Mới đây, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) long trọng tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần V và đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Đại hội Thi đua yêu nước ĐHQG-HCM lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025 với những nhiệm vụ trọng tâm là: Tổng kết, đánh giá những thành quả đã đạt được, những ưu, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong thời gian tới.
Đại hội cũng là dịp để tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc đại diện cho gần 6.000 cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống toàn ĐHQG-HCM.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những năm qua, ĐHQG-HCM đã có nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, phù hợp với đặc thù của một cơ sở giáo dục đại học hàng đầu cả nước.
Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn và Đoàn Thanh niên ĐHQG-HCM đã quan tâm, chỉ đạo và đổi mới công tác tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong toàn hệ thống. Các đơn vị, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh đã phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo trong việc tham gia các phong trào thi đua gắn liền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị 05 năm qua.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới cho ĐHQG-HCM vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2009- 2019.
5 năm qua, thực hiện phong trào thi đua yêu nước, toàn hệ thống ĐHQG TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động như: Triển khai thành công đề án đào tạo theo CDIO được áp dụng ở 5 trường thành viên, 29 khoa, 62 ngành đào tạo trình độ đại học; dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế với 66 chương trình được đánh giá và công nhận đạt chuẩn, 02 trường đại học đã đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á; là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều năm liền, ĐHQG TPHCM xuất hiện trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới.
Hiện nay, ĐHQG-HCM là một trong những cơ sở giáo dục đại học lớn nhất Việt Nam với 07 trường đại học, 01 viện nghiên cứu khoa học thành viên và gần 30 đơn vị trực thuộc bao gồm các khoa, viện, trung tâm có chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng và tổ chức các dịch vụ. ĐHQG-HCM có tổng số gần 6.000 cán bộ, viên chức, trong đó, đội ngũ nhà khoa học gồm: Khoảng 4.000 giảng viên, nghiên cứu viên trong đó có hơn 400 giáo sư, phó giáo sư; 1.300 tiến sĩ. ĐHQG-HCM hiện đang đào tạo khoảng 70.000 sinh viên đại học chính quy, khoảng 6.500 học viên cao học và 1.200 nghiên cứu sinh.
Hiện trường dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế; liên tục cải thiện thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế uy tín; chất lượng nghiên cứu, đào tạo được giới học thuật và nhà tuyển dụng đánh giá cao; đa dạng hóa hình thức chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng hiệu quả, ĐHQG-HCM tiên phong triển khai thí điểm các mô hình, công nghệ mới trong giáo dục, đào tạo như: Mô hình CDIO cho chương trình đào tạo... Đi đầu trong công tác đổi mới tuyển sinh đại học với Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM, xây dựng và phát triển nhiều ngành đào tạo mới, làm đa dạng, phong phú ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Cùng với đó, ĐHQG-HCM là đơn vị tiên phong cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn quốc tế, đứng trong top 701-750 của bảng xếp hạng QS World 2020, xếp hạng thứ 143 trong bảng xếp hạng QS Asia 2020, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế với 66 chương trình gồm ABET, AUN-QA, ICT, FIABAA, ACBSP.
Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM xây dựng và khẳng định vị thế đại học theo định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Đến nay, ĐHQG-HCM đã hình thành một hệ thống 60 phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình KH&CN trọng điểm. Công bố khoa học luôn tăng nhanh về số lượng lẫn chất lượng, được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá tốt hơn về chất lượng của các công bố, thể hiện qua sự gia tăng chỉ số IF trung bình: từ 1.49 năm 2006 lên 2.06 năm 2013 và lên 2.3 năm 2017…
Lĩnh vực phục vụ cộng đồng cũng được triển khai toàn diện và đạt kết quả cao. Đến nay, ĐHQG-HCM đã hình thành được mạng lưới doanh nghiệp lớn đồng hành cùng ĐHQG-HCM và các trường đại học thành viên…
Với những nỗ lực trong thời gian qua, tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, ĐHQG-HCM vinh dự được trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tại Đại hội, 23 tập thể và 31 cá nhân được trao tặng Bằng khen của ĐHQG-HCM. Đại hội cũng thông qua Danh sách đại biểu đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và trên trường quốc tế, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua, khen thưởng để thi đua thật sự trở thành động lực to lớn của cả tập thể, của từng cán bộ, viên chức, thầy cô giáo của ĐHQG –HCM, gắn cụ thể với thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Ngọc Anh