Khích lệ tinh thần, ý chí vươn lên của người nghèo

 2544 lượt xem
TĐKT - Sáng 11/12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội. 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Ba tặng 9 tập thể

Dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng BCĐ Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương…

Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Tại điểm cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo các địa phương.

           Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thực hiện một cách rất đậm nét trong các văn kiện của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình hành động của chính quyền các cấp.

Chính phủ đã chỉ đạo BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục; tỷ lệ trẻ em đến trường, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế; kết hợp giữa giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng; lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho các tập thể, cá nhân

Thời gian qua, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước. Nhiều huyện nghèo, xã khó khăn đã được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất của người dân. Hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin và các dịch vụ văn hóa.

Theo báo cáo, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1 - 1,5%/năm. Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đặc biệt, đã có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của một bộ phận người dân, trong đó có người nghèo. Không ít các điển hình, đơn vị và cá nhân tự nguyện xin thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế..

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong tất cả những trách nhiệm của chúng ta đối với nhân dân, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa bậc nhất và mang nặng tình người nhất. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường. Trong đó, luôn chú trọng giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng cho rằng, đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới các đồng chí đang ngày đêm làm việc để người dân nghèo có thể chữa bệnh, cải thiện thu nhập, để các em bé nghèo có thể tới trường, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị: Một là, xây dựng nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo, phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045 với tinh thần xuyên suốt vì một Việt Nam không có đói nghèo. Đây là vấn đề, nhiệm vụ lớn của đất nước ta.

Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương công bố các quyết định khen thưởng tại Hội nghị

Hai là, tiếp tục hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo theo hướng đa chiều, ưu tiên trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội hiệu quả, ưu tiên nguồn lực nhà nước xây dựng các chương trình giảm nghèo, huy động nguồn lực xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ người nghèo.

Ba là, hạ tầng kinh tế xã hội các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, đầu tư giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo được học nghề, tiếp cận việc làm, nâng cao dân trí.

Bốn là các địa phương tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi các chính sách giảm nghèo, xây dựng các mô hình giảm nghèo tại cộng đồng phù hợp với đặc thù của từng địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền.

Áp dụng công nghệ thông tin, đưa thông tin về nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, giúp người dân nâng hiểu biết, tri thức, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp. Trước mắt, hỗ trợ kịp thời nhà cửa bị hư hại cho người dân, khẩn trương sửa chữa lại trường học, lớp học để 100% học sinh được đến trường..

Năm là, cần tạo điều kiện cho người dân năng động, chủ động hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn. Truyền thông nên tôn vinh, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những tấm gương xuất sắc, qua đó động viên, khích lệ tinh thần, ý chí vươn lên của người nghèo.

“Giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ, mà phải bằng trái tim. Để thực hiện trách nhiệm với người nghèo, tôi đề nghị mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình, với cách làm sáng tạo hơn nữa. Giảm nghèo bền vững cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các gia đình, địa phương có điều kiện kinh tế tốt hơn hỗ trợ các các địa phương, gia đình khó khăn hơn. Chính quyền cần xác định rõ điều kiện, hoàn cảnh nhu cầu của từng hộ nghèo, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp.” – Thủ tướng đề nghị.

Tại Hội nghị, 2 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và 7 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 10 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu cũng được trao giải Cuộc thi báo chí viết về công tác giảm nghèo năm 2020.

                                                                                                                                                                                                                     Mai Thảo

 
Ý kiến của bạn