Diện mạo nông thôn mới ở xã Cao Phong

 582 lượt xem
Cao Phong là xã nằm ở phía nam của huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, có tổng diện tích tự nhiên là 714,45 ha; được chia thành 13 thôn dân cư, có 2.743 hộ, 10.114 nhân khẩu, có 8 hộ 31 nhân khẩu thuộc dân tộc Sán Dìu, Tày, Nùng. Đảng bộ có 17 chi bộ, 411 đảng viên. 

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp 6/19 tiêu chí, nhưng được sự quan chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Sông Lô, trong những năm qua, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã Cao Phong đã thực sự trở thành phong trào thi đua sâu rộng được cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia.
Ông Lê Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Khi bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Cao Phong đạt 6/19 tiêu chí. Với tất cả sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể nhân dân, ngày 20/01/2016 xã Cao Phong vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM và tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG XD NTM nhân dân và cán bộ xã Cao Phong đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đã có thành tích trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc". 
Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”, do vậy, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Cao Phong đã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Đảng, chính quyền xã Cao Phong tổ chức đoàn gần 100 người trong Ban chỉ đạo, ban quản lý, ban phát triển thôn, tổ giúp việc xây dựng NTM xã đi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm xây dựng NTM kiểu mẫu tại xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
 
  Mô hình chăn nuôi bò hướng thịt đem lại giá trị kinh tế cao

Từ Chương trình xây dựng NTM đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông. Từ việc giao thông đi lại khó khăn, đến nay đã hoàn toàn thuận tiện cho sản xuất và sinh hoạt. Cơ sở vật chất trường học được chú trọng, phục vụ tốt công tác dạy và học trên địa bàn. Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã tiếp tục có thêm Truờng Mầm non được công nhận đạt chuẩn mức độ II năm 2016 và trường THCS được công nhận đạt chuẩn mức độ II năm 2018.
Công tác xây dựng và chỉnh trang các thiết chế văn hoá được quan tâm đầu tư, đến nay xã có trung tâm văn hóa xã; các thôn đều có nhà văn hóa thôn khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu làm việc, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của nhân dân. Công tác chỉnh trang nhà cửa và các công trình vệ sinh được quan tâm.
Công tác phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật được đầu tư . Nền kinh tế phát triển theo xu hướng tích cực, tăng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2015, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 50%, tiểu thủ công nghiệp 28%, dịch vụ - thương mại 22 %, đến năm 2019 cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 19,74% (giảm 30,26 ), tiểu thủ công nghiệp chiếm 53,2% (tăng 25,2%), dịch vụ thương mại 21,48 % và thu khác 5,58%  góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,62% vào năm 2020 và tăng tỷ lệ hộ có thu nhập khá - giàu. 
Nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao được đưa vào sản xuất như: Mô hình trồng chuối trên đất bãi với quy mô trên 40 ha cho thu nhập hằng năm trên 7 tỷ đồng; mô hình bò hướng thịt với quy mô hàng trăm con cho thu nhập hàng năm trên 2 tỷ; mô hình nuôi cá lồng trên dòng sông Lô với sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm cho thu nhập trên 3,5 tỷ đồng. Hoạt động của làng nghề: Mây tre đan, các doanh nghiệp vận tải, may mặc, các tổ - nhóm thợ nghề mộc, nghề điện, xây dựng.. trên địa bàn xã đã góp phần giải quyết việc làm, đem lại thu nhập cao và ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương. 06 tháng đầu năm 2020, thu nhập bình quân đạt 29,1 triệu đồng/người.
Môi trường từng bước được cải thiện, góp phần năng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Thực hiện chủ trương xây dựng rãnh thoát nước thải môi trường của tỉnh, xã đã thực hiện được 13,4km mương rãnh, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn thước thải sinh hoạt, chăn nuôi tại các thôn dân cư.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, chú trọng, bộ máy chính quyền các cấp đã phát huy vai trò, bám sát cơ sở, được nhân dân tin tưởng. Hệ thống chính trị ổn định, an ninh, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững. Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được thực hiện có hiệu quả, nhiều năm liền không có đơn thư khiếu nại vượt cấp, năm 2018, được Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen. Ngoài duy trì và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả, nhiều năm liền được huyện, tỉnh và Trung ương tặng Bằng khen.
Để đạt được những kết quả trên, trong những năm qua, xã Cao Phong đã tập trung công tác chỉ đạo trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM bằng những việc làm thiết thực, cụ thể nhất. Đó là, luôn nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm với công việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu; tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. 
Cùng với đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới; da đạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung chỉ đạo các ngành, các thôn dân cư rà soát nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu một cách cụ thể, sát với tình hình thực tế để tổ chức triển khai có hiệu quả.
 Quan tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, gia tăng thu nhập.
 Hoàn thiện và nâng cấp chất lượng hạ tầng cơ sở, trong đó, chú trọng đầu tư cho các công trình liên quan trực tiếp đến người dân để cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cường bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan, trong đó tập trung phát triển các mô hình thôn dân cư xanh, sạch, đẹp. 
Tăng cường chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, có giải pháp bổ sung kỹ năng cho người dân. Huy động, lồng ghép các nguồn lực trong triển khai thực hiện chương trình. Rà soát, quy hoạch quỹ đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tăng thêm kinh phí thực hiện xây dựng NTM. Không để phát sinh nợ đọng trong xây dựng NTM. Thành lập “Quỹ xây dựng nông thôn mới" từ nguồn vận động cán bộ, công chức trong xã đóng góp từ 02 đến 05 ngày lương, ở thôn mỗi khẩu đóng 100.000đ/khẩu/năm. Vận động các hộ làm ăn khá và con em công tác xa quê ủng hộ các phong trào xây dựng nông thôn mới, điển hình như: Hội đồng hương Hà Nội, Vĩnh Yên, Việt Trì…
Công tác thi đua, khen thưởng thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các ban, ngành, đoàn thể và thôn dân cư, phát huy những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Qua đó, thúc đẩy phong trào thi đua trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương./.
                                                                                                                            Minh Anh

 
Ý kiến của bạn