Kỷ niệm 58 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2012)

 9038 lượt xem
Chiến sĩ Điện Biên ngày ấy, bây giờ. 

TQĐT - Nhớ lại những năm tháng phục vụ trong quân đội, những người lính từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sống trên quê hương Tuyên Quang không quên được những lúc giáp mặt với quân thù, khi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Kỷ niệm 58 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ký ức về những trận đánh khốc liệt, những hy sinh anh dũng… và cả niềm vui chiến thắng dồn dập trở về trong tâm trí của mỗi người lính Điện Biên năm xưa. Cuộc đời của những người lính năm ấy, đến bây giờ, vẫn là một tấm gương cho thế hệ hôm nay học tập, để thấy mình cần phải sống xứng đáng hơn với thế hệ cha ông đi trước.

 
“Những bàn tay xẻ núi, lăn bom” ngày ấy 
 
Ông Đàm Ngọc Sính (bên phải) và ông Trương Thanh Bình ôn lại kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
 
Sống khiêm nhường cùng với vợ và các con trong một con ngõ nhỏ, tĩnh lặng ở tổ Vĩnh Lợi, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa), ông Mai Xuân Thích, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe. Giọng nói ông vẫn trầm ấm, hào sảng mang khí phách của một người lính trinh sát năm xưa đã dằng dặc đi suốt cuộc trường chinh của dân tộc với biết bao trận chiến lẫy lừng. Trong căn nhà thoáng đãng, bình dị vào một chiều nắng nhẹ, chúng tôi được cùng ông trở về những ngày tháng lịch sử cách đây 58 năm, khi cả nước lên đường, hướng về Tây Bắc. 
 
Đã 58 năm sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng ký ức hào hùng của những ngày oanh liệt ấy vẫn đậm sâu trong tâm trí ông. Ông Thích nhập ngũ khi vừa tròn 16 tuổi và được điều động về Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, tổ trinh sát của ông nhận nhiệm vụ điều tra, nắm tình hình cơ sở địch trong vòng 2 tháng. Ông kể: “Là lính trinh sát thì phải khôn khéo, tinh anh và nhanh nhẹn luồn sâu vào căn cứ của địch để thăm dò, điều tra địa hình, địa thế của địch và có kế hoạch tham mưu với cấp trên lập ra những phương án tối ưu nhất nhằm đánh bại âm mưu của kẻ địch. 
 
Tôi nhớ nhất trong một lần trinh sát vào khu vực phòng thủ của địch ở đồi Độc Lập. Nhưng khi vào đến nơi lại không xác định được vị trí của địch, vì đây là một trong 2 cánh cửa thép của tuyến phòng ngự phía Bắc bảo vệ trung tâm Mường Thanh do Tiểu đoàn 5 Bắc Phi hung hãn, thiện chiến và 1 đại đội lính ngụy Thái đóng giữ. Hệ thống hàng rào dây thép gai, mìn, pháo... bố trí dày đặc”. Với cương vị là tiểu đội trưởng tiểu đội trinh sát, ông đã chỉ đạo 5 đồng chí còn lại nằm cố thủ đợi đến 11 giờ đêm thì bắt gặp một tốp lính của địch đang tuần. Ông cùng các đồng chí trong tiểu đội đã mưu trí tiêu diệt gọn tốp địch, tiến sâu vào trong định hình được các điểm lô cốt mà địch chốt giữ chặt chẽ, rồi sau đó về báo cáo lại với cấp trên thực hiện phương án đánh chiếm lại từng cứ điểm với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. 
 
Tiểu đội trinh sát của ông còn làm nhiệm vụ vừa đánh giặc vừa mở đường, cùng phối hợp với các đơn vị bộ binh tiếp cận và đánh chiếm mục tiêu của địch. Ông bảo: “Chiến dịch Điện Biên Phủ là nơi luyện rèn, trưởng thành của nhiều binh chủng, lực lượng quân đội của chúng ta. Càng đánh sâu vào trong lòng địch, bộ đội ta càng thêm quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Mặc cho mưa bom bão đạn có dày đặc đến đâu nhưng không thể khuất phục được ý chí sắt đá và lòng can đảm của mỗi chiến sĩ trẻ chúng tôi ngày ấy”.
 
Cùng chung niềm tự hào ấy, CCB Phạm Như Tuyên, xóm 3, xã Trung Môn (Yên Sơn) không thể nào quên ký ức “một thời hoa lửa” ấy. Ông Tuyên sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hưng Yên. Cuối năm 1949, ông nhập ngũ và là chiến sĩ của Tỉnh đội Hưng Yên. Ông đã 3 lần bị giặc Pháp bắt giam tù đày nhưng không làm lung lay ý chí của người chiến sĩ cộng sản yêu nước, căm thù giặc. Năm 1953, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được điều lên Tây Bắc thuộc Đại đội 220, Tiểu đoàn 910, Trung đoàn 148, đóng quân ở Lai châu. Đơn vị của ông là mũi đánh địch ở khu sân bay Mường Thanh. 58 năm đã trôi qua, những kỷ vật của người chiến sỹ Điện Biên trường kỳ gian khổ đã được ông trân trọng, gìn giữ và là niềm tự hào của ông và con cháu trong gia đình. Những ký ức về những tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ của ông và đồng đội vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Sau giải phóng Điện Biên, ông tiếp tục là quân tình nguyện Việt Nam tham gia giúp nước bạn Lào. 11 năm tham gia trong quân ngũ chống Pháp, rồi chống Mỹ cứu nước. 
 
Trải qua biết bao đạn lửa, hy sinh, biết bao tấm gương quả cảm đã mãi mãi nêu cao ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng. Đó còn là một lớp thế hệ chiến sĩ anh dũng nguyện lấy “Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn… Những bàn tay xẻ núi, lăn bom”.
 
Chiến sĩ Điện Biên hôm nay…
  
Chiến sĩ Điện Biên - những người lính Cụ Hồ anh hùng.  
       
58 năm đã qua, kể từ chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những chiến sĩ Điện Biên trai trẻ ngày ấy giờ tóc đã bạc, đã là các cụ, các ông. Thế nhưng, những câu chuyện mà các cụ kể luôn sôi nổi, tươi mới. Trong số họ có không ít người đi tiếp trên con đường trường chinh bảo vệ đất nước, dân tộc cho đến ngày hoàn toàn im tiếng súng. Cũng có rất nhiều người chuyển công việc, phục vụ Tổ quốc trên một cương vị mới. Cho đến khi trở về quê hương, chưa khi nào họ gác hẳn trách nhiệm để vui thú điền viên. Những công việc tại địa phương, cùng giúp nhau làm kinh tế, hay là nêu một tấm gương về xử thế... cũng là điều các cụ đang làm cho đến cuối đời, chỉ với một điều đã được khắc cốt ghi tâm từ những ngày đầu làm người lính, để mãi xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ. 
 
Hàng ngày, ông Bàn Quốc Bảo, thôn Đồng Vàng, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) vẫn lặng lẽ bên chiếc đài cát sét của mình. Ông bật cho chúng tôi nghe bài hát “Chiến thắng Điện Biên” trong chiếc băng cũ mà ông cất giữ bấy lâu nay. Ông bảo: “Mỗi khi nghe giai điệu của bài hát này, bao nhiêu kỷ niệm trong quá khứ lại hiện về”. Ông Bảo sinh ra ở bản Hanh Hói, xã Yên Lập (Chiêm Hóa). Mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ, 5 chị em ông phải sống nhờ nhà cậu. Năm ông 17 tuổi, Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông xin làm liên lạc và sau đó được vào đội A7 thuộc Trung đoàn 148. Đơn vị ông có nhiệm vụ mở đường vận chuyển lương thực lên Tây Bắc và làm công tác dân vận. Ông Bảo và đồng đội đã không quản ngại khó khăn thử thách, vượt qua mọi hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Những câu chuyện ông kể cho chúng tôi được ông ghép lại như một cuốn hồi ký sinh động. Cuốn hồi ký đó được ông ghi lại chi tiết, cụ thể những năm tháng mà ông cùng đồng đội từng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” và những kỷ niệm gắn bó với đồng bào người dân Tây Bắc ruột thịt. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tiếp tục về công tác tại địa phương, xây dựng kinh tế gia đình. Ngọn lửa Điện Biên ngày nào vẫn được ông thắp sáng để truyền lại cho thế hệ trẻ.
 
CCB Đàm Ngọc Sính, tổ 22, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) từng được giao nhiệm vụ là chiến sĩ của Cục Địch vận, đảm nhận nhiệm vụ vận động, tuyên truyền binh sĩ địch phản chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông tự nhủ với lòng rằng: “Biết bao đồng đội đã hi sinh, nếu mình làm tốt nhiệm vụ vận động, tuyên truyền địch đầu hàng thì đã góp phần giảm thiệt hại về người và của cho quân ta. Nên trong trận đánh Bản Kéo, chính nhờ sự khôn khéo, mềm dẻo mà các chiến sĩ của Cục Địch vận đã vận động được phần lớn quân địch căng cờ trắng đầu hàng”. Hòa bình lập lại, ông luôn có một tâm nguyện, cùng đồng đội năm xưa thành lập một tổ chức hội để có thể sẻ chia nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các hội viên, kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ, động viên nhau sống vui, sống khoẻ, sống có ích, vượt qua khó khăn trong cuộc sống đời thường. 
 
Vậy là năm 1998, Ban liên lạc Truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ của thị xã Tuyên Quang lúc bấy giờ được thành lập và CCB Đàm Ngọc Sính được bầu làm Trưởng ban. Ban liên lạc luôn tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có chính sách, biện pháp giúp đỡ những gia đình chiến sĩ Điện Biên có hoàn cảnh khó khăn, khi họ ốm đau, bệnh tật, góp phần động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, Ban liên lạc có 80 thành viên, dù tuổi đã cao nhưng có cụ vẫn tham gia công tác tại địa phương và gương mẫu xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thảo hiền, thành đạt, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. 
 
Với mỗi người chiến sĩ Điện Biên, dù từng tham gia ở mỗi lĩnh vực, cương vị khác nhau nhưng họ đều là những người trọn nghĩa với nước non. CCB Đàm Ngọc Sính khẳng định: “Các thế hệ CCB chúng tôi luôn sẵn sàng cùng góp sức để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, xây dựng quê hương. Niềm sung sướng nhất của chúng tôi là vẫn được chung tay cùng con cháu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng vững mạnh, thiết thực góp phần xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu hết mình vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bài, ảnh: Thùy Linh
 
 
 
Ý kiến của bạn