Không chỉ đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, chị Nguyễn Thị Chiếm (sinh năm 1964, ở thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) còn cho hàng trăm chị em khó khăn vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật để cùng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Bước vào thời kỳ đổi mới công cuộc xây dựng đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã như một làn gió mới tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc trong sản xuất và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các ngành kinh tế phát triển, trong đó có sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Cũng từ đây, các cấp, các ngành đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động được các cấp hội và các hội viên nông dân tích cực hưởng ứng.
Chị Chiếm may mắn được sinh ra và lớn lên trên quê hương Lục Ngạn, là huyện miền núi có điều kiện thời tiết và khí hậu thuận lợi về phát triển đa dạng cây ăn quả. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền cùng với sự nỗ lực cố gắng của người nông dân, Lục Ngạn đã trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Bắc Giang với các loại cây ăn quả đa dạng như: vải thiều, nhãn, cam, bưởi… Trong đó, cây vải thiều là cây chủ lực, quan trọng trong xoá đói giảm nghèo cho người dân. Bên cạnh đó, cây vải thiều cũng đặt ra cho người dân nơi đây những khó khăn thách thức. Những câu hỏi: Làm thế nào giảm được tính thời vụ, việc sử dụng lao động dôi dư sau thời vụ cây vải và làm thế nào để mở rộng quy mô sản xuất, từng bước thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương?... luôn thường trực, thôi thúc và đã trở thành động lực của chị Chiếm và gia đình.
Chị Nguyễn Thị Chiếm thu hoạch cam tại trang trại của gia đình
Được sự giúp đỡ của người thân và các ngành đoàn thể, năm 2009, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đang trồng vải thiều sang trồng cây cam ngọt và cam lòng vàng… Năm 2010, vườn cam nhà chị đã cho thu hoạch 350 triệu đồng. Không dừng lại ở thu nhập đó, năm 2011, vườn cam nhà chị vừa được mùa, vừa được giá nên thu được tổng số tiền trên 1,1 tỷ đồng. Các năm tiếp theo, vườn cam của gia đình chị cho thu nhập từ 2 đến 3 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, gia đình chị đang canh tác 8ha cây ăn quả có múi.
Trong suốt quá trình sản xuất, chị đã tích cực học hỏi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap do Hội Nông dân phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức cho hội viên, nông dân. Là hộ trực tiếp sản xuất, hằng năm cung cấp ra thị trường hằng trăm tấn trái cây hàng hoá, chị Chiếm luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc sản xuất phải bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng. Chị nghĩ, chất lượng thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng và chính bản thân gia đình mình mà nó còn ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản và sự phát triển bền vững vùng cây ăn quả của huyện. Do đó, chị luôn tích cực tuyên truyền và vận động đến mọi người xung quanh sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm và ký cam kết với Hội Nông dân các cấp về sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, đấu tranh với các hành vi thiếu trách nhiệm trong sản xuất gây mất an toàn thực phẩm, trục lợi vì lợi ích cá nhân.
Chị bảo, có được như ngày hôm nay vì chị luôn có sự quan tâm đồng hành của các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chị tự ý thức được trách nhiệm của bản thân và gia đình với cộng đồng và xã hội. Học theo lời Bác dạy “dân giàu thì nước mạnh”, gia đình chị luôn hưởng ứng các chương trình và các phong trào của địa phương phát động như: Ủng hộ Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn; chương trình xây dựng nông thôn mới; làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ tết người nghèo với số tiền trên 100 triệu đồng; hướng dẫn hội viên nông dân có những tư duy, cách làm mới trong lao động, sản xuất; mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Bản thân chị đã giúp đỡ trên 100 lượt anh, chị em khó khăn thiếu vốn sản xuất với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng không lấy lãi, đồng thời tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 05 lao động với mức thu nhập 05 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, vào mỗi mùa vụ thu hoạch cây ăn quả, gia đình chị tạo việc làm cho 15 đến 20 lao động, tạo điều kiện để chị em phát triển kinh tế gia đình, tình làng nghĩa xóm ngày thêm gắn bó.
Với những thành tích đạt được, năm 2015, 2017, chị được Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen; năm 2016 đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2012 - 2016; được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2020, chị được Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen.
Tuy nhiên, tâm sự với chúng tôi, chị Chiếm cho biết vẫn còn nhiều băn khoăn. Cụ thể, trong canh tác, còn có nhiều hộ nông dân lạm dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật nên dịch bệnh phát sinh và lây lan rất nhiều, có nguy cơ đe dọa đến sự phát triển lâu dài của vùng cây ăn quả. Về tổ chức sản xuất của nông dân còn manh mún, tự phát, chưa có sự liên kết thống nhất quản lý, chỉ đạo giám sát nhiều từ các tổ chức kinh tế như: HTX, Tổ hợp tác,… Sản xuất chưa thật sự gắn với bảo vệ môi trường, còn một số hộ nông dân sản xuất chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng hoá sản xuất ra thị trường chưa rõ về truy xuất nguồn gốc, sản xuất còn mang tính tự phát, chưa có cơ chế gắn trách nhiệm của chủ hàng, người sản xuất với cộng đồng và người tiêu dùng.
Chị Chiếm mong rằng trong thời gian tới, các cấp uỷ chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước hơn nữa để xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng tươi đẹp hơn.
Hoàng Mai