Để giàu không còn là mơ ước

 9628 lượt xem
(BTĐKT)-Ước mơ làm giàu là khát khao chung của nhiều người nhưng không phải ai cũng có đủ sáng suốt, nghị lực và quyết tâm để thực hiện ước mơ ấy như ông Đỗ Mạnh Hùng ở Khu 1, TT. Kỳ Sơn, Kỳ Sơn, Hòa Bình. Trải qua bao khó khăn, thử thách, thất bại, thành công… ông Hùng đã trở thành một trong những người tiên phong đưa nghề nuôi ba ba, nhím và chồn lông đen về thị trấn Kỳ Sơn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều bà con tại địa phương. 

Sau khi xuất ngũ, ông Đỗ Mạnh Hùng trở về quê hương để lập nghiệp. Với ý chí phấn đấu, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm của anh bộ đội cụ Hồ, ông Hùng quyết tâm làm giàu trên chính quê hương của mình. Ngành nghề khởi nghiệp của ông là làm gạch nung. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm làm việc, ông nhận thấy làm gạch vất vả, lợi nhuận không cao và gây ô nhiễm môi trường nên ông quyết định chuyển sang ngành nuôi ba ba lấy thịt. Trong thời  gian đầu, do chưa có kinh nghiệm và hiểu biết về vật nuôi mới này, không thay nước thường xuyên nên ông đã bị thua lỗ hơn 60 triệu đồng. 

Ông Hùng và ba ba vào mùa thu hoạch.
 
Không nản chí, năm 2007, ông Hùng quyết định khăn gói lên vùng núi phía Bắc để tìm giống ba ba tốt, phù hợp với khí hậu của quê mình.
 
Trong chuyến đi này, ông đã phát hiện ra loài ba ba gai dễ nuôi và cho giá trị kinh tế cao hơn ba ba trơn nên đã mua thử 100 con về nuôi. Sau hơn 1 năm đã cho lãi hơn 100 triệu đồng. Hiện ông đã có 4 ao ba ba đẻ và 8 ao nuôi ba ba thịt, mỗi năm cho thu nhập hơn 600 triệu đồng. Năm 2008, nhận thấy thị trường nhím có phần sôi động, nuôi nhím lại không khó nên ông Hùng lại tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu loài vật nuôi mới này. Ông đầu tư mua 50 cặp nhím giống và nhanh chóng cho thu hồi vốn sau 1 năm chăm sóc. Doanh thu ba ba và nhím của ông liên tục tăng dần theo các năm: năm 2008: 800 triệu đồng; năm 2009: 1,2 tỷ đồng; năm 2010: 1,5 tỷ đồng. Giờ đây, cơ sở nuôi nhím của ông Hùng đã trở thành địa chỉ cung cấp nhím giống uy tín và chất lượng cho các bà con ở cả trong và ngoài tỉnh Hòa Bình.
 
 
Chồn lông đen là một loài dễ nuôi và cho thu nhập cao.
 
Đến năm 2011, khi chồn lông đen là món đặc sản của nhiều nhà hàng tại địa phương, ông Hùng lại đầu tư vào nuôi loại giống này. Tất cả những vật nuôi của ông đều là giống đặc sản, dễ nuôi, ít bệnh tật nhưng lại cho năng suất cao. Thức ăn cho vật được lấy trong vườn nhà nên đảm bảo chất lượng  và vệ sinh…
 
 
Thức ăn cho vật nuôi được lấy và tận dụng ngay trong vườn nhà.
 
Nhờ việc mạnh dạn đầu tư vào giống nuôi mới, ông Đỗ Mạnh Hùng đã thực hiện được ước mơ làm giàu của mình. Người nông dân ấy đã trở thành một kỹ sư chăn nuôi từ lúc nào mà không hay. Những kinh nghiệm ông thu lượm được từ sự thất bại đã trở thành bài học quý báu cho các bà con địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hùng còn tư vấn, động viên, giúp đỡ bà con hàng xóm và những người có nhu cầu cải thiện đời sống bằng loại vật nuôi mới này. Ông hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con từ khâu chọn giống, xây chuồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Vài năm trở lại đây, ông Đỗ Mạnh Hùng còn kết hợp với Hội nông dân thị trấn Kỳ Sơn dạy nghề chăn nuôi cho hàng chục người dân trong huyện, viết dự án chăn nuôi các loài con cho huyện...  Ngày 20/9/2010, ông được đoàn nông dân của Campuchia ghé thăm và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Trang trại của ông trở thành lớp học, kinh nghiệm của ông trở thành bài học quý báu và hữu ích cho bà con. Ông đã góp phần không nhỏ vào việc đem lại cuộc sống ấm no, đầy đủ cho bà con và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
Thủy Anh
 
 
Ý kiến của bạn