Bộ mặt nông thôn Bến Tre sau 10 năm nhìn lại

 198 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, bộ mặt nông thôn tỉnh Bến Tre đang ngày càng thay da đổi thịt, chiếc áo mới trên quê hương này ngày càng đa sắc màu. 

Xác định tuyên truyền là khâu quan trọng đi đầu trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bến Tre đã chú trọng khâu tuyên truyền để hệ thống chính trị và người dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM và tư duy của các Nghị quyết phải bằng nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo, thiết thực, cụ thể “làm dân thấy, nói dân nghe, tuyên truyền bằng hành động”.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên, liên tục trên quan điểm phát huy nội lực cộng đồng, người dân là chủ thể, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, quán triệt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Nhiều hình thức tuyên truyền được thực hiện sinh động, phong phú với nội dung thiết thực, hữu ích như tổ chức hội nghị, tọa đàm, hội thi, in tờ bướm, lắp đặt pano, băng rôn,... đặc biệt thực hiện các tiểu phẩm trên đài phát thanh, truyền hình với nội dung gần gũi, dễ hiểu; từ đó đã làm chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân đối với công tác xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, nhằm phát huy sự chủ động của hệ thống chính trị địa phương và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, nhất là trong thực hiện các tiêu chí thuộc trách nhiệm của địa phương và hộ gia đình, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” ở 142 xã trên địa bàn tỉnh. Đến cuối tháng 8/2020, đã tổ chức thực hiện được 17 tháng “Ngày Chủ nhật nông thôn mới”, thu hút được 420.130 lượt người tham gia (trong đó người dân tham gia chiếm 51,95%); tổng số tiền huy động để thực hiện các phần việc của “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” trên địa bàn toàn tỉnh từ khi bắt đầu đến nay là 17,98 tỷ đồng.
Qua thời gian triển khai thực hiện xây dựng NTM, đến tháng 9 năm 2020, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn NTM, 30 xã đạt 15-18 tiêu chí, 53 xã đạt 10-14 tiêu chí, 10 xã còn lại đạt 7-9 tiêu chí; trung bình mỗi xã đạt 15,07 tiêu chí (tăng 4,88 tiêu chí so với cuối năm 2015). Về 04 tiêu chí “cứng”, có 67/142 xã đạt tiêu chí Giao thông (đạt 47,18%), 114/142 xã đạt tiêu chí thu nhập (đạt 80,28%), 80/142 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (đạt 56,33%), 118/142 xã đạt tiêu chí 19 về quốc phòng và an ninh (đạt 83,1%). Huyện Chợ Lách đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và chờ Trung ương xem xét đạt chuẩn NTM. Thành phố Bến Tre đã hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2020.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi, các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn ngày càng được hoàn thiện, khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Hiện, tổng số đường được đầu tư nhựa hóa hoặc bê tông hóa là 1.969,75 km, chất lượng đường giao thông ngày càng được nâng cao và khá đồng bộ, góp phần tích cực hình thành các vùng sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về nông thôn. Hệ thống thủy lợi ngày càng được hoàn thiện, từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng 09 công trình (05 công trình đê bao cục bộ, 04 công trình cống nội đồng), nạo vét 528 tuyến kênh với  tổng chiều dài 549 km và tổng khối lượng nạo vét gần 2,6 triệu m3. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đến nay đạt 99,93%. Hệ thống trường học các cấp ở nông thôn luôn được tỉnh chú trọng. Tỷ lệ xã có nhà văn hóa tăng nhanh, qua đó khai thác hiệu quả, đa dạng hóa các hoạt động để phục vụ và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện thân thể của nhân dân.
Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá, chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp được thực hiện theo hướng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ theo hướng cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 108 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp (tăng 89 HTX so với năm 2016); tỷ trọng lao động nông nghiệp đạt 47%, cao hơn so với chỉ tiêu đề án; nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp đạt 41,33% (chỉ tiêu 41%); thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,56 lần so với năm 2015.
Trong giai đoạn mới (2020 - 2025), Bến Tre phấn đấu có thêm 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Châu Thành và Bình Đại; huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, mỗi huyện, thành phố có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu./.
                                                                                                                                                         Thanh Lan


 

 
Ý kiến của bạn