Cơ chế, chính sách và cách làm sáng tạo của Ninh Bình trong xây dựng Nông thôn mới

 6990 lượt xem
Đến thời điểm này công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 55/120 xã đã phê duyệt đề án, 38 xã chuẩn bị phê duyệt và 27 xã đang lấy ý kiến của dân. Có thể nhận thấy giờ đây nhân dân khắp nơi trong tỉnh đang tích cực thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương, tạo nên diện mạo mới cho tỉnh. Để đạt được kết quả đó tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách và cách làm sáng tạo nhằm tạo được sự đồng thuận từ cấp uỷ, chính quyền đến các tầng lớp nhân dân. 

Trước hết tỉnh chú trọng về chính sách. Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã thống nhất chủ trương và chuẩn bị trình HĐND tỉnh phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư XDNTM gồm 6 danh mục là: Hỗ trợ hoạt động của hệ thống quản lý Chương trình cấp xã; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng (đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, công trình thể thao bằng vật liệu xây dựng, công trình nước sạch nông thôn và công tác môi trường); hỗ trợ phát triển sản xuất (Hỗ trợ các xã thực hiện dồn điền, đổi thửa trong SX nông nghiệp, hỗ trợ mua máy móc thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, ...); hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn (ưu đãi về đất đai và hỗ trợ về đầu tư).

Tỉnh lựa chọn 25/120 xã chỉ đạo làm điểm hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Năm 2012 ngân sách tỉnh bố trí hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên 61 tỷ đồng và sự nghiệp kinh tế địa phương trên 40 tỷ đồng (chương trình khuyến nông, vụ đông, lúa chất lượng cao, chương trình giống, cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa)
 
Về một số cách làm hay, sáng tạo: Vận dụng những hướng dẫn của Trung ương và kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, Ninh Bình đã có cách làm sáng tạo như: Phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo theo chuyên môn thuộc từng ngành, phụ trách; tiến hành đồng thời xây dựng quy hoạch chung và xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã; Quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của xã bắt buộc phải được người dân, cộng đồng dân cư và các đối tượng khác tham gia đóng góp ý kiến trước khi  HĐND xã thông qua.
 
Một cách làm hay của Ninh Bình là vận động nhân dân hiến đất, kết hợp dồn điền, đổi thửa. Cách làm này ai cũng được hiến đất, tạo ra quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới. Đây là nguồn lợi lớn, công bằng ai cũng được hiến đất. Đến nay, toàn tỉnh đã có 40 xã, 2.924 hộ hiến đất với tổng diện tích đất hiến là 14,2 ha (ước tính giá trị 14,7 tỷ đồng). Ngoài hiền đất, đến nay đã có 26 xã,  9.637 hộ đóng góp tiền mặt, nguyên vật liệu, tài sản trên đất, công lao động với tổng giá trị là gần 12 tỷ đồng.
 
Các tổ chức đoàn thể ở địa phương cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các hố rác tại gia đình (nơi có vườn rộng) kết hợp xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học; việc làm này giảm gánh nặng cho xã hội lại tạo nguồn phân hữu cơ. Ngoài ra tỉnh còn chỉ đạo thực hiện lồng ghép vốn từ các chương trình khác để xây dựng nông thôn mới; ưu tiên chọn tiêu chí dễ không cần nhiều tiền làm trước; ưu tiên cho phát triển sản xuất tăng thu nhập; chọn hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng mà nhân dân được thụ hưởng trực tiếp thường xuyên như: Đường giao thông thôn xóm, nhà văn hóa thôn, đường trục nội đồng.
 
Bên cạnh đó tỉnh còn chỉ đạo các ngành chuyên môn tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động, tuyền truyền về xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo hoạ sỹ chuyên và không chuyên tham gia góp phần tạo nên khí thế sôi nổi cho phong trào xây dựng Nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở.
 
Ý kiến của bạn