiệu quả; thi đua học tập nâng cao trình độ…

Kết quả các phong trào thi đua này được tập trung vào các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng điều trị, phục hồi chức năng về thể chất và tinh thần, xây dựng môi trường làm việc thân thiện và chuyên nghiệp, giúp người khuyết tật phục hồi những khiếm khuyết, phát huy hết khả năng để họ có thể tự phục vụ, học tập và lao động đóng góp cho gia đình, xã hội. Qua đó cũng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được các cấp khen thưởng, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng tại đơn vị.

Trung tâm chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, các phương pháp phục hồi chức năng tiên tiến, hiện đại. Hàng năm lưu lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng, dạy chữ, hướng nghiệp dạy nghề cho từ 290 đến 300 người khuyết tật. Khám, tư vấn trên 1000 người khuyết tật. Áp dụng phương pháp PHCN toàn diện và khép kín; cập nhật bổ sung kỹ thuật mới; chăm sóc toàn diện từ ăn, ngủ, nghỉ, tắm, giặt tận tình chu đáo, chất lượng cuộc sống của người khuyết tật ngày càng được nâng lên. Đã có nhiều bệnh nhân sau tai biến, sau chấn thương đã được điều trị, PHCN tốt, tiếp tục lao động và trở lại cuộc sống bình thường.

Mô hình giáo dục của Trung tâm đã giúp trẻ em khuyết tật có kiến thức văn hóa, kỹ năng sống để tự tin hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng của bản thân, ổn định cuộc sống lâu dài. Duy trì tốt công tác dạy văn hóa theo chương trình giáo dục đặc biệt, dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ em câm, điếc . Hàng năm có trên 150 học sinh tham gia 11 lớp học chuyên biệt. Tích cực bồi dưỡng năng khiếu, giúp các em phát huy tài năng và tham gia tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em theo học văn hóa hòa nhập cả 4 cấp, 5 năm qua đã có 06 em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học; 02 em học trung cấp chuyên nghiệp và 09 em tốt nghiệp PTTH.

Trung tâm là đơn vị công lập đầu tiên nghiên cứu, tiếp nhận can thiệp trẻ tự kỷ trước thực trạng trẻ tự kỷ gia tăng ở Việt Nam. Tổng số trẻ tự kỷ đến khám là 238; số trẻ tự kỷ được can thiệp tăng từ 20 trường hợp năm 2015 lên 55 trường hợp năm 2019. Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt, can thiệp ngoài trời. Định kỳ hàng tháng tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên trong khoa. Đặc biệt, phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức 09 lớp tập huấn cho gia đình đối tượng về kỹ năng chăm sóc, can thiệp trẻ tự kỷ.

Hiện nay, Trung tâm duy trì tốt 08 lớp học nghề truyền thống với trên 70 học sinh theo học như: may, thêu, đan, handmade, tin học, hoa lụa, sản xuất hương thơm, sản xuất tranh đá quý, tranh bút lửa. Trung bình mỗi năm người khuyết tật sản xuất được hàng ngàn sản phẩm. Sản phẩm của người khuyết tật làm ra đã được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt, hiện đang được bày bán tại hệ thống siêu thị Lan Chi. Hỗ trợ đào tạo, liên hệ việc làm cho 30 người khuyết tật.

Trung tâm tiếp tục tiến hành công tác xã hội cá nhân, nhóm và cộng đồng trợ giúp trẻ khuyết tật trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nghề nghiệp, tâm sinh lý. Kết nối thường xuyên với gia đình, người thân, các tổ chức, cá nhân phối hợp trợ giúp hiệu quả cho người khuyết tật trong PHCN. Hướng dẫn thực hành, kiểm huấn cho 151 sinh viên các cơ sở đào tạo chuyên ngành công tác xã hội và hàng ngàn học sinh, sinh viên tình nguyện.

Đồng thời, Trung tâm tích cực tổ chức thành công và ứng dụng có hiệu quả một số sáng kiến đề tài nghiên cứu khoa học như: xây dựng đề án phát triển Trung tâm đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030; triển khai đề án can thiệp trẻ tự kỷ; xây dựng giáo án bằng hình ảnh dạy cho trẻ khiếm thính; làm dụng cụ dạy học cho trẻ chậm phát triển trí tuệ; giới thiệu với gần 1000 tình nguyện viên nước ngoài ở nhiều quốc gia trên thế giới biết chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước đối với người yếu thế. Mỗi năm, Trung tâm kêu gọi được từ 80 - 100 tổ chức, vận động hàng ngàn người đến giao lưu, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, tặng quà… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người khuyết tật tự tin, hòa nhập cộng đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Trung tâm xác định đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Trung tâm PHCN người khuyết tật Thụy An trở thành một Trung tâm PHCN toàn diện, khép kín điển hình ở Việt Nam và khu vực, là điểm đến tin cậy cho người khuyết tật./.

                                                                                                                                                                                                           Lan Anh

 
Ý kiến của bạn