Đại Phong: Gió vẫn miên man thổi.

 7000 lượt xem
(BTĐKT) - Năm 1959, Hợp tác xã (HTX) Đại Phong, Quảng Bình ra đời. Ngay từ khi mới thành lập, HTX hoạt động rất hiệu quả, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các xã viên mà còn tập hợp được rất nhiều lương thực, thực phẩm để tiếp viện cho tiền tuyến, kích thích lòng hăng say lao động, sản xuất của mọi người. 
Năm 1960, một vinh dự và niềm tự hào lớn lao đối với bà con xã viên HTX Đại Phong là được đón Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp của Trung ương, về kiểm tra và nghiên cứu tình hình sản xuất của HTX. Đại tướng đã khen ngợi HTX mặc dù mới hợp nhất nhưng đã có cách tổ chức, quản lý làm ăn có hiệu quả hơn một số địa phương khác! Sau đó, Đại Phong đã được chọn là mô hình phát triển nông nghiệp cho các tỉnh miền Bắc đến tham quan, học hỏi.
 
Ngày đó, Đại Phong nổi như cồn, vang danh khắp ba miền. Đầu năm 1961, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương về thăm mô hình Đại Phong. Trong cái lạnh tê tái, Đại tướng đến từng nương mạ, từng khu chăn nuôi để động viên bà con. Sau chuyến đi thực tế này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có báo cáo gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 11/1/1961, Bác Hồ có bài viết “Một HTX gương mẫu” với bút danh Trần Lực, đăng trên báo Nhân dân. Trong bài viết có đoạn: “Trong khoảng 3 năm, từ một HTX nhỏ có 23 hộ nghèo khó phát triển đến 445 hộ, sinh hoạt ngang với mực trung nông và đang có đà tiến lên nữa. Có kết quả đó là vì: Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó, sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để đi lên”.
 
Sau khi có bài báo này, cả nước dấy lên phong trào thi đua, tất thảy hơn 4 vạn HTX nông nghiệp của cả nước học tập gương sáng Đại Phong. Ngày 20/3/1961, Bác Hồ gửi tặng bà con xã viên Đại Phong một chiếc máy kéo, nhãn hiệu DT 54. Chiếc máy này do Đoàn thanh niên cộng sản Cômxômôn Lênin tặng Bác. Chiếc máy kéo vừa là phương tiện sản xuất vừa là nguồn động viên lớn lao giúp bà con xã viên Đại Phong phấn đấu nhanh hơn, nhiều hơn. Quả nhiên, nhờ chiếc máy kéo này, chỉ sau một năm, Đại Phong đã vỡ hoang thêm 200ha trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Với những thành tích đáng tự hào, tại Đại hội Chiến sỹ thi đau toàn quốc năm 1962, HTX Nông nghiệp Đại Phong được Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đau và Huân chương Lao động hạng Nhất. Kỳ tích của HTX Đại Phong ngày càng vang xa, lan rộng. Năm 1962, HTX đón 32 đoàn khách quốc tế, 480 chủ nhiệm HTX trên địa bàn cả nước về Đại Phong học tập kinh nghiệm...
 
Với những thành tích trong phát triển nông nghiệp, Bác Hồ đã hai lần viết thư khen HTX Đại Phong đăng trên Báo Nhân dân “Học tập Đại Phong, Tiến kịp Đại Phong, Gió Đại Phong”. Ngày 1/5/1962, HTX Đại Phong đã được  Đảng. Bác Hồ và Chính phủ biểu dương, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được cả nước ngợi ca và học tập.
 
Những năm qua, trong cả nước nhiều HTX đã tan rã, hoặc hoạt động không hiệu quả thì ở Đại Phong, HTX vẫn đóng vai trò chủ lực tổ chức lao động, sản xuất giúp nhân dân vươn lên làm giàu. Hiện HTX Đại Phong làm hầu hết các khâu dịch vụ cho xã viên như làm đất, cung ứng giống lúa, phân bón, bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm...
 
Nối tiếp truyền thống, chúng ta tin tưởng chương trình xây dựng nông thôn mới được chính quyền và người dân Đại Phong thực hiện tốt trong những năm tiếp theo để "Gió Đại Phong" không chỉ dẫn đầu Quảng Bình về năng suất lúa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn trở thành ngọn cờ đầu ở nhiều tỉnh, thành miền Trung.
 
Tháng 5/2012, Kỷ niệm 50 năm ngày Đại Phong được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho HTX Nông nghiệp Dịch vụ Đại Phong. 
 
Ý kiến của bạn