Cô giáo người dân tộc thiểu số Hrê yêu nghề

 273 lượt xem
 

           Nghĩ đến những đứa trẻ trong làng nhem nhuốc, chỉ quẩn quanh với bếp lửa hay lẽo đẽo theo bố mẹ lên nương… cô gái trẻ Đinh Thị Hồng Linh, sinh năm 1993 đã phấn đấu đạt được mơ ước – trở thành một cô giáo nuôi dạy trẻ. Hiện nay, đang công tác tại trường Mầm non An Dũng, huyện An Lão - vùng núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Định, cô Linh luôn yêu nghề. Với cô, mỗi ngày, được nhìn thấy các em học sinh đến lớp đông đủ chính là niềm vui, động lực to lớn để tiếp tục nghề gieo chữ. Cô là một trong 63 gương thầy cô giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

          Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ phải làm việc vất vả nuôi các con khôn lớn. Năm 2011, biết tin mình đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương I (Hà Nội), chuyên ngành Mầm non, Hồng Linh vừa vui, vừa thấp thỏm lo lắng. Bởi gia cảnh khó khăn, liệu có thể đi đến đích của ước mơ? May mắn vì thương con, bố mẹ cô quyết tâm, cố gắng bằng mọi cách tạo điều kiện cho con gái đi học.

                             Cô Linh đang giúp các học sinh tập tô đúng nét

            Thời gian đầu khi mới xuống Thủ đô, Đinh Thị Hồng Linh phải chật vật với cuộc sống xa nhà. Mọi thứ đều mới mẻ, bỡ ngỡ nhưng sau rồi dần quen, cô gái trẻ thích nghi và bắt nhịp với cuộc sống nơi đây. Tuy xa nhà, xa bố mẹ, người thân nhưng bù lại, Hồng Linh được học tập và trải nghiệm ở môi trường mới, gặp những người bạn cùng chí hướng, được thầy, cô khai sáng tâm trí. Đó là điều hạnh phúc vô cùng.

          Để trang trải cuộc sống, có tiền đóng học phí, Hồng Linh vừa đi học vừa làm thêm vào những ngày cuối tuần. “Lắm lúc mệt rã rời nhưng lại thấy mình may mắn, tự hào vì sự cố gắng của bản thân, quan trọng hơn là tôi đã đỡ đần một phần nào cho bố mẹ ở nhà”, Linh chia sẻ.

          Hồng Linh luôn cố gắng học tập để không phụ lòng bố mẹ. Ngành học Mầm non tưởng chừng dễ nhưng càng học, cô gái trẻ nhận ra không hề đơn giản. Theo đuổi sự nghiệp này, đòi hỏi những cô giáo mầm non tương lai phải quý trẻ, yêu nghề, kiên nhẫn, biết kiềm chế, có tinh thần trách nhiệm cao và hết sức bao dung. Bao nhiêu lần tưởng chừng phải dừng lại nhưng rồi Hồng Linh đã chạm tới ước mơ của mình. “Nghĩ đến những đứa trẻ trong làng nhem nhuốc, chỉ quẩn quanh với bếp lửa hay lẽo đẽo theo bố mẹ lên nương… tôi thương mà càng cố gắng vươn lên”, cô Linh xúc động nhớ lại.

          Kể lại những ngày về quê thực tập tại trường Mầm non An Lão, Linh nhớ như in: Khi bước vào cổng trường, khi ấy mình vừa hồi hộp, vừa lo lắng nhưng thấy các em nhỏ ở đây rất dễ thương, gần gũi khiến tôi càng yêu nghề giáo.

          Năm 2013, tốt nghiệp ra trường, Hồng Linh được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Lão, tỉnh Bình Định bố trí công tác tại trường Mẫu giáo An Dũng, xã An Dũng - nơi cô giáo người Hrê sinh ra và lớn lên. Vậy là Hồng Linh chính thức được dạy những con chữ đầu tiên cho đồng bào mình.

          An Dũng là một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Người dân nơi đây phần lớn là người dân tộc thiểu số Hrê, chủ yếu làm nông, trình độ dân trí thấp. Địa hình quanh co, người dân sống dọc theo hai bên bờ sông và dưới chân núi. Giao thông đi lại không thuận tiện, có sông nhưng không có cầu. Đến mùa mưa, học sinh ở bên kia sông phải nghỉ học vì không có cầu qua lại. Có những hôm, cha mẹ các em đi làm xa không về kịp để đón con, cô Linh phải cõng từng em qua sông để trở về nhà.

                             Một tiết học sôi nổi của cô Linh cùng học sinh

           “Do người dân ở đây thường phải đi làm ăn xa, để con ở nhà với ông bà (là những người cao tuổi) nên không đưa được các em đến trường. Vì vậy cô Linh và các thầy, cô giáo phải vào tận nhà đón các em đến lớp và đến chiều sẽ đưa các em về”, cô Linh chia sẻ.

           Trường học thì không đủ phòng nên nhà trường phải mượn nhà văn hóa thôn cho giáo viên dạy học. Trong thời gian gần đây, theo quy hoạch của tỉnh, An Dũng là vùng nằm trong dự án hồ chứa nước Đồng Mít. Các hộ dân phải di dời đi nơi khác. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tâm lý phụ huynh và việc học của học sinh… Đặc biệt, trong năm vừa rồi, dự án bắt đầu xây dựng thì càng thêm khó khăn cho nhà trường và nhân dân.

          Dù nhiều trở ngại là vậy nhưng cô Hồng Linh và học trò chưa bao giờ từ bỏ mà vẫn nỗ lực dạy tốt, học tốt. Ngoài các hoạt động dạy học, cô và trò tham gia các cuộc thi do ngành tổ chức như: “Bé năng động cùng Aerobic cấp huyện”, “Bé yêu tiếng Việt cấp huyện”… Trong nhiều năm liên tiếp, các em đều đoạt giải cao. Học trò ở đây là người dân tộc thiểu số nhưng rất mạnh dạn, tự tin khi được tham gia và thi tài với các bạn trường khác trong huyện.

           Trong quá trình công tác tại trường, với học sinh, cô Linh luôn luôn tận tâm hướng dẫn, dạy bảo cho các em. Trong chuyên môn, cô luôn cố gắng học hỏi, tìm tòi những tài liệu bổ ích để bổ sung kiến thức. Cô tham gia các cuộc thi như: Giáo viên dạy giỏi cấp trường, giáo viên dạy giỏi cấp huyện đều đoạt giải. Cô Đinh Thị Hồng Linh còn tham gia các cuộc thao giảng do trường tổ chức đặc biệt là thao giảng cụm để các trường bạn cùng đến tham dự, trao đổi học tập chuyên môn.

          Được nhà trường phân công làm Bí thư Chi đoàn trường, cô giáo trẻ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động phong trào, giúp đỡ học sinh và người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn. “Hằng năm đến dịp các ngày lễ hội quan trọng, chúng tôi đều trao những phần quà ý nghĩa cho các em, kết hợp với Đoàn xã tham gia phong trào giúp dân làng như: Quét dọn đường làng, gói bánh tét, phối hợp làm cầu cho người dân và học sinh bên kia sông đi lại dễ dàng…

          Trong quá trình công tác, cô Đinh Thị Hồng Linh được Đoàn xã, Liên đoàn Lao động và Ủy ban Nhân dân huyện tặng giấy khen. Năm học vừa qua, cô giáo 9X đã tham gia cuộc thi “Tìm hiểu đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và trẻ tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020” đoạt giải Ba…

          Cô Đinh Thị Hồng Linh là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng Thầy Cô” năm 2020 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long thực hiện, nhằm vinh danh các các giáo viên là người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

          Ghi nhận và biết ơn các thầy, cô giáo đang giảng dạy tại những nơi khó khăn của đất nước. Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long cho biết, các thầy cô giáo đang là những người khơi dậy niềm đam mê và cảm hứng sáng tạo của học sinh, là người dẫn dắt và đồng hành cùng các em trên hành trình chinh phục tri thức. Thiên Long gọi đó là: Thế hệ giáo viên mới. “Đó là thế hệ thầy giáo, cô giáo có tinh thần xung kích, không ngại khó khăn gian khổ vì học sinh thân yêu; Đó là thế hệ thầy cô giáo luôn tiếp nhận cái mới trong giáo dục, không ngừng cập nhật thông tin và áp dụng công nghệ trong việc dạy và học; Đó là thế hệ thầy giáo, cô giáo có những sáng kiến, mô hình, công trình nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy học sinh; Đó là thế hệ thầy cô ngoài việc dạy kiến thức ở trường, còn gợi mở tư duy, kể chuyện thực tế cuộc sống, rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh”, ông Trịnh Văn Hào nói.

                                                                                                                                                                                                                  Ngọc Anh

 
Ý kiến của bạn