Xuất phát từ tâm nguyện của mình, suốt 10 năm nay, ông Đào Văn Quân, thôn Yên Từ, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, Hà Nam vẫn miệt mài đi tìm thân nhân liệt sĩ.
Ông Đào Văn Quân tham gia quân ngũ từ năm 15 tuổi. Theo Lệnh tổng động viên, ông đầu quân cho Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, chiến đấu từ chiến trường Khe Sanh đến Đông Hà, Quảng Trị,... rồi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1978, rời quân ngũ trở về quê hương nhưng ký ức về những người đồng đội hy sinh luôn khiến ông day dứt.
Ông Đào Văn Quân
Sau những lần gặp mặt những người đồng đội cũ, năm 2007, khi được thủ trưởng cũ gặp gỡ và trò chuyện và trao đổi về việc tìm thân nhân cho liệt sĩ của đơn vị, ông đã tình nguyện nhận nhiệm vụ này. Ông nghĩ, đây không chỉ là trách nhiệm của những người còn sống đối với những đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, mà đây còn là sự tri ân của mình với các Anh hùng liệt sĩ. Nhiệm vụ của ông lúc đầu là kết nối tìm người thân cho liệt sĩ của đơn vị thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, nhưng sau này càng ngày càng nhận được nhiều thông tin về mộ liệt sĩ ở nhiều đơn vị khác và ở khắp các địa phương trong cả nước. Ông ghi chép lại cẩn thận. Đến nay, ông đã có tập danh sách dài đến hàng trăm, hàng nghìn liệt sĩ ở khắp các địa phương trong cả nước. Những tờ giấy lưu thông tin liệt sĩ ấy đã úa màu thời gian được ông cất giữ rất cẩn thận.
Ông không quản ngại xa xôi, vất vả, sẵn sàng lên đường khi cần thiết. Gặp ai ông cũng dặn: Nếu có thông tin gì về liệt sĩ, gia đình liệt sĩ thì liên hệ với ông theo số điện thoại 0947.347.590, bất cứ lúc nào ông cũng sẵn lòng...
Ông Quân từ tốn cho biết: Việc tôi làm không to tát gì, chỉ xuất phát từ đáy lòng và cũng là tâm nguyện của tôi - một người lính may mắn được trở về từ cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Trong thâm tâm tôi luôn day dứt rằng bao đồng đội của tôi nằm lại nơi chiến trường, người thì rõ danh tính, người không rõ danh tính, có người đã được người thân gia đình tìm và đưa về an nghỉ nơi quê nhà, nhưng cũng còn rất nhiều người còn nằm đó, gia đình chưa kết nối được. Với mong muốn tìm lại được người thân cho các Anh hùng liệt sĩ, tôi đã tìm mọi cách để thông tin về đồng đội của tôi tới gia đình, địa phương, để các liệt sĩ còn nằm ở đâu đó nơi chiến trường xưa được trở về bên gia đình, quê hương.
Nói về các cuộc hành trình của mình, ông Quân chưa từng ca thán về sự khó khăn vật chất mà chỉ là những khó khăn do khách quan đem lại. Có nhiều địa chỉ do địa giới hành chính thay đổi nhiều lần, một số làng, xã tách, nhập thay đổi tên gọi khiến việc tìm đúng địa chỉ người thân liệt sĩ mất rất nhiều thời gian. Rồi có những gia đình ở quá xa, ông không thể trực tiếp đến được, ông tìm mọi cách để có thể liên lạc, trao đổi thông tin qua đường bưu điện. Ông nhẩm tính, trung bình mỗi năm, ông có thể trao đổi thông tin tìm kiếm tới khoảng gần 200 gia đình, thân nhân liệt sĩ. Mỗi khi tìm được gia đình, người thân cho các liệt sĩ, ông rất vui và như có thêm động lực để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Chính vì thế, dù đã 63 tuổi, nhưng nhiệt tình ấy trong ông không hề suy giảm.
Với đồng lương ít ỏi (lương thương binh hạng 3), cơ bản ông tiết kiệm để chi phí cho việc này, cộng với vợ con cũng phải hỗ trợ thêm. “Cũng may có vợ con hiểu, thông cảm và hỗ trợ nhiều nên tôi đã hoàn thành được tâm nguyện của mình, cảm thấy lòng rất thanh thản. Còn khỏe ngày nào, tôi sẽ tiếp tục kết nối thông tin, tìm kiếm gia đình, người thân cho những đồng đội của mình” - ông Quân trải lòng.
Ngọc Anh