MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VỀ HOẠT ĐỘNG CÁC CỤM THI ĐUA GIAI ĐOẠN 2006- 2012

 10075 lượt xem
(BTĐKT)-Sau khi Luật Thi đua, Khen thưởng được ban hành, từ năm 2006 Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã tham mưu cho Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương hướng dẫn tổ chức hoạt động Khối, Cụm thi đua cho các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo Hướng dẫn số 937/BTĐKT-VI ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. 

Đây là cách làm khá mới mẻ trong tổ chức phong trào thi đua trên cơ sở tạo ra những khu vực, lĩnh vực và địa bàn tương đối phù hợp về khả năng và điều kiện cho các đơn vị cùng tham gia giao ước và tổ chức phong trào thi đua. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, hoạt động của các Cụm thi đua đã dần đi vào nền nếp. Những nhìn nhận, đánh giá dưới đây chủ yếu liên quan tới hoạt động các cụm thi đua các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Năm 2009, sau 3 năm tổ chức mô hình Cụm thi đua, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã tổ chức hội thảo nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Cụm thi đua. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Cụm thi đua, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 1349/BTĐKT-VI ngày 01 tháng 7 năm 2009 thay thế Hướng dẫn 937/BTĐKT-VI. Về cơ bản Hướng dẫn 1349/BTĐKT-VI đã quy định cụ thể hơn về thang bảng điểm cho từng nội dung thi đua, trên cơ sở một số tiêu chí thi đua cơ bản; trong đó nhấn mạnh các tiêu chí thi đua trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong năm; quy định cụ thể số lượng đơn vị bình xét Cờ Thi đua của Chính phủ, thời gian sơ kết, tổng kết Cụm thi đua. Và để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Cụm thi đua, ngày 30 tháng 6 năm 2011, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục ban hành Hướng dẫn số 1122/BTĐKT-VI nhằm điều chỉnh những nội dung cho phù hợp hơn nữa với hoạt động Cụm, Khối thi đua trong tình hình mới; quy định cụ thể hơn về vai trò của Cụm trưởng, Cụm phó, điều chỉnh một số tiêu chí thi đua và thống nhất bảng chấm điểm thi đua trong hoạt động của Cụm thi đua các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giúp hoạt động Cụm thi đua ngày càng thiết thực và hiệu quả. 
 
Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phân công các thành viên phụ trách, chỉ đạo, tham dự và giám sát hoạt động các Cụm thi đua. Hàng năm Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch để các thành viên của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đi kiểm tra, giám sát việc tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng tại các địa phương. Các thành viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương cũng tham dự, chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức các hội nghị sơ kết và tổng kết của các Cụm thi đua. 
 
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thường xuyên tham dự các hội thảo chuyên môn và tập huấn nghiệp vụ do Cụm thi đua và các địa phương tổ chức; từ đó nắm bắt kịp thời những phát sinh, vướng mắc trong quá trình hoạt động Cụm thi đua để chủ động giải quyết hoặc tham mưu cho Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương các giải pháp khắc phục.
 
Về hoạt động các Cụm Thi đua hiện nay: 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành 09 Cụm thi đua. Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các Cụm thi đua đã xây dựng kế hoạch hoạt động Cụm; trên cơ sở đó ban hành các tiêu chí thi đua, cơ cấu điểm thi đua và bàn, thống nhất thang bảng điểm thi đua. Thang điểm thi đua do Cụm xây dựng dựa trên nguyên tắc chung của các tiêu chí thi đua do Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương hướng dẫn và có điều chỉnh nhất định cho phù hợp với đặc thù của các địa phương trong Cụm. Sau mỗi năm, các Cụm đều chủ động thống nhất điều chỉnh tiêu chí theo nhiệm vụ chính trị của các địa phương. Cơ cấu điểm cũng thay đổi theo nhiệm vụ chính trị hàng năm và theo đặc thù của từng cụm như chỉ tiêu tăng trưởng, an toàn giao thông, quản lý đô thị (Cụm 5 thành phố); chỉ tiêu an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, độ che phủ rừng (Cụm Tây Nguyên, cụm 7 tỉnh Biên giới phía Bắc,…); chỉ tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế (Cụm 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng,..)… những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hơn sẽ được tính điểm thi đua cao hơn. 
 
Đơn vị được phân công Cụm trưởng hàng năm thực hiện việc xây dựng kế hoạch hoạt động của Cụm thi đua; tổ chức phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua giữa các địa phương trong Cụm; tổ chức sơ kết, tổng kết Cụm và những nội dung theo chỉ đạo của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Tại các Cụm thi đua, cùng với xây dựng kế hoạch hoạt động, thống nhất bảng điểm, đều rà soát lại quy chế cũ, sửa đổi bổ sung, thống nhất, hoàn chỉnh và ban hành quy chế hoạt động của năm tiếp theo. Các Cụm thi đua đều tổ chức các đoàn trao đổi kinh nghiệm thường xuyên như Cụm thi đua 6 tỉnh Bắc Trung bộ, Cụm thi đua 7 tỉnh Miền núi và Trung du Bắc bộ, Cụm thi đua 7 tỉnh Duyên hải miền Trung, Cụm Đồng bằng sông Hồng,... Một số Cụm có cải tiến hình thức hoạt động như: Cụm Thi đua 7 tỉnh Duyên Hải miền Trung; Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, trao đổi kinh nghiệm tại thành phố đăng cai Cụm trưởng; thành lập tổ chuyên viên giúp việc cho Thường trực cụm trong theo dõi, thực hiện hoạt động Cụm thi đua.
 
Hàng năm hầu hết các Cụm thi đua đều tổ chức sơ kết, tổng kết theo đúng thời gian quy định, đảm bảo thiết thực và tiết kiệm; các thành viên của Cụm thi đua tham dự đông đủ, đúng thành phần. Một số Cụm thi đua đã có sáng kiến lồng ghép trao đổi, báo cáo kinh nghiệm của các mô hình, điển hình tiên tiến trong các hội nghị sơ, tổng kết hoạt động Cụm. Hầu hết các Cụm thi đua đều thực hiện bỏ phiếu suy tôn đơn vị nhất, nhì, ba, sau khi thống nhất trong chấm điểm. Riêng Cụm thi đua Đông Nam bộ và Tây Nam bộ không thực hiện bỏ phiếu suy tôn, mà sau khi các tỉnh trong Cụm chấm điểm theo qui chế, sẽ báo cáo lại lãnh đạo các tỉnh trong Cụm về kết quả điểm thi đua, địa phương nào có số điểm cao nhất sẽ được Cụm đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua; cách làm này được sự nhất trí cao của lãnh đạo UBND các tỉnh trong Cụm. Cụm thi đua Tây Nam bộ cũng đề nghị thí điểm tổ chức thực hiện lượng hoá toàn bộ tiêu chí thi đua để dễ chấm điểm và xác định chính xác hơn kết quả với từng địa phương.  
 
Trên cơ sở hoạt động Cụm, Khối thi đua các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, hầu hết các địa phương đã tổ chức phong trào thi đua theo mô hình Cụm, Khối thi đua, với đầy đủ quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Hội đồng Thi đua- Khen thưởng tỉnh, thành phố trong việc phụ trách, chỉ đạo các Cụm, Khối thi đua trong tỉnh; chủ động ban hành các văn bản, kế hoạch, tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên, gắn với phong trào thi đua theo đợt của địa phương cũng như xây dựng kế hoạch thi đua, kế hoạch sơ kết, tổng kết, ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí, thang điểm, tổ chức giao ước thi đua giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, cấp huyện ở nhiều địa phương cũng tổ chức hoạt động các Cụm, Khối thi đua của các xã, thị trấn; các phòng, ban, ngành, đoàn thể thuộc huyện; và cả khu vực doanh nghiệp... đã có tác dụng thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị và nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng; với nhiều biện pháp đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Nhiều nơi đã coi trọng thi đua khen thưởng là một công cụ của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức trong việc động viên, thúc đẩy cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng cũng được các tỉnh, thành phố bước đầu quan tâm củng cố, hoàn thiện. 
 
Có thể thấy rằng, việc tổ chức hoạt động Cụm thi đua thời gian qua đã tạo ra những “sân chơi” khá tương đồng về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, điều kiện tự nhiên cũng như về không gian của các địa phương trong cả nước. Trên cơ sở giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong tổ chức công tác thi đua, khen thưởng và kinh nghiệm trong chỉ đạo, quản lý, phát triển kinh tế xã hội và nhân rộng những phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực của từng địa phương, qua đó đã có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua chung. Thông qua hoạt động Cụm thi đua cũng tạo điều kiện để các địa phương được so sánh, đối chiếu, từ đó phát huy khả năng sáng tạo của nhiều địa phương trong triển khai tổ chức các phong trào thi đua.
 
Thông qua hoạt động Cụm thi đua, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng ở các địa phương đã được nâng lên; từ đó đã nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi đua, khen thưởng và đối với hoạt động Cụm thi đua. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng cho công tác thi đua, khen thưởng ở các Cụm thi đua nói riêng và công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước nói chung.
 
Hoạt động Cụm thi đua là cơ sở để giúp Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương có đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương một cách chính xác và công khai, công bằng, là cơ sở để tặng thưởng Cờ Thi đua của Chính phủ theo đúng tiêu chuẩn của Luật Thi đua, Khen thưởng. 
 
* Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta thấy hoạt động cụm thi đua còn có một số tồn tại, hạn chế, như: 
        Việc điều chỉnh, bổ sung quy chế các Cụm hàng năm, gắn với cơ cấu điểm và thang điểm quy định cho các chỉ tiêu của địa phương thường chỉ được thống nhất một cách tương đối giữa các địa phương trong Cụm; tiêu chí thi đua và cơ cấu điểm cho các tiêu chí còn nhiều bất cập, một số tiêu chí định tính, chung chung; nhiều nội dung khó thẩm tra, khó xác định. Việc đánh giá, chấm điểm chưa phản ánh đúng kết quả phong trào thi đua của từng địa phương trong Cụm thi đua, và vẫn do địa phương tự chấm điểm là chính, nên cũng không đảm bảo khách quan. Khi xem xét, đánh giá thi đua của các địa phương trong Cụm vẫn chủ yếu dựa vào các báo cáo của các địa phương, mà chưa có kênh thông tin khác để thẩm định. Hơn nữa, việc vừa chấm điểm, vừa bỏ phiếu suy tôn như hiện nay cũng chưa thực sự hợp lý.
       
        Trong đề nghị suy tôn Cờ thi đua của Chính phủ cho các địa phương hàng năm, đa số Cụm thi đua vận dụng như một dạng cờ luân lưu, thường đề nghị trao cho đơn vị Trưởng cụm của năm đó, nên ít phát huy tác dụng. Một số Cụm thi đua có tư tưởng cào bằng theo cách đề nghị Cờ thi đua cho tất cả các đơn vị trong Cụm, hoặc đề nghị vượt quá số lượng cờ đã được Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương quy định. 
 
         Chất lượng hoạt động của các Cụm còn rất hình thức, một năm chủ yếu tập trung cho hai lần sơ kết, tổng kết và một số hoạt động giao lưu, trao đổi. Rất ít Cụm thi đua có tổ chức được phong trào thi đua chung như phát động phong trào “ Nông thôn mới” ở Cụm Đồng bằng sông Hồng năm 2010; phong trào “ Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội” của Cụm thi đua 5 thành phố. Báo cáo của Cụm thi đua chủ yếu dựa trên thông tin trong báo cáo của UBND trình HĐND tỉnh, số liệu không thống nhất, chưa đầy đủ, thiếu tính pháp lý, không rõ vai trò của tổ chức thi đua trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, HĐND một số tỉnh đã điều chỉnh nhiều tiêu chí thi đua quan trọng so với tiêu chí đã đăng ký đầu năm, nên rất khó đánh giá, phân loại. 
Việc trao đổi, giao lưu về các mô hình, điển hình còn hạn chế; việc tham quan các mô hình còn hình thức, thông tin thu được chưa đầy đủ và toàn diện. Mục đích đề ra của thi đua là “ đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển ” nhìn chung chưa thực hiện được ở các Cụm thi đua, mà chủ yếu ở mức độ trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác thi đua và bình xét khen thưởng.
 
Công tác chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đối với các Cụm thi đua chưa thực sự toàn diện; việc đánh giá kết quả thi đua của các địa phương trong cụm từ phía trung ương thông qua việc đánh giá của các Bộ, ngành với địa phương để làm căn cứ xếp loại thi đua hàng năm, vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chưa có được giải pháp để việc đánh giá của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương  thực sự mang tính quyết định đối với công tác thi đua, khen thưởng của địa phương. 
 
* Nguyên nhân của nhưng tồn tại trên là:
         Một số cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị vẫn chưa quan tâm sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng. Một số nơi vẫn giao hoặc ủy quyền cho Ban Thi đua- Khen thưởng tham gia các nội dung hoạt động Cụm thi đua, thậm chí cả khi bình xét, suy tôn Cờ thi đua của Chính phủ cũng không có lãnh đạo tỉnh dự, tham gia ý kiến. Việc triển khai nhiệm vụ thi đua chủ yếu thực hiện theo cách hành chính hoá, chưa có biện pháp cụ thể để tạo  khí thế sôi nổi trong thi đua.
       
        Do điều kiện lịch sử, địa lý, xã hội… khác nhau nên việc phân chia, sắp xếp các địa phương trong Cụm thi đua mặc dù đã có một vài lần điều chỉnh nhưng không thể phù hợp hoàn toàn, mà vẫn ở mức độ tương đối. Vì những khác biệt trong điều kiện cụ thể của từng địa phương ở ngay trong một Cụm thi đua, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh giá kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng. 
 
          Đơn vị Cụm trưởng, Cụm phó chưa phát huy được vai trò trong tổ chức, giám sát thực hiện giao ước thi đua của Cụm, do chưa có qui định cụ thể; chưa tổ chức được những phong trào thi đua chung của Cụm, chưa dành nhiều thời gian để trao đổi, rút kinh nghiệm về việc tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng giữa các địa phương cũng như chưa tham mưu để Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương có những biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Cụm thi đua. 
 
         Hầu hết các địa phương trong Cụm thi đua chưa chú trọng đến công tác phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên là lực lượng xung kích đi đầu, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua; chưa xây dựng được lộ trình phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt từ các phong trào thi đua.
 
           Việc thu thập thông tin để làm căn cứ tính điểm còn bất cập, chưa thể hiện được tính khách quan và cơ sở khoa học. Việc xây dựng thang điểm của các Cụm thi đua lại không giống nhau, thậm chí còn có sự chênh lệch giữa các tiêu chí; có Cụm đã quy định thang điểm và tiêu chí điểm chỉ ở 2 mức “ hoàn thành” và “ không hoàn thành” với số điểm chênh lệch không đáng kể dẫn đến khi định điểm không đánh giá được mức độ thành tích. Cá biệt có những Cụm, địa phương được phân công làm Cụm trưởng lại đặt ra các tiêu chí và cách tính điểm có lợi cho địa phương mình. Và vì là “ tự chấm điểm” nên nhiều địa phương đánh giá chưa sát với kết quả thực tế, theo hướng tự cho điểm khá cao. Hơn nữa việc bỏ phiếu suy tôn sau khi đã định điểm cũng gây ra không ít khó khăn, thậm chí cả tâm tư cho địa phương, trong xét cờ thưởng.
 
Vì vậy, để hoạt động của mô hình cụm thi đua ngày càng hiệu quả, đem lại tác dụng thiết thực trong tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng, chúng ta cần giải quyết tốt một số nội dung sau:
(1). Cần coi mô hình hoạt động Cụm thi đua như hiện nay thực sự là sân chơi chung của những địa phương có điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội tương đồng. Hàng năm các Cụm thi đua tiếp thu chỉ đạo của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, nghiên cứu, cụ thể hóa và tổ chức phát động phong trào thi đua phù hợp với điều kiện đặc thù của các địa phương trong Cụm. 
 
(2). Hàng năm, mỗi Cụm thi đua tổ chức các hoạt động chung của Cụm như  Hội thảo, tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm công tác thi đua, khen thưởng”; “Giao lưu các mô hình, điển hình tiên tiến”… để phổ biến, học tập, rút ra những kinh nghiệm hay, những cách làm mới của mỗi địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động sơ, tổng kết sát công tác thi đua, khen thưởng của Cụm thi đua, rút ra kinh nghiệm hay để học tập, nhân rộng.
 
(3). Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng phong trào thi đua và công tác khen thưởng của các Cụm, Khối thi đua do địa phương tổ chức.
 
(4). Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương cần có theo dõi, đánh giá sát sao tình hình và chất lượng hoạt động Cụm thi đua. Giao các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương hàng năm phải có đánh giá kết quả hoạt động của địa phương, làm căn cứ tổng hợp, đánh giá chung của Hội đồng với địa phương.
   Nâng tầm việc đánh giá của Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương với công tác thi đua, khen thưởng các địa phương, trên cơ sở tỷ trọng tương xứng trong khung đánh giá của các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương với địa phương.  
       
                (5). Trong công tác khen thưởng, thay cho tặng Cờ thi đua Nhất, Nhì, Ba của Chính phủ như hiện nay, sẽ có hình thức phù hợp hơn, ví dụ tặng Cờ luân lưu của Chính phủ kèm theo thưởng công trình phúc lợi cho địa phương dẫn đầu hoạt động trong Cụm thi đua, coi đó là sự ghi nhận, cổ vũ chung cho các địa phương tham gia hoạt động Cụm thi đua. 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 
Ý kiến của bạn