TĐKT - Thiết thực chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, nhằm tạo không khí thi đua phấn khởi trong đông đảo nhân dân, các tầng lớp xã hội, tối 9/12, tại Cung Thể thao Điền kinh Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tiểu ban Tuyên truyền Đại hội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty CP Truyền thông và Giải trí Thắng Lợi và các doanh nghiệp đồng hành tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật với chủ đề "Thi đua là yêu nước".
Các đại biểu dự chương trình
Tới dự, có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương; thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, thành viên Ban Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và hơn 2000 đại biểu dự Đại hội.
Với chủ đề "Thi đua là yêu nước", chương trình là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X
Nội dung chương trình nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân ta trong 75 năm qua gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, đặc biệt là kết quả các phong trào thi đua yêu nước trong những năm gần đây, nêu bật những thành tựu phát triển của đất nước trên các lĩnh vực để làm rõ nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Đồng thời, chương trình cũng hướng tới tôn vinh, biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình trong phong trào thi đua yêu nước những năm gần đây.
Chương trình diễn ra với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, tái hiện lịch sử đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước trong 75 năm qua gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước
Ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước.
Trong lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá”. Mục đích của thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, toàn dân đủ ăn mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn.
Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Đảng, nhân dân ta luôn quán triệt và không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo tồn, phục hưng và phát triển đất nước, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.
Với chủ đề thi đua "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 2015 - 2020, các ngành, các cấp đều hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có tác động lan tỏa rộng khắp, liên tục trên tất cả các lĩnh vực. Tiêu biểu là 4 phong trào thi đua trọng tâm, trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ phát động: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Cùng với đó là các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; "Dạy tốt, học tốt”; "Thi đua quyết thắng”, "Vì an ninh Tổ quốc”, "Vì Trường Sa, Hoàng Sa”, "Dân vận khéo”…
Các phong trào đã được các cấp, các ngành, các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện, đặc biệt là được sự hưởng ứng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp thời kỳ Công nghiệp 4.0, an sinh xã hội được bền vững, nông nghiệp, nông thôn khởi sắc, tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế.
Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng đã ngày một hoàn thiện, bám sát yêu cầu của thực tiễn đất nước và đi vào cuộc sống, góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng. Công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương "người tốt, việc tốt”, các mô hình, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các anh hùng, chiến sĩ thi đua được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội. Công tác khen thưởng đảm bảo theo các quy định của pháp luật…
Phương Thanh