Hà Tĩnh thực hiện thành công chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ

 8920 lượt xem
(BTĐKT)-Giảm nghèo là mục tiêu hàng đầu trong chính sách an sinh xã hội, được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc; trong đó cải thiện nhà ở cho các hộ nghèo vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng nhằm giảm nghèo, chống tái nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và thực hiện Nghị quyết 26, Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân”. 

Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, kinh tế trong giai đoạn mới bắt đầu phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn còn cao (năm 2011 là 23,91%). Địa bàn phân bố dân cư không đồng đều, hộ nghèo tập trung nhiều ở miền núi và rải rác ven sông, ven biển nơi thường xuyên bị bão lụt, thiên tai, hạn hán. Từ năm 2006 - 2011 hàng năm có khoảng từ 3-5 cơn bão, lũ đe dọa, đặc biệt năm 2010 trên địa bàn phải gánh chịu 02 trận lũ lịch sử (lũ chồng lũ), tàn phá nặng nề, cả tỉnh ngập sâu trong nước, tổng thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy  nhiên với sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sơ, sự ủng hộ rộng rãi của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và sự đồng thuận cao của nhân dân, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2011 chương trình đã hoàn thành, sớm hơn 01 năm so với Đề án được phê duyệt đã có 10.988 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở với tổng nguồn vốn giải ngân là 408,579 tỷ đồng từ 05 nguồn vốn: Ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, Quỹ vì người nghèo, vốn vay ngân hàng chính sách xã hội và Quỹ đền ơn đáp nghĩa.

Thành lập Ban chỉ đạo các cấp:
 
Đề thực hiện Chương trình, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch và kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp một cách khẩn trương, nghiêm túc, khoa học và hiệu quả; thành lập các Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở. Ở cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban và giao Sở Xây dựng trực tiếp chủ trì phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Uỷ ban mặt trận tổ quốc tỉnh và các địa phương xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Ở cấp huyện, thành phố, thị xã, Ban chỉ đạo do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban. Ở cấp xã thành lập Tổ công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở tại các thôn dưới sự điều hành của UBND cấp xã gồm đồng chí Trưởng ban công tác mặt trận thôn, chi hội trưởng các chi hội của thôn (Cựu chiến binh, Nông dân, Đoàn thanh niên CSHCM).
 
Công tác hướng dẫn, triển khai và chỉ đạo thực hiện:
 
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã giao cơ quan thường trực xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo theo quyết định số 167 và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện tới các sở, ngành và địa phương. Giao Sở xây dựng trực tiếp hướng dẫn các địa phương từ khâu bình xét, rà soát, lập danh sách, trình tự, thủ tục thực hiện để hỗ trợ đúng tiêu chí, mục tiêu chương trình đồng thời thiết kế và ban hành 04 mẫu nhà ở theo Đề án gửi tới các huyện, thành phố, thị xã phổ biến rộng rãi đến từng hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở để tham khảo.
 
Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo liên sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBMTTQ tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cấp phát thanh toán và quản lý vốn hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai các nội dung cụ thể, rõ ràng để cấp huyện, cấp xã và cơ sở (thôn, xóm) có căn cứ thực hiện.
 
Hàng tháng, hàng quý, thông qua các kênh thông tin khác nhau, Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan liên quan kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn để chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương, thường xuyên tổ chức họp, phân công công việc cụ thể cho các thành viên và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đôn đốc các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp, danh sách các hộ nghèo được hỗ trợ công bố, niêm yết tại hội quán các thôn, xóm đưa ra bình xét đảm bảo công bằng, công khai minh bạch.
 
Công tác tuyên truyền được cả hệ thống chính trị quan tâm thực hiện đồng bộ nhằm nêu rõ mục tiêu đề án, tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở kết hợp lồng ghép việc tuyên truyền về chính sách, cách thức thực hiện, vận động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở để người dân được biết mục đích, ý nghĩa các nội dung của chương trình.
 
Công tác huy động nguồn vốn: 
 
Để có nguồn vốn thực hiện Đề án, tỉnh đã huy động thêm các nguồn vốn từ Quỹ “Ngày vì người nghèo”, kêu gọi các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn dân tham gia đóng góp quỹ, ngày công để hỗ trợ người nghèo làm nhà ở. Chỉ đạo các tổ chức, thành viên có những việc làm cụ thể giúp đỡ các hộ nghèo làm nhà ở với nhiều hình thức khác nhau như: Nhân dân địa phương giúp ngày công lao động xây nhà, vận chuyển dọn dẹp giúp đỡ các gia đình và tặng  nhiều đồ dùng sinh hoạt khác, nhà thầu giảm giá hoặc hỗ trợ nhân công và huy động từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, chính dòng họ gia đình đã tích cực đóng góp để hộ nghèo đủ kinh phí xây dựng nhà ở.
 
Công tác kiểm tra, giám sát:
 
Uỷ ban nhân dân tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tại các huyện, thị xã, thành phố.
 
Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-HĐND về việc thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 và Quyết định 67/2010/QĐ-TTg ngày 29/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo và các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tại các huyện, thị xã, thành phố theo định kỳ hàng tháng, hàng quý.
 
Ở các địa phương, cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tích cực đôn đốc, kiểm tra và phối hợp kiểm tra với các đơn vị liên quan.
 
Kết quả:
 
Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 10.988/11.419 hộ cần hỗ trợ theo Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg (đạt 96,2% đề án, cơ bản đã hoàn thành xong số hộ cần được hỗ trợ làm nhà ở theo quy định). Giá trị bình quân mỗi căn nhà 38 triệu đồng/căn nhà. Chất lượng xây nhà đảm bảo “3 ứng” “nền cứng, tường cứng, mái cứng”, diện tích sử dụng tối thiểu 24m2/hộ và thời gian sử dụng từ 10 năm trở lên. Số hộ trên đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở, được nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng, đảm bảo có nhà ở ổn định phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện thực tế. 
 
Số hộ còn lại chưa thực hiện được (413 hộ) là do một số được bổ sung theo Quyết định 67/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số có hoàn cảnh cha mẹ về ở với con, một số hộ gia chủ bị chết trong quá trình thực hiện, ngoài ra do cơ sở bình xét một số hộ chưa đúng đối tượng, sai lệch với hồ sơ nên các tổ công tác thanh, kiểm tra của Ban Chỉ đạo các cấp loại ra khỏi danh sách hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở.
 
Một số huyện miền núi như Kỳ Anh, Hương Khê… tuy gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng đã hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà ở với số lượng lớn, hơn 2.000 hộ/huyện và về đích đúng kế hoạch. Một số địa phương đã huy động các tổ chức đoàn thể đứng ra vận động và chịu trách nhiệm từng gia đình cụ thể và đứng tên vay nguyên vật liệu khi nguồn hỗ trợ cấp trên chưa cấp kịp; vận động bà con lối xóm giúp đỡ về ngày công...
 
Nhờ có nhà ở an toàn, ổn định nên đời sống của các hộ nghèo đã từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội cũng như thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ; góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo của nước ta nói chung và Hà Tĩnh nói riêng../.
Phan Thị Thuý Hường
 
 
Ý kiến của bạn