Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, đồng thời là tỉnh có diện tích lớn thứ 07 cả nước, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Lâm Đồng là tỉnh đi đầu của cả nước về nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để phát triển ngành hàng nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thì việc phát triển nông nghiệp thông minh là mục tiêu mà Lâm Đồng đang hướng đến.
Lâm Đồng tập trung phát triển nông nghiệp thông minh với ba lĩnh vực là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản được áp dụng công nghệ thông minh trong vài năm gần đây đã tạo ra những bước khởi đầu quan trọng làm tiền đề để nhân rộng trên nhiều đối tượng, vật nuôi khác trên địa bàn.
Thời gian qua, Lâm Đồng đã tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững. Những kết quả của phong trào đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X.
Tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng diễn ra vừa qua đã khẳng định: Phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới là một trong những phong trào thi đua trọng tâm của Lâm Đồng được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao, cũng như nhận được sự hưởng ứng tích cực, tạo ra sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.
Theo đó, ngành nông nghiệp của tỉnh thi đua tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới; tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5%; cơ cấu kinh tế ngành chiếm 40,3% cơ cấu kinh tế chung của toàn tỉnh; chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục đạt thành tích nổi bật với diện tích 60.200 ha, chiếm 20% diện tích canh tác, giá trị ước đạt trên 40% giá trị sản xuất toàn ngành.
Lâm Đồng là tỉnh tiếp tục dẫn đầu cả nước trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần đưa giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha, tăng 33,6 triệu đồng/ha so với năm 2015 (Nghị quyết 180 triệu đồng/ha). Công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tỉnh Lâm Đồng tập trung chỉ đạo thực hiện, trong 5 năm qua, toàn tỉnh trồng trên 12.000 ha rừng, 1,47 triệu cây phân tán, trồng xen cây lâm nghiệp trên 2.655 ha; giao khoán quản lý bảo vệ 434.053 ha rừng, chiếm tỷ lệ 80,8% diện tích rừng hiện có; giải tỏa được 1.200 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trồng lại rừng sau giải tỏa được 879 ha, góp phần nâng độ che phủ rừng từ 52,5% năm 2015 lên 55% năm 2020 (đứng thứ 06 cả nước và đứng thứ 02 khu vực Tây Nguyên). Việc xây dựng thương hiệu nông sản “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được chú trọng, đây là điều kiện đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và du lịch địa phương như rau, hoa, cà phê Arabica, du lịch canh nông được cấp nhãn độc quyền “Đà Lạt - kết tinh từ đất lành kỳ diệu”.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ tiên tiến như công nghệ sản xuất và công nghệ tưới, các quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch được áp dụng phổ biến trong sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic như: Trồng hoa của Công ty Dalat Hasfarm, Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt, Công ty TNHH Trường Hoàng và Công ty TNHH Hoa Mặt Trời; trồng rau, củ, quả của Công ty TNHH Phong Thúy… Đặc biệt, ngành sữa có Trang trại bò sữa Organic Đà Lạt ở huyện Đơn Dương được chứng nhận trang trại hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam.
Từ những nỗ lực trong triển khai thực hiện phong trào thi đua tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn khoảng 1,35%; tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 giảm bình quân 1%/năm; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90% (Nghị quyết 78-80%); tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia 76% (Nghị quyết 75-80%); tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn quốc gia về tế 98,6% (Nghị quyết 80%); có 87,5% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (Nghị quyết 80%). Các chỉ tiêu về dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (90%); dân cư đô thị sử dụng nước sạch (71%); tỷ lệ che phủ rừng (55%) đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.
Đặc biệt, đến giữa năm 2020, Lâm Đồng đã có 2 huyện được công nhân huyện nông thôn mới; có 95% xã (chiếm 85,6% số xã trong toàn tỉnh) được công nhận xã nông thôn mới. Con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh đến hết cuối năm 2020 với các huyện đã hoàn thành hồ sơ như Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Lâm Hà và các xã vùng sâu, vùng xa khác.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được người dân áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ tiên tiến
Với thế mạnh về nông nghiệp, tại Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường.
Xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) là vùng đất hội tụ nhiều điều kiện lý tưởng về cảnh quan tự nhiên, khí hậu và cả giá trị lịch sử để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch canh nông. Hiện nay, nhiều nông dân đã năng động ngoài phát triển nông nghiệp họ còn kết hợp để phát triển thêm loại hình du lịch trải nghiệm. Mặc dù hiện hình thức này mới manh nha, nhỏ lẻ nhưng đây cũng là hướng đi mà xã Xuân Trường đang hướng đến để phát triển ngành “công nghiệp không khói” làm thế mạnh của địa phương…
Xác định rõ để tạo được bước đột phá trong nông nghiệp, phát huy thế mạnh của địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường vụ huyện ủy Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã có Nghị quyết 06-NQ/HU về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ, kỹ thuật cao gắn với phát triển thương mại- dịch vụ và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, cùng với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện Đức Trọng có 29.139 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 5.000 hộ sản xuất nông nghiệp kể cả trồng trọt và chăn nuôi tham gia các hình thức liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Toàn huyện có trên 10.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Những năm qua, huyện Đức Trọng đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Dự án JICA về phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, tái canh cây cà phê, chuyển đổi lúa 1 vụ… Từ sự quyết liệt của các đơn vị đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm trong nhân dân. Nhờ vậy, các sản phẩm nông nghiệp ở Đức Trọng hiện không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn có mặt tại các thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… và hướng tới xuất khẩu.
Thanh Lan