Bản sắc đất Tổ: Hãy để người dân được làm chủ

 10023 lượt xem
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó BCĐ Chương trình xây dựng NTM Phú Thọ cho rằng, để Chương trình xây dựng NTM thành công, hãy tạo mọi điều kiện để người dân được tham gia, những việc gì dân làm được nhất định phải giao người dân làm, đó chính là hình thức công khai dân chủ hiệu quả nhất. 

  

Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Thọ Nguyễn Đức Thiện.
 
VIỆC GÌ DÂN LÀM ĐƯỢC PHẢI ĐỂ DÂN LÀM
Thưa ông, huy động sức dân trong xây dựng NTM là việc làm vô cùng cần thiết, để công tác này phát huy hiệu quả tốt nhất, theo ông các cấp ngành đoàn thể đóng vai trò như thế nào?
Việc huy động sức dân, trước tiên các cấp ngành đều phải tham gia chung tay góp sức tuyên truyền, phổ biến ở lĩnh vực mình quản lý, cán bộ từ tỉnh tới địa phương phải gương mẫu, phải công khai. Mọi việc làm trong địa phương dân phải được bàn và nên giao cho dân được làm. Chúng tôi khuyến khích, khi tiến hành xây dựng NTM, hạng mục cơ sở hạ tầng nào tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, các công trình người dân nhìn thấy giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày cho bà con được chúng tôi ưu tiên làm trước.
 
Chúng tôi vẫn thường xuyên đề xuất lãnh đạo các huyện, xã những việc gì dân làm được phải giao cho dân. Những việc gì dân không làm được mới thuê chuyên gia, tư vấn giúp đỡ, bằng mọi giá cố gắng để người dân tham gia càng nhiều càng tốt. Đó chính là hình thức công khai để người dân nhìn thấy công lao, sức lực của họ thông qua các công trình sản phẩm cụ thể. Từ lòng tin ấy, người dân sẽ ủng hộ, những bước tiếp theo của Chương trình xây dựng NTM không có gì khó. Nhưng mục tiêu quan trọng của chúng tôi vẫn là tập trung vào phát triển SX tạo ra của cải vật chất cao hơn. BCĐ NTM tỉnh Phú Thọ xác định chiến lược, phát triển SX thành công là yếu tố bền vững nhất. Qua thực tế chúng tôi nhận thấy, những địa phương nào kinh tế người dân phát triển đi lên, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia vào Chương trình xây dựng NTM rất mạnh mẽ.
 
Vậy, với một tỉnh địa hình có cả miền núi, đồng bằng lẫn trung du như Phú Thọ, việc phát triển SX gặp những khó khăn, thuận lời nào thưa ông?
 
Phú Thọ có 3 con sông chảy qua, xen kẽ là các sông suối nhỏ nên việc SX nông nghiệp có nhiều thuận lợi. Chúng tôi đã xây dựng được nhiều công trình tích giữ nước nhờ vào địa hình đồi núi xen lẫn đồng bằng nên công tác tươi tiêu luôn được chủ động. Song, địa hình đặc thù cũng đem lại khó khăn như đồng đất bị chia cắt thành nhiều vùng nhỏ lẻ, việc ứng dụng cơ giới gặp bất lợi. Bấy lâu nay chúng tôi vẫn day dứt về vấn đề dồn điền đổi thửa để hình thành nên những vùng SX lớn. Nhưng tôi nghĩ, người dân sẽ có sự chuyển biến dần, ngày trước, bình quân mỗi hộ có 9 - 10 mảnh ruộng nay chỉ còn 5 - 6 mảnh, như vậy cũng đã được một bước khá lớn. Và không phải cứ đồng đất quá nhỏ là không áp dụng được cơ giới hóa, chúng ta phải linh động đưa máy móc nhỏ vào. Nhiều xã nói với tôi rằng, từ khi có cơ giới hóa, giá làm đất đã giảm xuống được 1/3, thời gian làm đất rất nhanh.
 
GIỮ DÂN LẠI ĐỒNG RUỘNG
Chúng tôi được biết, khi lên làm GĐ Sở NN - PTNT, ông đã yêu cầu 20 đơn vị trực thuộc Sở tham gia đỡ đầu cho các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là Chương trình xây dựng NTM, vậy ông kỳ vọng gì từ việc làm này?
 
Thực ra tôi cũng không kỳ vọng gì đâu, quan điểm của tôi đơn giản là lý thuyết phải đi liền với thực tiễn. Bác Hồ đã từng nói, lý thuyết mà không có thực tiễn là lý thuyết suông, thực tiễn mà không tiếp tục được bồi bổ lý thuyết, trang bị kỹ thuật thêm thì cũng không phá triển lên được. Trong khí đó, ngành nông nghiệp có hàng nghìn kỹ sư, anh em đều được học đầy đủ, bài bản qua trường lớp, đã làm chỉ đạo rồi nhưng chỉ đạo có đúng và hiệu quả không anh em chưa tổng kết được. Vì vậy, bây giờ tôi muốn anh em xuống cơ sở cùng cán bộ ở các Phòng Nông nghiệp huyện, rồi chính quyền xã, cán bộ xã kiểm tra xem xét trong quá trình triển khai có vẫn đề gì để rút kinh nghiệm.
 
Ví dụ, năm 2011 mùa vụ bị muộn, nếu không trồng được ngô sản lượng lương thực bình quân đầu người không thể đạt 340 - 350 kg. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn chỉ đạo phải trồng 15.000 ha ngô, anh em cán bộ ngành nông nghiệp quyết liệt tập hợp cán bộ, chính quyền địa phương tập trung vào làm. Bản thân cán bộ các xã phải trực tiếp ra đồng, làm đền đâu dùng ni lông che mưa đến đấy nên vụ đông vừa rồi chúng tôi thắng lớn. Tôi cứ nói đùa anh em rằng, đây không chỉ là dịp để anh em cán bộ ngành nông nghiệp trau rồi, nâng cao kiến thức mà còn là dịp để giao lưu gặp gỡ với chính quyền địa phương, tăng sự qua lại đoàn kế giữa cán bộ ngành nông nghiệp với cơ sở.
 
Là người tâm huyết với nông nghiệp, ông cảm thấy trăn trở điều gì nhất trong quá trình xây dựng NTM.
 
Thực sự ra vẫn là làm sao để người dân thấu hiểu được rồi các hệ thống chính trị, chính quyền đoàn thể người ta vào cuộc. Nhiều đời nay người dân vẫn cứ gieo mạ rồi cấy rồi chăn nuôi lợn gà, nhưng nay phải ứng dụng KHKT để đưa ra sản phảm có năng suất, chất lượng cao hơn. Đối với SX ở nông thôn và nông dân, từ trước tới nay chủ yếu mình vẫn phải tập trung vào SX lương thực và chăn nuôi. Nhưng khi quy hoạch SX trong xây dựng NTM, chúng tôi xác định, đã trồng trọt thì phải trồng trọt liền vùng, liền thửa để giảm chí phí dịch vụ, việc hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cũng đúng lúc, đúng chỗ và có hiệu quả hơn.
 
Một khi SX phát triển, người dân giờ họ so sánh giữa việc làm ruộng và li nông li hương nếu mà một 8 một 10 chắc chắn họ sẽ ở lại quê hương vì vừa được thu nhập lại có tình cảm gia đình, trách nhiệm với quê hương, con cái. Bây giờ người dân làm nông nghiệp chưa đủ cho con cái học hành, chi tiêu trong gia đình nên họ buộc phải đi làm ăn xa. Chính vì vậy, chúng tôi tập trung cao độ vào việc đưa lúa lai, lúa chất lượng, luá thuần cho năng suất cao vào thâm canh. Chăn nuôi giờ phải đưa được con vật trọng lượng cá thể tốt lên, hạn chế được dịch bệnh, không ô nhiễm môi trường. Đối với làm nông nghiệp, không thể có cái gì lãi lớn, nhưng việc tích tiểu thành đại trong một năm tổng thu nhập từ trồng trọt cộng chăn nuôi bà con sẽ có kinh tế để lo toan cuộc sống gia đình và cho các cháu học hành.
 
Từ năm nay, chúng tôi tập trung cao độ hướng dẫn bà con ứng dụng KHKT nông nghiệp công nghệ cao vào SX hàng hóa. Mục tiêu là nâng cao năng suất nhưng chi phí phải giảm để người dân họ làm nông nghiệp có lãi, họ say xưa SX để tích lũy làm giàu. Đấy là mục tiêu thắng lợi nhất của chương trình xây dựng NTM.
 
“Tôi nghĩ, không thể nóng vội việc dồn điền đổi thửa được vì tư liệu SX chính của người nông dân là ruộng đất nên bà con rất sợ giao cho DN sẽ mất quyền sở hữu. Nhưng khi SX đi lên kết hợp với Chương trình xây dựng NTM nông dân nhìn thấy diện tích lớn SX dễ dàng hơn lại cho năng suất cao họ sẽ tự hợp tác với nhau. Tôi mong Nhà nước có chính sách chặt chẽ hơn đối với tài sản ruộng đất. Bản thân nông dân cần có trách nhiệm với mảnh ruộng của mình, anh phải làm cho nó sinh ra của cải vật chất chứ không làm mà cứ khư khư giữ đất gây lãng phí cũng không được", ông Nguyễn Đức Thiện.
 
 
Ý kiến của bạn