Trong 05 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã lôi cuốn được sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Lao động- Thương binh và Xã hội. Các phong trào thi đua đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành, không chỉ động viên và tập hợp được sức mạnh, phát huy được sức sáng tạo, đem lại hiệu quả trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của ngành giai đoạn 2016 - 2020. Từ những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu đi đầu trên từng lĩnh vực.
Dù họ là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trình độ học vấn, tay nghề và thời gian công tác, điều kiện làm việc khác nhau; song tất cả đều là những cán bộ, công chức, viên chức mẫu mực, giàu nghị lực, khát khao phấn đấu vươn lên với bản lĩnh, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, sáng tạo trong công tác, không ngừng nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị phát triển bền vững. Họ thực sự là những đóa hoa tươi thắm trong vườn hoa muôn sắc, muôn màu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thầy thuốc Ưu tú Lương Ngọc Cương (đứng giữa), Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì. (ảnh: Theo báo dansinh)
Đó là thầy thuốc Ưu tú Lương Ngọc Cương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì, người đã có nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần. Ông đã chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp Bộ như đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện quy trình điều trị, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho người tâm thần mãn tính tại các trung tâm”; đề tài “Các giải pháp để phát triển các hoạt động dịch vụ trong trung tâm Điều dưỡng tâm thần mãn tính thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội”. Gần 30 năm gắn bó với nghề y, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, không ngại khó, ngại khổ để chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ông đã mạnh dạn thí điểm và mở rộng mô hình điều trị theo yêu cầu. Những trường hợp bệnh nặng hoặc gia đình có nhu cầu sẽ được quản lý, điều trị nội trú, còn các trường hợp bệnh nhẹ hơn có thể đến khám, tư vấn, mua thuốc về điều trị ngoại trú.
Giai đoạn 2013 - 2017, đơn vị đã điều trị luân phiên nội trú cho 587 lượt, khám, tư vấn, điều trị ngoại trú cho 2.310 lượt, thu sự nghiệp đạt 9.284 triệu đồng, đã nộp thuế cho Nhà nước 199 triệu đồng.
Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm đơn vị đã điều trị luân phiên nội trú cho gần 200 lượt với trên 40.000 ngày điều trị, khám, tư vấn, điều trị ngoại trú cho 952 lượt, thu sự nghiệp đạt 3.805 triệu đồng, đã nộp thuế cho Nhà nước 76 triệu đồng. Kết quả đã có gần 800 lượt bệnh nhân điều trị nội trú ổn định, về tái hòa nhập với cộng đồng, trong đó nhiều trường hợp có thể tiếp tục đi học, đi làm hoặc xây dựng gia đình.
Với những thành tích đã đạt được từ 2010 đến nay ông đã 02 lần được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, 05 lần được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (2011); được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2018). Năm 2019 ông đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.
Đó còn là bà Trần Cẩm Nhung, Uỷ viên Hội đồng Bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, người đã có sáng kiến tặng 50 tỷ đồng để thành lập Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa “Tấm lòng tri ân” dành cho những người có công với cách mạng và thân nhân của họ trao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Bà đã thành lập quỹ Khuyến học, khuyến tài tại tỉnh Đồng Nai mang tên “Chắp cánh ước mơ” với số tiền là 20 tỷ đồng giúp học sinh, sinh viên là con cháu trực hệ thương binh, liệt sĩ của tỉnh Đồng Nai. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đã tặng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam số tiền 40 tỷ đồng để thực hiện nhiều chương trình nhằm giúp đỡ, chăm sóc các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong 3 năm gần đây (2017 - 2019), bà đã đóng góp cho các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn, đáp nghĩa hơn 125 tỷ đồng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế (ảnh: Theo báo dansinh)
Đó là ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, có trên 30 năm công tác trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đã tích cực tham mưu cho Bộ những chủ trương, chính sách lớn về quan hệ quốc tế với các đối tác đa phương, song phương, ASEAN, phi chính phủ và các giải pháp tăng cường sự hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội. Bên cạnh đó, ông đã có những đóng góp trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CTTPP) trong các vấn đề về kỹ thuật từ tháng 5/2012 đến ngày 23/01/2018, góp phần không nhỏ vào việc phê chuẩn Hiệp định TPP; đã đóng góp rất tích cực và hiệu quả trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động cho tương thích với cam kết quốc tế tại Việt Nam, bao gồm các cam kết trong CPTPP và EVFTA. Ngoài ra còn tham gia nghiên cứu, xây dựng hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn công ước 98 của ILO.
Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng đã cùng với tập thể Ban Giám đốc Sở tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo xác nhận người có công của tỉnh theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen do có thành tích tham gia kháng chiến và đề nghị Sở Tài chính cấp kinh phí trợ cấp một lần cho 271 trường hợp hưởng theo quy định. Phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh trình Chủ tịch nước công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 497 Bà mẹ. Lập thủ tục đề nghị cấp 41 Bằng Tổ quốc ghi công, cấp lại 1.340 Bằng Tổ quốc ghi công. Cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ người có công về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2014 - 2018, sửa chữa, xây mới là 7.849 căn, tổng kinh phí hơn 255 tỷ đồng, năm 2019 từ nguồn Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa tỉnh Sóc Trăng đã triển khai xây dựng, sửa chữa 442 căn nhà tình nghĩa, với tổng trị giá 15 tỷ đồng). Do có nhiều đóng góp trong công tác ông Mã Chí Thanh đã được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh giai đoạn 2017 - 2019; được tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2017; được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen giai đoạn 2015 - 2020.
Bà Vương Thị Liễu, nhân viên bảo mẫu, Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh. Bà có 22 năm gắn bó với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Bà luôn bám sát từng trẻ, đôn đốc các cháu học bài, có ý thức chăm ngoan, lễ phép, luôn tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, nhân cách tốt. Dưới sự chỉ bảo, rèn dũa của bà các cháu luôn tuân thủ mọi nội quy, giờ giấc, nền nếp và ý thức cao trong sinh hoạt. Hàng năm, 70% trẻ đạt kết quả học sinh khá, giỏi trở lên. Đối với công tác chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật dạng bại não, thần kinh tâm thần, động kinh, bại liệt; trẻ sơ sinh, bị bỏ rơi rất cần sự chăm sóc đặc biệt… việc chăm sóc đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại. Trong 22 năm công tác, bà đã chăm sóc, nuôi dưỡng 88 cháu trưởng thành, có 50 cháu đã xây dựng gia đình; bà đang trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng 25 trẻ mồ côi. Đối với bà cũng như các nhân viên bảo mẫu của Làng, đã chọn sự nghiệp “Trồng người” để gắn bó cả cuộc đời mình, “phần thưởng” quý giá nhất đối với bà và đồng nghiệp chính là niềm vui trong công việc, sự quan tâm chia sẻ, động viên của các cháu, chứng kiến các cháu lớn khôn mỗi ngày; hạnh phúc lớn nhất của bà là khi được các cháu gọi mình bằng “Mẹ”.
Quá trình công tác, bà thường xuyên nhận được sự động viên của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, hàng năm bà được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; bà được bầu chọn là điển hình tiên tiến của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh./.
Thanh Lan