Đó là lời khẳng định của Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Bạc Liêu (thuộc Sở Nội vụ) về công tác thi đua - khen thưởng năm 2012. Việc đi vào thực chất này xuất phát từ một thực tế tồn tại từ nhiều năm qua: Khen thưởng phần lớn chỉ dành cho cán bộ, công chức Nhà nước và lãnh đạo được khen nhiều hơn người trực tiếp lao động sản xuất!
Ông Phạm Hoàng Bê, Chủ tịch UBND tỉnh trao cờ thi đua xuất sắc cho các đơn vị hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua năm 2011.
Cán bộ khen nhiều, người lao động khen ít
Theo báo cáo công tác thi đua khen thưởng tỉnh, trong năm 2011, toàn tỉnh có trên 220 cá nhân và tập thể được nhận cờ thi đua, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động các hạng, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và hàng ngàn tập thể, cá nhân được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, tập thể lao động xuất sắc, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, chiếm phần lớn trong số các cá nhân, tập thể được khen thưởng lại là lãnh đạo đơn vị đến cấp trưởng, phó phòng, người lao động, trực tiếp sản xuất chỉ chiếm một con số khiêm tốn.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Tạ Hoàng Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh thì chủ yếu là do tâm lý nể nang trong tập thể cơ quan, đơn vị, chú trọng khen thưởng từ cán bộ lãnh đạo xuống tới cấp phòng chứ chưa đánh giá đúng người lao động bình thường hoặc trực tiếp lao động, sản xuất. Không chỉ khen thưởng nhiều cho cán bộ lãnh đạo mà việc “du di”, nể nang nhau cũng dẫn đến số lượng khen thưởng quá nhiều, chưa thể hiện được thực chất.
Trong khi Luật Thi đua - khen thưởng đã khẳng định thành tích tới đâu khen tới đó thì thực tế, nhiều thành tích đáng phải qua sự thẩm định chắc chắn của Hội đồng Khoa học cơ sở lại được xét một cách dễ dàng. Điều này dẫn đến số lượng chiến sĩ thi đua cấp cơ sở luôn chiếm số đông nhưng không phải ai cũng có những sáng kiến, thành tích nổi bật.
Phải đăng ký thi đua thì mới xét khen thưởng
Ông Tạ Hoàng Nhiệm cho biết, UBND tỉnh sẽ có công văn và Sở Nội vụ có hướng dẫn yêu cầu các cơ quan tỉnh, huyện, thành phố trong tỉnh đến ngày 15/3/2012 phải đăng ký thi đua để được xét khen thưởng cuối năm. Đồng thời mỗi đơn vị, địa phương cũng phải có kế hoạch phát động phong trào thi đua với những chỉ tiêu định tính, định lượng, không thể nói chung chung. Đặc biệt, kế hoạch đăng ký thi đua phải có sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh.
Với trách nhiệm của mình, Ban Thi đua - khen thưởng cũng sẽ “xiết chặt” hơn công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua - khen thưởng ở các đơn vị, địa phương để có sự đôn đốc kịp thời, chứ không chỉ là thẩm định hồ sơ khen thưởng như trước đây.
Không chỉ phát động trong các cơ quan, đơn vị Đảng, Nhà nước, phong trào thi đua cũng sẽ được mở rộng đến các hộ dân, doanh nghiệp để khuyến khích cho các thành phần khác trong việc thực hiện các phong trào thi đua lao động, sản xuất. Các hội, đoàn thể có trách nhiệm phát động thi đua về các mô hình tiêu biểu, tổ hợp tác… trong đối tượng của mình và sẽ có tiêu chí xét thi đua riêng để đảm bảo người trực tiếp lao động, sản xuất cũng được khen thưởng một cách công bằng. Với đối tượng là doanh nghiệp, tỉnh cũng đang xây dựng một quy chế với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều có thể đăng ký thi đua, đến cuối năm thì được xét khen thưởng như các cơ quan công quyền khác.